Đưa Toán học đến gần với cuộc sống

GD&TĐ - Giảm bớt những tính toán phức tạp hóa các bài tập mang tính đánh đố HS để khai thông cách học Toán gần gũi với cuộc sống luôn là hướng đi đúng đắn của những GV biết vận dụng kiến thức khoa học vào đời sống. Đó cũng là tiết dạy mang tính khởi xướng trong chương trình giảng dạy lớp 6 Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM.

Tiết Toán lớp 6 ở Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM
Tiết Toán lớp 6 ở Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM

Mỗi bài học đều gần gũi với thực tế

Mở đầu là một bài toán vận dụng sơ đồ Ven để tính sĩ số HS của lớp 6A đăng ký theo học cầu lông, bóng đá và các môn thể dục khác. Điều đặc biệt của bài toán không phải là những con số, phép tính mà đề ra có liên quan đến hoạt động thể dục thể thao hiện nay của HS cấp THCS. Đây cũng là lý do mà sau khi cho HS của mình giải toán xong, GV đã cung cấp thêm cho các em kiến thức về lịch sử của bộ môn cầu lông mà không phải em nào cũng đã biết.

Nguyễn Tuấn Anh - HS lớp 6A cho biết: “Em đã biết đây là môn dùng vợt thi đấu giữa 2 vận động viên (đấu đơn) hoặc 2 cặp vận động viên (đấu đôi) trên 2 nửa sân cầu hình chữ nhật được chia ra bằng tấm lưới ở giữa. Người chơi ghi điểm bằng cách đưa quả cầu qua lưới bằng vợt và chạm đất ở trong phần sân bên kia của đối thủ. Mỗi bên chỉ có 1 lần chạm cầu duy nhất để đưa cầu sang sân bên kia”. Tuy nhiên, theo Tuấn Anh, nhờ GV giải thích thêm em mới biết khởi nguồn của cầu lông có vết tích từ giữa thế kỷ 18 tại British India (vùng thuộc địa cũ của Anh gồm Ấn Độ và Myanmar) do một sĩ quan quân đội Anh đóng ở Ấn Độ sáng tạo.

Còn Thu Hằng thì nhờ các bức ảnh mà GV đưa ra mới biết sau đó người Anh thêm cái lưới vào trò chơi cầu lông truyền thống của họ. Cũng qua gợi ý của thầy mà nhiều em khác hiểu sâu thêm về lịch sử môn cầu lông có liên quan đến trò chơi ball badminton dùng vợt và quả bóng bằng len màu vàng có nguồn gốc từ Tamil Nadu tương tự như trò chơi Hanetsuki có nguồn gốc từ Nhật Bản. Cầu lông trở nên phổ biến tại đơn vị đồn trú quân của Anh ở thị trấn Poona với cái tên Poona. Năm 1867 người ta mới bắt đầu ghi lại thành văn các luật chơi.

Rõ ràng những bài toán thực tế đã giúp các em không chỉ có thêm kỹ năng vận dụng mà còn được bồi bổ, cập nhật những kiến thức về lịch sử, văn hóa có liên quan đến các dữ liệu trong bài toán. Vì thế dù tiếp xúc với các con số nhưng người học không cảm thấy đơn điệu, khô khan mà ngược lại càng thấy sinh động và hấp dẫn. Những kiến thức bên ngoài mang tính chất “trữ tình ngoại đề” lại có dịp phát huy mọi tác dụng trong cánh cửa mở mang tri thức cho HS. Đây cũng là cơ hội để người dạy tìm hiểu sâu hơn các kiến thức khác trong quá trình soạn giáo án, ra bài tập và tra cứu tư liệu phục vụ cho các tiết dạy mang hơi hướng nhiều về cuộc sống. Chỉ cần một con đường đi mà cả thầy và trò hướng được nhiều đích đến khác nhau theo cách dạy tích hợp.

Bắt đầu từ nhận thức của người thầy

Ở bài tập chia số HS nam và HS nữ ra thành nhiều nhóm, những số liệu trong SGK đã được GV thay thế bằng số liệu có thực trong lớp nên các em cảm thấy thiết thực và gần gũi hơn, khoảng cách giữa kiến thức bộ môn và cuộc sống ngay trong lớp học cũng được rút ngắn. Màu sắc của thực tế đã được phương pháp giảng dạy của GV “tô đậm” vào trong từng dữ liệu của bài toán. Đó cũng là bài toán hỏi về số HS khối 6 của trường đi tham quan dã ngoại rất gần gũi với các em vì địa điểm tham quan không phải đâu xa lạ mà chính là Thảo Cầm Viên ngay trong lòng TPHCM và đối tượng tham gia là HS Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ.

HS giải toán một cách thoải mái và dễ hiểu hơn vì cảm thấy mình chính là người trong cuộc. Thích thú hơn là được thầy giáo cung cấp thêm nhiều kiến thức về cảnh đẹp Thảo Cầm Viên (còn được gọi là Sở thú) với 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài... Gần gũi hơn nữa là bài toán yêu cầu tìm số lượng tiết học tốt. HS càng hào hứng hơn khi đề bài đưa ra phong trào đăng ký tiết học tốt. Đó còn là bài toán tính độ cao của con diều khi 1 HS đứng thả diều ngoài đồng; tính diện tích căn phòng ở; giá máy bơm nước phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu vào mùa hạ… mà GV đã biết liên hệ thực tế vào trong từng đề ra, giúp các em dễ liên tưởng và tự tin hơn trong tiết học.

Qua tiết học, GV đã mở ra được phương pháp giải Toán thực tế với các bước mang tính cố định như: Đọc hiểu nội dung bài toán thực tế đã cho; Toán học hóa bài toán thực tiễn đã cho; Chọn lọc giả thiết chủ yếu để giải bài toán; Dùng kiến thức toán đã được học để giải bài toán đã được toán học hóa; Quay lại tình huống ban đầu trả lời câu hỏi theo tình huống thực tế của bài toán…

 Hiện nay trong giảng dạy, không ít GV vẫn còn bị hút vào việc nghiên cứu sao cho phải giải toán chính xác, nhưng lại sa vào máy móc; những câu hỏi hình học, những tính toán phức tạp hóa một số bài toán vốn đã quá khó đánh đố HS trình độ phổ thông. GV đôi khi giao bài tập cho HS giải quyết quá nhiều mà không đặt mình vào vai trò người học. Thay vào đó, Toán học vận dụng vào thực tế là một “cuộc cách mạng” có thể làm thay đổi tư duy dạy và học của thầy và trò.

Tuy nhiên theo nhiều GV, để làm thay đổi được thực trạng này không hề đơn giản ngày một ngày hai, vì thi cử thế nào thì việc học là “hình chiếu phản ánh thi cử” thế đó nên phải nương theo. Do đó không còn con đường nào khác là chúng ta phải biết cách “lột xác” trong nhận thức, làm quen dần với sự đổi mới trong việc soạn giảng sao cho gắn với cuộc sống, đưa việc dạy học tích hợp và phân hóa vào các tiết học để những năm tới chương trình SGK mới sẽ có một giao diện thân thiện và gần gũi với HS hơn. Hơn ai hết người GV phải là đầu tàu trong việc nhận thức được và thực hiện tốt việc phân hóa và tích hợp môn Toán trong các tiết dạy để mỗi giờ học Toán là một niềm vui trên con đường khám phá và chinh phục tư duy logic.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...