Đáp ứng những yêu cầu mới của cách mạng 4.0
Trên thực tế, đội ngũ GV, CBQLGD đã từng bước đạt trình độ đào tạo, năng lực đào tạo của GV được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của cải cách giáo dục phổ thông và đại học. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý các cấp được nâng lên theo chuẩn, bước đầu tiếp cận phương pháp giáo dục và phương thức quản lý tiên tiến.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Bình, vẫn còn những tồn đọng như Nghị quyết 29 đã nêu: Quản lý GD-ĐT còn nhiều yếu kém, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Tư duy và chỉ đạo chậm đổi mới, vẫn nặng về chỉ đạo quản lý theo hành chính mệnh lệnh, cơ chế xin cho, hệ thống văn bản, pháp luật, quy chuẩn về số lượng, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của giáo viên, CBQL đã được xây dựng khá chi tiết, nhưng ít có tác dụng, công tác thanh tra, giám sát hoạt động GD chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, chưa thực sự nghiêm túc.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng GV còn nặng về số lượng, ít chú ý đến chất lượng. Chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cán bộ quản lý GD còn nặng về lý thuyết, chưa sát thực tế, chưa phù hợp.
Cần đổi mới đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD
PGS.TS Trần Đình Bình cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, một trong những giải pháp đặt ra là đổi mới đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD. Trong nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh cao, đổi mới đào tạo bồi dưỡng CBQLGD là cực kỳ quan trọng thông qua việc xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn để cấp chứng chỉ; các chương trình đào tạo cấp văn bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ quản lý GD nhằm hoàn thành các mục tiêu của nền giáo dục hiện đại, tạo ra nguồn lao động chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo bồi dưỡng phải kết hợp lý luận cơ bản, nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục và thực hành để giải quyết các tình huống bằng các giải pháp và kinh nghiệm quản lý giáo dục.
Nội dung các chương trình đào tạo bồi dưỡng CBQLGD nhằm vào cách tiếp nhận, vận dụng nhiều phương pháp, phương tiện quản lý hiện đại, phù hợp, hiệu quả theo chuẩn năng lực, năng lực quản lý quá trình đào tạo, năng lực quản lý nhân sự, năng lực quản lý tài chính, năng lực quản lý chất lượng, năng lực quản lý các dịch vụ đào tạo...
Cụ thể cần tập trung vào một số điểm chính như: Xây dựng chiến lược để xác định tầm nhìn, nhận dạng sứ mệnh, sự phát triển của nhà trường; Quản lý nguồn nhân lực để giải quyết nhiều vấn đề mới đặt ra trong xây dựng chính sách tuyển dụng, quy trình tuyển chọn, bố trí, phân công nhiệm vụ, đánh giá và đãi ngộ; Quản lý tài chính để đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn thu, chi;
Thông tin quản lý GD để nâng cao năng lực quản lý, giám sát hoạt động giáo dục, xây dựng chính sách phát triển, phân bổ nguồn lực, đánh giá kết quả thực hiện, làm cơ sở tin cậy và khách quan trong điều hành và quản lý giáo dục;
Đánh giá kiểm tra chất lượng GD một cách khách quan nhất theo các tiêu chí, chuẩn mực; Phân cấp quản lý từ việc ra quyết định, thanh tra hoạt động giáo dục đến trách nhiệm của các cấp lãnh đạo; Dân chủ hóa giáo dục với sự tham gia của toàn xã hội vào cung ứng, hoạch định, theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách GD.
“CBQLGD phải được đào tạo, bồi dưỡng để tiếp thu các kiến thức, năng lực mới theo Chuẩn năng lực nghề nghiệp nhằm hoàn thành tốt vai trò người hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, tổ chức các hoạt động quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học góp phần thực hiện thành công các chính sách giáo dục trong thế kỷ 21, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp”, PGS.TS Trần Đình Bình chia sẻ.