Đổi mới giáo dục nghề nghiệp- đòi hỏi cấp bách

GD&TĐ - Cả nước hiện có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CS GDNN), gồm 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm GD thường xuyên (TX)- GDNN.

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp- đòi hỏi cấp bách

Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã có trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, cao đẳng nghề và trung tâm GDTX- GDNN (TCN, TCCN, CĐ, CĐN & TTGDTX- GDNN).

Những kết quả đáng khích lệ

Thực hiện Nghị quyết 76/ NQ- CP ngày 3/9/2016, hơn 500 trường CĐ, TCCN chuyển giao từ Bộ GD&ĐT về Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Việc chuyển giao này chính thức từ ngày 01/01/2017. Tổng cục GDNN thuộc Bộ LĐ- TB&XH trực tiếp quản lý, chỉ đạo 1.974 CS GDNN này.

Gần 1 năm qua, các CS GDNN đã, đang hoạt động ra sao, có đủ sức thu hút người học như mong muốn hay không? Đâu là những vướng mắc cần tháo gỡ?

Theo Tổng cục GDNN: Năm 2016, các CS GDNN cả nước tuyển sinh đạt 2.367.654 người. Trong đó, trình độ CĐ- CĐN là 241.411 sinh viên (SV)- chiếm 10,2%. Trình độ TCN, TCCN là 143.135 học sinh (HS)- chiếm 12,3%. Còn lại là HS học nghề ngắn hạn dưới 3 tháng. Kết quả thi tốt nghiệp năm 2016: có 1.974.193 người tốt nghiệp (bao gồm cả 3 trình độ đào tạo).

Năm 2017, báo cáo chưa đầy đủ cho biết: các CS GDNN cả nước dự kiến tuyển sinh 2,2 triệu HS, SV. Đến hết tháng 10/ 2017, đã tuyển sinh cả 3 cấp trình độ trên 1,6 triệu người- đạt tỷ lệ hơn 75% so với kế hoạch đề ra. Được biết, các địa phương đã quy hoạch mạng lưới trường CĐ- CĐN chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế.

Riêng TP HCM, hiện có 484 CS GDNN, trong đó có 47 trường CĐ- CĐN, 65 trường TC, 65 TT GDTX- GDNN và 307 cơ sở khác. Đến cuối tháng 10/ 2017, TP HCM tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp đạt hơn 372.000 người- tỷ lệ 94% so với kế hoạch năm 2017 (cao nhất nước).

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành kịp thời “Quy chế tuyển sinh” với nhiều điểm mới, khuyến khích đông đảo người học tìm đến các CS GDNN.

Cụ thể: “Quy chế tuyển sinh” do các trường tự xây dựng. Các trường không phải xây dựng Đề án tuyển sinh. Thời gian tuyển sinh: một hoặc nhiều lần trong năm, do Hiệu trưởng quyết định.

Hình thức tuyển sinh: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển do Hiệu trưởng nhà trường quyết định.Đối tượng tuyển sinh: trình độ TC- TCCN: tốt nghiệp từ THCS trở lên; trình độ CĐ- CĐN: tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên…

Tích cực tháo gỡ các vướng mắc- tạo thương hiệu vươn lên

Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội qúa tải vì diện tích khuôn viên quá hẹp, theo quy hoạch không được phép làm nhà ở và xây cao tầng. Do đó, trường không có ký túc xá nội trú cho HS,SV, mặc dù có số lượng người học đông (cao nhất có 3.500 HS,SV học tại trường).

Nhu cầu ở nội trú của HS,SV lớn, hàng năm có khoảng 60% HS, SVcủa trường có hộ khẩu Hà Nội. Tuy nhiên chỉ có khoảng 50% số em ở Hà Nội sống cùng gia đình trong thời gian đi học tại trường. Như vậy nhu cầu thuê chỗ ở của HS,SV khoảng 70%, trung bình hàng năm khoảng 1.400/2.000 HS, SV có nhu cầu về chỗ ở.

Phần lớn các HS,SV nội thành và các khu vực phụ cận sống cùng với gia đình, cũng chọn xe buýt (mỗi lần di chuyển 2-3 tuyến) làm phương tiện giao thông chính. Đa số HS,SV ngoại tỉnh đi làm thêm tăng thu nhập, trong khi xung quanh trường có nhu cầu lớn về lao động trong các lĩnh vực hoạt động dịch vụ. HS,SV có thể tìm được việc làm chỉ 1-2 tháng sau khi nhập học.

HS,SV chủ yếu sống xa trường, sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại. Mọi hoạt động của trường muốn thu hút, huy động được đông đảo HS, SV tham gia thì phải diễn ra trong ngày, kết thúc trước 20h00 để các em còn có phương tiện về nhà an toàn.

HS,SV đi làm thêm nhiều, chủ yếu vào buổi chiều và tối nên hầu hết các em đều có nguyện vọng học sáng, trong khi điều kiện về GV, đặc biệt là về mặt bằng các xưởng thực hành không thể bố trí được. Điều này góp phần vào hiện tượng gia tăng tỷ lệ bỏ học. Khi các em có một chỗ làm các em cho là tốt, nhưng lại không sắp xếp được một thời gian biểu phù hợp.

