Nhà tuyển dụng đề xuất cải tiến chương trình đào tạo

GD&TĐ - TS Lương Thị Ngọc Huyền - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học công nghệ và Đào tạo CONICO - trên vai trò là nhà tuyển dụng đã đưa ra một số đề xuất với chương trình đào tạo ĐH về tư vấn xây dựng, giúp sinh viên ra trường dễ tiếp cận hơn với công việc.

Nhà tuyển dụng đề xuất cải tiến chương trình đào tạo

Tăng số lượng đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng

Điều đầu tiên TS Lương Thị Ngọc Huyền đề cập đến là cần tăng số lượng đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng, đặc biệt là công trình ngầm, kỹ thuật cơ điện vì nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn rất cao.

Về kỹ năng, trong quá trình đào tạo, cần chú trọng đến kỹ năng mềm cho sinh viên, trong đó tập trung vào một số kỹ năng cơ bản như: Giao tiếp (bao gồm kỹ năng thuyết trình và viết luận); làm việc nhóm; phân tích và giải quyết vấn đề; quản lý và phát triển bản thân.

"Cần có chiến lược bổ sung đào tạo các ngành nghề mà Việt Nam còn thiếu, còn yếu hoặc chưa đào tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội như: Kỹ sư âm học, kỹ sư chiếu sáng, kỹ sư điện hạt nhân, kỹ sư năng lượng tái tạo"                         TS Lương Thị Ngọc Huyền

TS Lương Thị Ngọc Huyền lưu ý: Đào tạo kỹ năng không chỉ dừng lại ở việc bổ sung các môn học kỹ năng mà phải được thực hành thường xuyên thông qua việc lồng ghép bài tập vào các môn học cơ bản và chuyên ngành.

Giáo trình đào tạo cũng là nội dung vô cùng quan trọng. Theo đó, các trường cần đổi mới giáo trình, cập nhật các thông tin, công nghệ mới. Đồng thời, thống nhất về hệ chỉ tiêu kỹ thuật trong cùng một môn học ở các cơ sở đào tạo.

"Hiện nay, giáo trình đại học tuy in mới nhưng nhiều nội dung cũ mấy chục năm, lạc hậu rất nhiều so với thực tế. Bên cạnh đó, cùng một chuyên ngành, môn học như nhau, nhưng mỗi trường lại có giáo trình khác nhau, biên soạn theo các tài liệu gốc của các nước khác nhau như Nga, Anh, Pháp... nên các hệ tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau" - TS Lương Thị Ngọc Huyền cho biết.

Tổ chức làm đồ án theo nhóm

Một đề xuất khác của TS Lương Thị Ngọc Huyền là cần tăng cường tiếp xúc thực tế, bổ sung các môn học về văn hóa, xã hội để sinh viên có được những kiến thức liên quan đến công việc và sự quan tâm, hiểu biết xã hội.

Riêng việc làm đồ án có thể tổ chức theo nhóm với việc trộn lẫn các chuyên ngành liên quan (sinh viên làm chung, không làm đồ án độc lập) để củng cố kiến thức cơ bản và rèn luyện kỹ năng làm việc.

Các nhà trường cũng cần tăng cường thời gian thực hành chuyên môn để sinh viên có hiểu biết thực tiễn; tăng cường thời gian thực tập để sinh viên có đủ thời gian có được những hiểu biết nhất định về môi trường làm việc.

Việc phối hợp với giảng viên nước ngoài trong công tác giảng dạy nên được lưu ý, đặc biệt là giảng viên từ các doanh nghiệp để cập nhật các thông tin, công nghệ mới và kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên.

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối giành học bổng từ bên ngoài cho sinh viên, bao gồm học bổng đi học nước ngoài, học bổng từ các doanh nghiệp, học bổng ngắn hạn cho các chương trình thực tập...

"Cũng không thể lơ là với việc đào tạo ngoại ngữ theo hướng thực hành để ít nhất sinh viên có thể tự tin giao tiếp ở mức độ cơ bản.

Đồng thời, đào tạo các môn Kinh tế, Quản lý, Triết học theo hướng đơn giản hóa, cụ thể hóa, liên hệ thực tiễn và làm việc nhóm để sinh viên hiểu rõ vai trò của môn học và biết vận dụng để phát triển kỹ năng và phương pháp luận" - TS Lương Thị Ngọc Huyền đề xuất thêm.

Sinh viên khó tìm việc, doanh nghiệp khó tìm người

Theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, những người hàng năm phỏng vấn và tiếp nhận các kỹ sư, cử nhân mới ra trường, nhiều sinh viên ở thời điểm chọn ngành học không biết mình được đào tạo những gì, ra trường có thể làm được công việc gì.

Rất nhiều bạn lựa chọn ngành học theo mong muốn của gia đình hoặc theo cảm tính nên khi vào học, nhiều khi không thực sự thích, đành học cho xong và ra trường chứ không tập trung học.

Cũng dễ nhận thấy mối quan tâm ngày nay dành nhiều cho bằng thạc sĩ nhiều hơn hẳn so với bằng (và nghề) kỹ sư. Sau khi tốt nghiệp, nhiều kỹ sư chọn chuyên ngành thạc sĩ về quản lý, kinh tế,... để có được vị trí trong xã hội hơn là các khóa đào tạo nâng cao, chuyên sâu về trình độ chuyên môn.

Người học thì đề cao bằng cấp còn người tuyển dụng thì hướng vào kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, sinh viên ra trường tìm việc khó khăn, còn doanh nghiệp thì khó khăn trong tuyển dụng.

TS Lương Thị Ngọc Huyền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…