Để giáo dục STEAM không chỉ là xu hướng thời thượng

GD&TĐ - Mục tiêu của GD STEAM tương đồng với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, nhưng việc đưa STEAM vào GDPT đang gặp một số khó khăn. Do đó, để áp dụng STEAM vào chương trình GDPT một cách bài bản, khoa học, cần phải có kế hoạch lâu dài, lộ trình áp dụng với nhiều mức độ và hình thức phù hợp chứ không chỉ là một xu hướng thời thượng.  

Để giáo dục STEAM không chỉ là xu hướng thời thượng

Chưa thống nhất về nhận thức, cách tiếp cận

TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho biết: Ở nước ta hiện nay, giáo dục STEAM trong các trường phổ thông (PT) đã đạt được những kết quả bước đầu và ngày càng lan toả, tạo tiền đề thuận lợi cho các bước triển khai tiếp theo mang tính đại trà, hiệu quả.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục (GD) nhà trường, những năm gần đây, các trường phổ thông Việt Nam đã triển khai dạy học STEAM dưới nhiều hình thức, mức độ như: tăng cường tính tích hợp, trải nghiệm, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tế khi dạy học các bài theo SGK (tạm gọi là bài học thông thường); xây dựng các bài học theo chủ đề tích hợp kiến thức nhiều môn học vào giải quyết tình huống thực tiễn; áp dụng phương pháp dạy học dựa trên dự án; cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho HS trung học (đã áp dụng 2 bộ tiêu chí đánh giá khác nhau cho 2 loại dự án kĩ thuật và dự án khoa học); sinh hoạt ngoại khóa câu lạc bộ STEAM; các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; các sự kiện STEAM, ngày hội STEAM, hội thi robotic...

Bằng các hoạt động đó, nhà trường đã mở rộng xã hội hoá GD, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, các trường ĐH, các cơ sở nghiên cứu tham gia tổ chức, hướng dẫn các hoạt động học tập của HS, khắc phục bớt những khó khăn về trí lực, vật lực của nhà trường.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Vinh Hiển, nhìn chung các hoạt động đó mới ở phạm vi hẹp, chưa trở thành hoạt động thường xuyên, phổ biến của giáo viên, trường PT; chưa đem đến những nhận thức đầy đủ về GD STEAM trong và ngoài ngành GD; làm xuất hiện dấu hiệu của việc lạm dụng STEAM để mua bán các thiết bị hiện đại mà chưa gắn liền với hiệu quả sử dụng. Trong một số trường hợp, chính người thực hiện cũng chưa có ý thức rõ về tiếp cận dạy học STEAM.

Ngoài hạn chế về nhận thức và kĩ năng của đội ngũ giáo viên, TS Nguyễn Vinh Hiển còn chỉ ra khó khăn từ quy định thi cử, đánh giá chất lượng GD còn lạc hậu; cơ sở vật chất ở các trường còn nghèo nàn, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Để áp dụng STEAM vào chương trình GDPT một cách bài bản, khoa học cần phải có kế hoạch lâu dài, có lộ trình áp dụng với nhiều mức độ và hình thức phù hợp chứ không chỉ là một xu hướng thời thượng. Trước nhất, cần có sự thống nhất trong nhận thức của đội ngũ những người làm công tác chỉ đạo và giáo viên. Mặc dù GD STEAM đang là vấn đề nóng của GD nước nhà, đã có rất nhiều tài liệu dành riêng cho GD STEAM nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được sự thống nhất về nhận thức và cách tiếp cận GD STEAM” - TS Nguyễn Vinh Hiển nhận định.

Cần cách làm, bước đi phù hợp

Hiện nay có nhiều tổ chức, nhà trường triển khai các hoạt động GD/dạy học khác nhau nhưng đều tự giới thiệu đó là GD/dạy học STEAM hay STEM. Điều này, theo TS Nguyễn Vinh Hiển, phản ánh một thực tế: GD/dạy học STEAM không phải là một loại nội dung, phương pháp hay hình thức dạy học cụ thể mà là một quan điểm hay một cách tiếp cận trong GD/dạy học.

