Đổi mới dạy học tích hợp - liên môn: Thầy cô vất vả, học trò hào hứng

GD&TĐ - Dạy học tích hợp – liên môn được xem là phương pháp giúp HS hình thành và phát triển năng lực cần thiết, trong đó có năng lực vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong thực tế cuộc sống. HS tham gia tương tác với giờ giảng tích cực, thể hiện nhiều ý tưởng, suy nghĩ, nhận xét rất mới mẻ và thú vị.   

Đổi mới dạy học tích hợp - liên môn: Thầy cô vất vả, học trò hào hứng

Tích hợp theo chuyên đề

Kiến thức môn Vật lý lớp 11 về dòng điện trong các môi trường như kim loại, chất điện phân, chất khí, bán dẫn được trình bày thành các bài riêng lẻ nhưng các giáo viên trong Tổ Vật lý, Trường THPT Tôn Thất Tùng (Sơn Trà, Đà Nẵng) đều thống nhất cách tiếp cận chung là sự tạo thành hạt tải điện, bản chất dòng điện, sự phụ thuộc của dòng điện vào hiệu điện thế và ứng dụng của nó trong thực tế. Chuyên đề về dòng điện trong các môi trường được các GV trong tổ phân bố giảng dạy với 3 tiết học về cơ chế hình thành hạt tải điện và bản chất của dòng điện trong các môi trường, 4 tiết về ứng dụng của dòng điện trong các môi trường và 2 tiết vận dụng kiến thức để giải quyết các bài tập.

Trần Đăng Khoa (HS lớp 11/11) hào hứng khi được nhóm bầu chọn để trình bày trước lớp. “Bây giờ em có thể tự tin để giải thích cho mọi người về tia lửa điện, sét, sự hình thành sét, lợi ích và tác hại của sét, cách phòng chống sét…”, Khoa chia sẻ.

Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Tất Tùng cho biết: “Khi HS chủ động tham gia vào học tập, các em trưởng thành rất nhanh, không những về kiến thức mà còn về kỹ năng, sự tự tin khi trình bày trước đám đông, kỹ năng làm việc nhóm, tìm kiếm thông tin trên mạng, vận dụng các kiến thức để giải thích, giải quyết các hiện tượng trong cuộc sống”.

Điều này được khẳng định qua nhận xét của em Bùi Văn Quy sau khi học xong chuyên đề về dòng điện trong các môi trường: “Chúng em được học chứ không phải bị học. Ngoài việc được chia sẻ những kiến thức, thông tin mà mình có được, em được bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm không chỉ từ thầy cô giáo mà còn từ chính các bạn trong lớp. Các kiến thức vì vậy cũng được chúng em nhớ lâu hơn, biết được cách áp dụng vào thực tế hơn là cách học chỉ ngồi nghe giảng và ghi chép”.

Với bài học Tạo bảng trong cơ sở dữ liệu ở môn Tin học lớp 12, HS Trường THPT Trần Phú có một bài tập về xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) cây xanh trong chính ngôi trường mình đang học. Thầy giáo Huỳnh Quang Minh, GV Tin học cho biết: “Ngoài tạo được CSDL về hệ thống cây xanh trong trường, HS còn phải vận dụng được các kiến thức đã học ở môn Công nghệ, môn Hóa học để hoàn thành thông tin mà CSDL cần có. Chẳng hạn, kỹ thuật sử dụng một số loại phân hóa học, phân hữu cơ và phân vi sinh để bón cho cây, vì sao không nên bón phân hóa học quá nhiều. Các em còn phải biết cách đánh mã số cho cây bằng những mẫu giấy nhỏ trước khi chụp hình để tránh nhầm lẫn giữa các loại cây, chậu cây...”. Những kiến thức về cách tạo bảng dữ liệu, vì vậy được HS nắm thuần thục qua cách vận dụng vào thực tế để giải quyết một vấn đề cụ thể.

Không để giáo viên tự bơi

Năm học 2018 – 2019, Trường THCS Nguyễn Huệ (Hải Châu, Đà Nẵng) đẩy mạnh các giờ học theo hướng tích hợp – liên môn gắn liền với hoạt động trải nghiệm – sáng tạo. Như với bài Giâm cành ở môn Công nghệ lớp 6, HS tự tạo được cây mới từ cành các loại cây như rau lang, ngót, mồng tơi, cây trường sinh… trong các khay nhựa, hộp xốp, hay tận dụng vỏ chai nhựa để thực hành trong giờ học ở lớp. HS sau đó có thêm một bài tập về nhà, bằng cách tự làm giá thể, chọn hom giống để giâm cành; cách bón phân thúc cho cây phát triển, chụp một số hình ảnh hoặc quay clip về quá trình phát triển của cành giâm sau 3 ngày, 7 ngày, 14 ngày và khi thu hoạch được. Những hình ảnh, clip này sẽ được các nhóm trình bày báo cáo tại lớp về quá trình trải nghiệm, kết quả đạt được cũng như những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện.

Cô Hồ Thị Phước – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho rằng: Trong điều kiện GV được đào tạo đơn môn, sách giáo khoa cũng đang viết theo kiểu đơn môn và hầu hết GV chủ yếu sinh hoạt chuyên môn trong cùng tổ bộ môn nên để đảm bảo dạy học tích hợp – liên môn, BGH phải thực sự sát sao, có những hướng dẫn cho giáo viên trong việc lựa chọn kiến thức tích hợp, liên môn phù hợp, tránh việc khiến cho giờ học trở nên nặng nề.

“Với những giờ dạy tích hợp – liên môn đòi hỏi học sinh phải có sản phẩm thì gần như GV phải giao việc cho HS chuẩn bị trước ở nhà và phải tổ chức thêm một buổi học ngoại khóa để báo cáo, đánh giá kết quả dự án nên GV phải thực sự tâm huyết, nắm vững kiến thức liên ngành, liên môn mới có thể làm chủ được giờ dạy” – cô Phước nhận xét.

Cô Hồ Thị Thảo Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú chia sẻ một cách làm khác: “Ngoài hỗ trợ GV trong sử dụng khai thác tối đa các phương tiện, thiết bị phục vụ cho dạy học tích hợp, liên môn, BGH nhà trường đã tuyên truyền sâu rộng đến phụ huynh về chủ trương này để có những hỗ trợ cần thiết trong quá trình học tập của con em họ. Trong dự giờ, thăm lớp, BGH cũng cần có những góp ý nếu GV tích hợp, liên hệ không hợp lý. Trong dự giờ, thao giảng, cũng phải thay đổi cách thức đánh giá, nhận xét, không chỉ chú trọng đến đơn vị kiến thức mà còn phải xem việc GV tổ chức các hoạt động như thế nào để phát triển năng lực HS.

Theo cô Nguyên, những góp ý của BGH và tổ chuyên môn không phải chỉ đánh giá giờ dạy, mà với tinh thần đóng góp, xây dựng để hướng tới phương pháp giảng dạy tối ưu với mục tiêu lấy HS làm trung tâm, bảo đảm chuẩn kiến thức và chuẩn kỹ năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.