Khi nói đến kế hoạch giáo dục nhà trường, chúng ta nói đến kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (phân phối chương trình) do hiệu trưởng tổ chức xây dựng, ban hành; kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; kế hoạch giáo dục và kế hoạch bài dạy (giáo án) do giáo viên xây dựng.
Từ trước đến nay, soạn giáo án (xây dựng kế hoạch bài dạy) là công việc phải làm đối với mỗi giáo viên. Hỗ trợ thầy cô soạn giáo án đáp ứng yêu cầu mới, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn tại Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, ban hành ngày 18/12/2020. Trong đó, định hướng cụ thể mục tiêu (về kiến thức, năng lực, phẩm chất); thiết bị dạy học và học liệu; tiến trình dạy học. Kế hoạch bài dạy được xây dựng căn cứ vào yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục; kế hoạch giáo dục của nhà trường; kế hoạch dạy học; sách giáo khoa, thiết bị dạy học…
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, kế hoạch bài dạy phải bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Tuyệt đối tránh áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong xây dựng kế hoạch bài dạy…
Có thể nói, hệ thống văn bản, hướng dẫn đầy đủ, chi tiết, kịp thời từ các cấp (Bộ/sở/phòng GD&ĐT) là thuận lợi cơ bản trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường nói chung, kế hoạch bài dạy của giáo viên nói riêng.
Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan, việc xây dựng kế hoạch bài dạy của giáo viên còn bất cập và khó khăn. Theo một khảo sát của nhóm nghiên cứu từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam năm 2022, có 58% số người được hỏi đánh giá “thuận lợi” khi triển khai kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 của Bộ GD&ĐT; 36% cho biết “có một vài khó khăn”. Chỉ một số ít nhận định triển khai “rất thuận lợi” (3,5%) và “nhiều khó khăn” (3%).
Xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch bài dạy luôn phải gắn liền với điều kiện hiện có của nhà trường, như đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… Tuy nhiên, điều kiện này ở không ít cơ sở còn chưa đáp ứng. Đây là khó khăn khách quan đầu tiên cần nhắc đến.
Bên cạnh đó, chương trình, sách giáo khoa mới, giáo viên phải mất nhiều thời gian nghiên cứu và tìm kiếm tài liệu cũng là rào cản. Về yếu tố chủ quan, còn thầy cô hạn chế về năng lực, ngại thay đổi, không đầu tư xứng đáng thời gian, công sức, dẫn đến chất lượng kế hoạch bài dạy hạn chế, thậm chí còn hiện tượng sao chép. Nhiều người hiểu chưa đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Công văn 5512 khiến giáo án nặng nề, dài dòng, khi xây dựng rất vất vả nhưng lại không hiệu quả…
Với tính mở, Chương trình GDPT 2018 giao nhiều quyền chủ động và tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Điều này đồng thời đòi hỏi ở đội ngũ yêu cầu cao hơn về năng lực, trách nhiệm. Thầy cô được phép và buộc phải vượt lên, thoát ra khỏi sự ràng buộc khuôn cứng của sách giáo khoa; sẵn sàng sử dụng các ngữ liệu bảo đảm chất lượng khác một cách linh hoạt.
Thầy cô phải là người định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ học sinh trong quá trình tự hình thành năng lực; không phải người “trung gian” truyền thụ kiến thức từ sách giáo khoa đến học sinh… Vai trò định hướng sáng tạo này được thể hiện trong kế hoạch bài dạy sẽ là yếu tố quan trọng giúp phát triển phẩm chất, năng lực người học theo yêu cầu của chương trình mới.