Cơ chế quản lý tạm trú, tạm vắng đối với HS,SV học trong trường do đó cũng không có. Việc quản lý các em trong giờ tự học ở nhà cũng như công tác bồi dưỡng HS,SV ngoài giờ không thực hiện được.

Khó khăn là vậy, nhưng trường đang tìm cách vượt qua. Trường đang mở rông liên kết đào tạo một số nghề không đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực có tay nghề, cho các doanh nghiệp như: nghề CN sản xuất bột giấy và giấy, nghề Điện công nghiệp, nghề Hàn.

Như nhiều trường nghề khác, ở trường CĐN Hà Nội, tình trạng HS,SV tốt nghiệp ra trường không đến làm việc ở những nơi có nhu cầu sử dụng, nhất là đến vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng cao và vùng có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn là khá phổ biến.

Nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng nhưng không tuyển được lao động, vì HS,SV tốt nghiệp còn nặng tâm lý không muốn đi xa nhà, hoặc ngại làm việc cho các công ty tư nhân vì sợ công việc không ổn định...

Để giải quyết vấn đề việc làm sau đào tạo, nhà trường đã trang bị cho các em những kiến thức, tay nghề, tác phong công nghiệp, pháp luật... 3 tháng trước khi tốt nghiệp, HS,SV được phát phiếu thăm dò về nhu cầu làm việc, địa điểm làm việc, mức lương đề nghị.

Từ đó nhà trường thu thập thông tin gửi đến các DN có nhu cầu tuyển dụng, tổ chức các buổi tư vấn việc làm và hỗ trợ các em trong quá trình phỏng vấn, lập hồ sơ, làm hợp đồng. Khi có các đơn hàng tuyển dụng, trường cho cán bộ đi xác minh, làm hợp đồng, hướng dẫn các em tham gia dự tuyển...

Trước đó, trong lúc học ở trường, nhà trường hợp đồng đưa các em đi thực tập ở các DN có uy tín như: Tập đoàn KHKT Hồng Hải, Samsung Việt Nam,Tập đoàn lắp máy Lilama... với hình thức vừa học, vừa làm, nhằm tạo điều kiện cho HS, SV thực hành, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề.

Hiện nay, trường đang hợp tác với Tập đoàn KHKT Hồng Hải tuyển chọn SV năm thứ 2 làm các vị trí chuyền tổ trưởng (thực tập 1,5 tháng tại Tập đoàn). Sau khi được Tập đoàn tuyển chọn và ký hợp đồng, các SV được Tập đoàn chi trả toàn bộ học phí của năm học thứ 3 và cấp học bổng cho 10% SV tham gia chương trình. Tốt nghiệp ra trường, các em được Tập đoàn nhận vào làm việc theo đúng hợp đồng đã ký.

Đồng thời nhà trường cũng đang hợp tác thực tập đào tạo với Công ty Fomosa Hà Tĩnh tuyển chọn SV năm thứ 2 cho đi thực tập 1 tháng tại nhà máy. Sau khi các em tốt nghiệp sẽ làm kỹ thuật viên tại Công ty, những SV được lựa chọn sẽ được Công ty chi trả toàn bộ học phí của năm học thứ 3.

Ngoài ra, nhà trường đang hợp tác với một DN Cơ điện lạnh của Hàn Quốc, để đưa SV năm thứ 2 sang Hàn Quốc thực tập 3 tháng. Sau khi tốt nghiệp, DN Hàn Quốc sẽ nhận lại để làm việc (dự kiến thực hiện cuối năm 2017 với 30 SV).

Với cách làm đó, theo kết quả khảo sát mới nhất của nhà trường cho thấy, trên 85% HS, SV sau khi tốt nghiệp tại trường đều có việc làm và thu nhập ổn định. Hiện trường có trên 2.000 HS,SV đi lao động tại Hàn Quốc, 300 em đang làm việc tại Nhật Bản, 250 em đang làm việc tại Đài Loan...

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, trên tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Làn sóng toàn cầu hóa vô cùng mạnh mẽ, kéo theo tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi gia đình và cá nhân vào cuộc. Không một ai, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài. HS, SV VN là đối tượng chịu tác động rất lớn của xu thế toàn cầu hóa đó.

Nét ấn tượng phải kể đến trường CĐN Kiên Giang (KG). Ngoài việc quan tâm bố trí chỗ ở, nhà trường rất chăm lo bữa ăn cho HS,SV. Hàng năm có khoảng 30% HS,SV kinh tế rất khó khăn, từ những vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo học nghề tại trường.

Hầu hết các em phải vay vốn tín dụng để đóng học phí. Ngoài giờ học, các em phải đi làm thêm: phụ hồ, phụ quán ăn, quán nước, rửa xe, làm bảo vệ…để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Vì thế, nhiều em thường xuyên nhịn ăn nhịn uống, nhưng lại làm thêm quá sức và tiết kiệm trong chi tiêu, nên không đảm bảo sức khỏe để học tập.