Dựa trên những đặc trưng hay tiêu chí chung, STEAM có thể áp dụng ở phạm vi môn học, cấp học khác nhau, bằng nhiều hình thức, phương pháp dạy học, với nhiều mức độ thực hiện các tiêu chí của GD/dạy học STEAM.

“Không nên cho rằng GD STEAM là vấn đề hoàn toàn mới và chỉ có thể thực hiện được nếu có đầy đủ các thiết bị dạy học hiện đại và các điều kiện dạy học tiên tiến. Thực tế là, nếu biết đặt mục tiêu phù hợp và có sự cố gắng của giáo viên và nhà trường thì trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể tiếp cận dạy học STEAM” - TS Nguyễn Vinh Hiển nêu quan điểm.

Tuy nhiên, để chuyển nền GD từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển ở HS khả năng tư duy phản biện, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề của cuộc sống hiện đại, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, phải có cách làm, bước đi phù hợp. Trước hết, hãy bắt đầu từ thực trạng của GDPT Việt Nam so với yêu cầu của GD STEAM để có phương hướng chung cho việc tiếp cận STEAM.

Về thực trạng, TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, với Toán và Khoa học tự nhiên, dù đạt được khá tốt về mục tiêu kiến thức, nhưng HS còn yếu về năng lực phát hiện vấn đề, kĩ năng thực hành thí nghiệm, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Môn Tin học ở tiểu học, THCS mới chỉ là môn học tự chọn, THPT ít dạy về sử dụng CNTT. Kĩ thuật - công nghệ chưa được coi trọng; HS còn yếu về thực hành, nhà trường thiếu thốn cơ sở vật chất để dạy học. Khoa học xã hội - nhân văn chưa được coi trọng; còn nặng về áp đặt kiến thức và tư tưởng; ít quan tâm đến cảm xúc của HS; thiếu gắn kết với cuộc sống. Tích hợp chưa tốt, dù đã có một số cố gắng bước đầu, như dạy học theo chủ đề liên môn, hội thi khoa học kĩ thuật… Phương pháp dạy học vẫn lấy dạy là trung tâm; kiểm tra đánh giá chú trọng vào kết quả nhớ kiến thức; chưa quan tâm phát triển kĩ năng tư duy cho HS….

Để tiếp cận GD STEAM, theo TS Nguyễn Vinh Hiển, nội dung dạy học cần chuyển từ từng môn học quan tâm liên hệ thực tế sang xuất phát từ những vấn đề của cuộc sống của HS để xây dựng các tình huống và vận dụng tổng hợp kiến thức các môn học để giải quyết các tình huống đó.

Về hình thức tổ chức dạy học: Chuyển từ chỉ tập trung vào hình thức học trên lớp sang coi trọng các hình thức học tập ngoài tự nhiên, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các di tích, thắng cảnh...

Về phương pháp dạy học: Chuyển từ “truyền thụ một chiều”, nặng về dạy lí thuyết, ít tương tác sang tăng cường tổ chức các hoạt động học cá nhân phối hợp học hợp tác để HS tự phát hiện vấn đề, tìm tòi kiến thức và vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn, coi trọng cả học và hành, chấp nhận thất bại như là thử thách phải có của quá trình học tập.

Về kiểm tra đánh giá: Đánh giá quá trình kết hợp đánh giá kết quả học; có thể chấp nhận nhiều phương án đúng; đánh giá cả về kiến thức, sự sẵn sàng, thái độ tham gia và các kĩ năng. Về phương tiện dạy học, cần tận dụng, khai thác nhiều nhất các điều kiện hiện có, đồng thời từng bước trang bị thêm các thiết bị hiện đại, nhất là thiết bị về CNTT.

Những thay đổi cần thiết, chủ yếu nhất trong dạy học hiện nay là: Tăng cường dạy học tích hợp; dạy các kiến thức và kĩ năng về kĩ thuật - công nghệ; dạy cách học và quan tâm đến cảm xúc của HS để phát triển năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề của cuộc sống, phát triển tư duy phản biện, kĩ năng giao tiếp và hợp tác của HS. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