Giảng viên sư phạm phải là người thầy mẫu mực

GD&TĐ - Dự thảo “Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm (GVSP)” đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến đóng góp gồm 5 Tiêu chuẩn và 18 Tiêu chí, được dư luận đánh giá khá toàn diện, khoa học, bám sát thực tiễn GD đất nước thời “đổi mới căn bản, toàn diện” và xu thế “hội nhập toàn cầu”.

Giảng viên sư phạm  phải là người thầy mẫu mực

Báo GD&TĐ đã trao đổi với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM để rõ hơn vấn đề đang được bạn đọc rất quan tâm này.

Nên cụ thể hóa “Tiêu chuẩn 2...”

Theo ông, nội dung Dự thảo có cần nhấn mạnh trọng trách “Dạy chữ - Dạy nghề - Dạy người” hay không? Nhấn mạnh như thế nào?

Dự thảo Thông tư quy định “Chuẩn nghề nghiệp GVSP”, dù   chưa đề cập trực tiếp yêu cầu: Nhà giáo ở các trường Sư phạm phải có trọng trách “Dạy chữ - Dạy nghề - Dạy người”, nhưng có thể khẳng định toàn văn Dự thảo, gián tiếp đều đề cập đến các nhiệm vụ quan trọng này của GVSP - nhất là ở “Tiêu chuẩn 2: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ”. Thực tế, vấn đề này có thể là do cách dùng từ hay cách định hướng phân tích trên bình diện khoa học tiếp cận.

Thế nhưng, có thể thấy từ nhiều năm nay, trường SP, khoa SP trong các trường ĐH đa ngành đóng vai trò là “cỗ máy cái”, GVSP là người đào tạo ra người làm nghề dạy học, vì thế việc nhấn mạnh trọng trách: “Dạy chữ - Dạy nghề- Dạy người” cũng cần thiết.

Theo tôi, Dự thảo nên cụ thể hóa “Tiêu chuẩn 2: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ”. Nên định hướng GVSP phải là người thật sự gương mẫu, có đủ năng lực đào tạo kỹ năng SP, có tâm huyết truyền lửa yêu nghề dạy học cho người học, có khả năng hoạch định và phát triển nhân cách nghề nghiệp cho người học- để phấn đấu trở thành người GV... qua đó chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tính chiến lược của tiêu chuẩn này.

Theo ông, đâu là các yêu cầu khắt khe nhất - chuẩn nghề nghiệp đặc trưng rõ nét nhất - khắc họa nên chân dung các GVSP thời đổi mới?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

GVSP trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải là NGƯỜI THẦY MẪU MỰC, tích cực đi đầu trong việc tự học và sáng tạo. Đối với bất kỳ nghề nào, tôi nghĩ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ là điều quan trọng nhất. Ở đây, có thể phân tích hai góc nhìn cụ thể, nhằm làm rõ đâu là năng lực chuyên môn, đâu là năng lực nghiệp vụ?

Với GV nói chung, năng lực chuyên môn của họ chính là hiểu biết, bản lĩnh, khả năng về chuyên ngành - chuyên sâu của khoa học mà họ đã và đang nghiên cứu, giảng dạy. Nhưng với GVSP, chuyên môn này phải là chuyên môn về khoa học cơ bản hay khoa học nghiệp vụ SP, cũng như chuyên môn về GD-ĐT nói chung. Song song đó, họ phải có năng lực về nghiệp vụ trong công tác GD-ĐT GV nói riêng (hiểu biết về nghiệp vụ đào tạo GV, hiểu về thực tiễn GD-ĐT, cũng như thực tiễn về GD mầm non hay GD phổ thông)…

GVSP phải là chuyên gia về đào tạo giáo viên

Thế giới hiện nay quan niệm dạy - học ở ĐH, CĐ thì thời gian phân bổ dành cho GV và SV ĐH là: 30 - 30 - 40%, nghĩa là GV dạy 30%, SV nghiên cứu 30% và 40% là thời gian để thầy - trò tương tác với nhau. Thực tế đòi hỏi, cần đề cao việc dạy phương pháp SP tương tác với GVSP. Ông có cho rằng: Nên đưa vấn đề này vào quy định chuẩn nghề nghiệp GVSP?

