Nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Theo dự thảo Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục (Bộ GD&ĐT), có 4 nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật này.

Nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung

Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 4 về Hệ thống giáo dục quốc dân. Việc sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.

Hệ thống giáo dục được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống; tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo; người dân có cơ hội tích luỹ kiến thức và học tập suốt đời. Đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng. Thiết lập được hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người học. Hệ thống giáo dục sẽ là hệ thống mở, linh hoạt, phục vụ người học, phục vụ xã hội; tạo cơ hội để mọi người học tập suốt đời theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Việc sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống giáo dục quốc dân bảo đảm tính thống nhất, liên thông, liên kết, phù hợp giữa các ngành nghề, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính ổn định và tính thống nhất tương đối của các quy định pháp luật về hệ thống giáo dục tại các luật về GD&ĐT. Thể chế hóa các quy định tại Quyết định 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã được thực tiễn kiểm nghiệm thành quy định của Luật.

Sửa đổi, bổ sung quy định về GDPT, GDTX

Sửa đổi, bổ sung quy định về GDPT, GDTX để đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Những sửa đổi, bổ sung liên quan đến mục tiêu giáo dục; yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục; mục tiêu giáo dục phổ thông; phương pháp giáo dục phổ thông; chương trình giáo dục phổ thông, SGK; giáo dục thường xuyên...

Sửa đổi, bổ sung quy định của Luật về chương trình giáo dục phổ thông, SGK nhằm: tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, SGK mới theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế; tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới;

Bảo đảm học sinh học hết THCS có tri thức phổ thông nền tảng, học sinh THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau THPT có chất lượng, bảo đảm năng lực học suốt đời; đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Bổ sung một số quy định thể chế các chính sách

Bổ sung một số quy định thể chế các chính sách của Đảng và phù hợp với các quy định hiện hành và giao thẩm quyền ban hành các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động nhà trường cho phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Cụ thể, bổ sung Điều 14a. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục để phù hợp với Luật Quy hoạch đang được trình Quốc hội thông qua và thực tiễn phát triển giáo dục thời gian qua. Theo đó, giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ quy vào đó xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục do địa phương quản lý, trình HĐND cùng cấp phê duyệt, đồng thời bảo đảm phù hợp với Luật giáo dục ĐH, Luật giáo dục nghề nghiệp, nhằm xây dựng phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, GDTX.

Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 48 về Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp quy định của Bộ Luật Dân sự trong việc xác định sở hữu của các cơ sở giáo dục giáo dục và để thực hiện quy định cơ chế tự chủ đối với các cơ sở sự nghiệp công lập, đồng thời bổ sung loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài để bảo đảm thống nhất với Luật giáo dục ĐH.

Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 71 về giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học để phù hợp với thực tiễn, làm rõ trách nhiệm của giáo sư, phó giáo sư trong việc nghiên cứu khoa học.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 77 về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học; sửa đổi, bổ sung Điều 81 về tiền lương của nhà giáo, nhằm thể chế hóa khoản 6 mục 3 phần B Nghị quyết 29 trong việc xác định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Việc đánh giá tác động đối với chính sách này đã được thực hiện khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật “các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng phải được giao trong Luật”: bổ sung khoản 2 Điều 54 về thẩm quyền ban hành chuẩn nhà giáo; bổ sung khoản 4 Điều 78 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục của cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; Điều 80: quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; khoản 2 Điều 99: ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh; ban hành quy định về tổ chức của cơ sở giáo dục khác; ban hành quy định hoạt động dạy học và giáo dục trong và ngoài nhà trường; quy định trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp; khoản 2 Điều 110c: quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quy định về tiêu chuẩn, quy trình đánh giá đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp trong việc chịu trách nhiệm về chất lượng của giáo dục địa phương tại khoản 4 Điều 100.

Sửa đổi, bổ sung đối tượng học sinh THCS trường công lập không phải nộp học phí tại khoản 1 Điều 105.

Để phù hợp với một số Luật mới được ban hành, sửa đổi một số điều sau: sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 105 về học phí để phù hợp với Luật giá; sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 113 về thanh tra giáo dục để phù hợp với Luật thanh tra.

Sửa đổi các quy định, điều về kỹ thuật

Nhằm đảm bảo phù hợp và thống nhất với quy định của khoản 3 Điều 7 Luật đầu tư: “3. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh: sửa đổi khoản 4 Điều 51 giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định cụ thể thủ tục thành lập, cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo; khoản 2 Điều 110c giao cho Chính phủ quy định điều kiện thành lập và giải thể của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

Để phù hợp với Luật người khuyết tật: Bãi bỏ cụm từ “tàn tật” tại Điều 10, khoản 2 Điều 26, Điều 63, khoản 1 Điều 69, khoản 1 Điều 82, khoản 1 khoản 2 Điều 89 của Luật giáo dục số 38/2005/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12.

Một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau

Dự thảo Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục (Bộ GD&ĐT) nêu một số vấn đề còn ý kiến khác nhau xin ý kiến Chính phủ, cụ thể:

Về chính sách đối với nhà giáo: Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục (“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”).

Vấn đề nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học: Vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo cũng xem là một nội dung cần đề cập sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW (“…tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở…phải có trình độ từ đại học trở lên...”). Theo đó, căn cứ vào thực tiễn đội ngũ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.

Vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến học học phí: Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh THCS trường công lập.

XEM CHI TIẾT DỰ THẢO LUẬT TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