Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình được xây dựng theo hướng mở thể hiện trước hết ở việc bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc; đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục, điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần đảm bảo kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh; nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiêt để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.
Chương trình cũng đảm bảo tính ổn định, khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học – công nghệ và yêu cầu của thực tế.
Mở cho người học, giáo viên
Trả lời câu hỏi, chương trình mới mở cho người học cụ thể như thế nào, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Người học được tự chọn môn học (chọn môn Ngoại ngữ 2 từ lớp 6; chọn 5/9 môn học lựa chọn từ lớp 10); được tự chọn học phần (chọn môn thể thao phù hợp từ lớp 1; chọn học phần Công nghệ từ lớp 6; chọn học phần Tin học từ lớp 6; chọn học phần Mĩ thuật từ lớp 10);
Học sinh cũng được tự chọn chuyên đề học tập từ lớp 10; đồng thời, được tự chọn nội dung học tập cụ thể (chọn nội dung học tập trong môn Mĩ thuật từ tiểu học; đề xuất thuyết trình, thảo luận về các tác phẩm văn học mà học sinh quan tâm, yêu thích trong giờ đọc sách hoặc thực hành ở môn Ngữ văn từ tiểu học).
Với giáo viên, các thầy cô có quyền đề xuất chọn sách giáo khoa; dạy học theo chương trình, không phụ thuộc từng câu chữ trong sách giáo khoa, sách giáo viên. Giáo viên môn Ngữ văn có quyền thay đổi một số văn bản trong sách giáo khoa cho phù hợp.
Giáo viên cũng được chủ động phân bổ thời lượng dạy học; chủ động áp dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học (trong/ngoài lớp; trong/ngoài nhà trường; làm việc chung/làm việc nhóm, làm việc độc lập).
Lý giải vì sao phải mở cho giáo viên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: mọi công việc đều phải được giải quyết phù hợp với tình huống thực tế. Bên cạnh đó, giáo dục con người, tức là làm công việc của “kĩ sư tâm hồn”, càng không thể “điều khiển từ xa”. Cuối cùng, có được trao quyền chủ động, giáo viên mới có thể sáng tạo và có động lực đổi mới.
Mở cho địa phương, cho người viết sách giáo khoa
Minh chứng về hướng mở của chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình mở cho cả địa phương và cơ sở giáo dục.
Theo đó, UBND cấp tỉnh được tổ chức biên soạn, bổ sung nội dung giáo dục của địa phương vào chương trình giáo dục phổ thông.
Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường; được chọn sách giáo khoa phù hợp.
Điều này là cần thiết vì mỗi địa phương đều có những đặc điểm khác nhau về lịch sử, địa lý, dân cư, điều kiện, nhu cầu phát triển…). Tương tự, mỗi cơ sở giáo dục cũng có những đặc điểm khác nhau về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đối tượng học sinh…
Nói về việc “mở” với người viết sách giáo khoa, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, người viết sách dựa vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và nội dung khái quát đối với từng cấp học, lớp học, chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học, tư liệu và thiết bị dạy học cụ thể.
“Vị trí của sách giáo khoa đã thay đổi. Nếu trước đây, sách giáo khoa được coi là “pháp lệnh” thì nay sách giáo khoa là tài liệu chính thức để dạy học. Trước chỉ có 1 bộ sách giáo khoa thì nay có nhiều bộ sách cho mỗi môn học. Do đó, yêu cầu sách giáo khoa phải đa dạng” – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông lý giải.
Chương trình giáo dục phổ thông mới mở cả về nội dung giáo dục (thực hiện phân hóa, tự chọn; thường xuyên đánh giá, phát triển chương trình); mở về phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục và mở cả về phương thức giáo dục (kết hợp học với hành; kết hợp giáo dục ở nhà trường với giáo dục trong gia đình và xã hội) - GS Nguyễn Minh Thuyết.