Tôi nghĩ đó là mô hình đào tạo mang tính khuyến cáo. Tùy theo tầm nhìn và sứ mạng cũng như định hướng phát triển mới lựa chọn mô hình phù hợp. Nếu với mô hình ĐH nghiên cứu - thì phân bổ chi tiết về tỉ lệ học phần hay thời gian - sẽ khác với mô hình đào tạo tay nghề chất lượng cao, hay thực hành chuyên nghiệp.

Với đào tạo GV, không nên tập trung vấn đề này vào chuẩn GVSP. Vấn đề chuẩn của GVSP khác với mô hình hay phương thức đào tạo. Vấn đề quan trọng hơn thiết nghĩ đó là: GVSP phải là chuyên gia về chuyên môn khoa học chuyên ngành sâu, lại phải là người am hiểu về GD-ĐT nói chung; song song đó phải là chuyên gia về đào tạo GV - người lao động SP chuyên nghiệp sau này cũng như là người am hiểu về thực tiễn GD phổ thông: Từ khâu khảo sát ban đầu để xây dựng chương trình đào tạo, đến khâu kiểm tra sự thích ứng sau đào tạo… Đây là những điều cần phấn đấu liên tục và bền bỉ, của sự nghiệp “trăm năm trồng người” hết sức gian nan.

Dự thảo “Chuẩn nghề nghiệp GVSP” cũng nên bổ sung vào “Tiêu chuẩn 4: Xây dựng môi trường GD dân chủ”. Ở tiêu chí thứ 3 của “Tiêu chuẩn 4” này, nên bổ sung như sau: “Phát triển môi trường

giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học dân chủ, chú trọng tư duy phản biện khoa học, dân chủ…”. Chúng tôi muốn được ông cho biết quan điểm của mình?

Tôi cho rằng, đây là tiêu chuẩn cần thiết, nên đưa vào Dự thảo và có thể áp dụng trong thực tế. Có thể nói: Phát triển môi trường giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học dân chủ, chú trọng tư duy phản biện khoa học, dân chủ, không chỉ là yêu cầu mà phải coi là trách nhiệm, nên Tiêu chuẩn này là khá khả thi. Có thể nói, điều này cũng góp phần làm thay đổi quan niệm của công tác GD-ĐT, để hướng đến những đặc trưng của GD hiện đại như: GD khai phóng. Nếu GVSP đạt được yêu cầu này, thì những thay đổi trong công tác đào tạo sẽ đạt hiệu quả rất tốt.

Có thể khẳng định, các mức độ đánh giá của Dự thảo “Chuẩn GVSP” thể hiện rõ sự kết hợp định lượng và định tính, cũng như đảm bảo một cách cơ bản nguyên tắc đánh giá. Dự thảo “Chuẩn GVSP” bám sát các hoạt động “thầy của người thầy” và xác lập được các cơ sở chủ yếu để xem xét, đánh giá bao quát các hoạt động của người thầy đào tạo GV, nhà nghiên cứu khoa học... Chuẩn GVSP cũng bước đầu đáp ứng được việc GV có thể tự đánh giá bản thân, đề ra kế hoạch phát triển và hoàn thiện bản thân, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nghề nghiệp. Đây là ưu điểm về tính nhân văn của việc đánh giá GVSP theo tiêu chuẩn quy định.

Xin cám ơn ông!

“Chủ trương đổi mới nội dung - chương trình và sách giáo khoa phổ thông hiện nay, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết các trường SP - khoa SP, phải nhanh chóng đào tạo SVSP sau khi tốt nghiệp: Phải đáp ứng được nội dung - chương trình và sách giáo khoa phổ thông đổi mới - theo hướng dạy học tích hợp, dạy học liên môn… Những vấn đề này có thể không cần thiết phải chi tiết hóa trong Dự thảo Thông tư quy định “Chuẩn nghề nghiệp GVSP”, nhưng cũng cần được định hướng rõ ràng trong Dự thảo này”.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.