Nhằm giúp cho HS,SV hoàn cảnh khó khăn, trường đã liên hệ và được Qũy VNHELP - USA tài trợ cho trường 300 suất cơm trưa mỗi ngày, mỗi tuần 5 ngày (10.000đ/suất). HS,SV đóng thêm mỗi suất 2.000đ (thông qua việc mua phiếu ăn giá 2.000đ).

Từ đó, Quán cơm sinh viên trường CĐN KG ra đời, duy trì hoạt động đến nay được 3 năm. Nhà trường sửa chữa nhà ăn, lo điện nước hàng tháng. GV ủng hộ gạo. Phụ huynh góp rau, cá. Một hãng đã tài trợ nước mắm từ khi thành lập đến nay. Vận động HS,SV (5-8 HS,SV) mỗi ngày sau giờ học đến Quán để hỗ trợ sắp xếp khay cơm, hướng dẫn các bạn đến dùng cơm một cách thoải mái, trật tự và vui tươi.

Qua 3 năm hoạt động, Quán cơm SV nhà trường đã phục vụ 243.600 suất ăn cho HS,SV nghèo, giúp các em và gia đình tiết kiệm được hơn 3 tỷ đồng, đồng thời giảm tỷ lệ HS,SV bỏ học của trường từ 15% năm học 2013-2014 xuống dưới 10% năm học 2016-2017.

Năng động, sáng tạo- chìa khóa cho sự sống còn

Ngày nay, trước sự tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN), sự bùng nổ của công nghệ thông tin và xu thế toàn cầu hóa, việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho các kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng (KN) nghề cao đã làm việc tại doanh nghiệp - trở thành nhà giáo GDNN đang là xu hướng ngày càng cấp thiết.

Chúng ta cần cử đi đào tạo, bồi dưỡng GV ở các nước phát triển, áp dụng chuẩn đào tạo tiên tiến của họ, để hình thành đội ngũ GV hạt nhân đạt chuẩn quốc tế, có đủ năng lực để đào tạo chương trình chuyển giao từ nước ngoài, đồng thời đào tạo lại các GV khác trong các CS GDNN.

Tăng cường đào tạo tiếng Anh cho các GV dạy các chương trình ASEAN, quốc tế. Huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo, bồi dưỡng KN nghề cho GV bằng hình thức tiếp nhận họ đến thực tập tại doanh nghiệp, để cập nhật, nâng cao KN thực hành nghề, tiếp cận KHCN mới.

Các CS GDNN phải mở rộng hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KN nghề quốc gia, gắn với các cơ sở đào tạo các nghề trọng điểm, với các doanh nghiệp lớn. Xây dựng mới tiêu chuẩn KN nghề quốc gia; đảm bảo tương thích với tiêu chuẩn KN nghề khu vực ASEAN, APEC, với sự tham gia của các Bộ- ngành- địa phương và doanh nghiệp.

Điều cấp bách mà đông đảo người học cần nhất ở các CS GDNN là: tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, hoàn thiện các quy định để doanh nghiệp là chủ thể của GDNN. DN được tham gia tất cả các công đoạn của nhà trường trong quá trình đào tạo.

Việt Nam nên thí điểm thành lập Hội đồng ngành trong một số lĩnh vực, với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN, các Bộ, ngành, các doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống.

Thách thức không nhỏ đối với GDNN trong việc GD, bồi dưỡng, quản lý và rèn luyện thế hệ trẻ là làm sao để HS,SV biết cách tận dụng hiệu quả những cơ hội này. Thời đại mới, yêu cầu HS,SV phải có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, phù hợp với thời đại và điều kiện về chính trị- kinh tế- văn hoá- xã hội của đất nước.

Thực thiện tốt công tác HS,SV trong các cơ sở GDNN, giúp người học có phẩm chất và năng lực công dân đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước và hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay là hết sức quan trọng.

Cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng về KN- nghiệp vụ sư phạm cho các kỹ sư- cử nhân- nghệ nhân- người có KN nghề cao (đã làm việc tại các DN) trở thành nhà giáo tại các CS GDNN.

Chúng ta phải mở rộng việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên (GV) về KN, nghiệp vụ sư phạm ở các nước phát triển. Nên áp dụng chuẩn của họ, để hình thành đội ngũ GV hạt nhân đạt chuẩn quốc tế- có đủ năng lực để đào tạo chương trình chuyển giao từ nước ngoài, đồng thời đào tạo lại các GV khác trong hệ thống. Tăng cường đào tạo tiếng Anh cho GV dạy các chương trình ASEAN, quốc tế.

Các CS GDNN cần đẩy mạnh việc khuyến khích các DN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo, bồi dưỡng các KN nghề cho GV, bằng hình thức tiếp nhận họ đến thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao KN thực hành nghề, tiếp cận công nghệ mới.

Chính phủ đang chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nhằm thực hiện mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, ngành GDNN do đó đứng trước các thách thức rất lớn: Tập trung GD người học chuyển đổi từ tư duy chờ xin việc- đi tìm việc, sang tư duy tự tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng sau khi tốt nghiệp ra trường. Đó là việc trang bị cho HS,SV những kiến thức, KN cần thiết, hỗ trợ HS,SV khởi nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.