Xây dựng kế hoạch giáo dục trường học: Yêu cầu bắt buộc

GD&TĐ - Xây dựng kế hoạch GD nhà trường khoa học, phù hợp với thực tế là yêu cầu bắt buộc và không thể thiếu, đặc biệt khi triển khai Chương trình mới.

Giờ học của cô trò Trường THCS Hưng Lộc (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài
Giờ học của cô trò Trường THCS Hưng Lộc (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Nhiệm vụ bắt buộc

Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đã có 28 đợt sinh hoạt chuyên môn dạy minh họa các bài mới đối với lớp 6, lớp 7, lớp 10 và 4 đợt tập huấn xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học do sở GD&ĐT tổ chức. Hiện tại, tất cả cơ sở giáo dục THCS (137 trường), THPT (39 trường) đã phê duyệt kế hoạch giáo dục nhà trường và báo cáo sở.

Chia sẻ cụ thể, ông Nguyễn Minh Nhiên - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Ninh - cho biết: Tại Bắc Ninh, hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kỳ một cách hợp lý, khoa học.

Với các môn học, bố trí thời gian dạy học phù hợp với điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường. Không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy học của môn học đều ở các tuần. Sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho cả năm học hoặc ít nhất cho từng học kỳ, bảo đảm số tiết/tuần theo quy định dành cho mỗi giáo viên…

Bên cạnh ban hành các văn bản hướng dẫn, sở GD&ĐT đồng thời tổ chức hội thảo triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường vào đầu năm học. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường trong suốt thời gian thực hiện; từ đó kịp thời tư vấn, hỗ trợ cho các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ năm học thông qua kế hoạch. - ông Phạm Ngọc Hải

Chia sẻ về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường tại trường trung học trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, ông Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Sở GD&ĐT đã phối hợp với Học viện Quản lý Giáo dục, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng xây dựng kế hoạch giáo dục cho tất cả cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên THCS, THPT toàn tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, một số khó khăn, hạn chế cũng được Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh chia sẻ. Theo đó, do thực hiện đồng thời 2 chương trình (2006 và 2018) nên công tác xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đôi chỗ chưa trùng khớp, chưa bảo đảm như: Xếp thời khóa biểu; phân công giáo viên dạy các môn tổ hợp ở lớp 6, lớp 7; cân đối giữa nhu cầu chọn môn học lựa chọn của học sinh với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tại đơn vị ở lớp 10.

Các trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, công tác huy động nguồn lực cho sự phát triển của nhà trường còn hạn chế nên thiếu điều kiện cần thiết để xây dựng các nội dung hoạt động trong kế hoạch; dẫn đến một số mục tiêu còn chung chung, biện pháp thực hiện chưa khả thi. Bản kế hoạch giáo dục một số trường phổ thông còn rời rạc, thiếu các nội dung quan trọng, mục tiêu thiếu thực tế, chưa có sự tham gia đóng góp đầy đủ của tập thể nhà trường và các lực lượng giáo dục…

Yếu tố quyết định là năng lực đội ngũ

Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang, nhấn mạnh, đầu tiên cần quán triệt cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường. Từ đó, nhà trường tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh). Ảnh: INT

Học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh). Ảnh: INT

Cùng với đó, khi xây dựng kế hoạch cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản như: Mục tiêu giáo dục; tính thống nhất trong các hoạt động môn học và giáo dục của nhà trường; tổng thời lượng các môn học và hoạt động giáo dục cũng như tính khả thi của kế hoạch. Kế hoạch giáo dục nhà trường vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục, kế hoạch tổng thể trong năm học của nhà trường, nhưng đồng thời phải có tính “linh hoạt” và “mềm dẻo” trong điều kiện thực tiễn của đơn vị.

“Đội ngũ giáo viên là lực lượng trực tiếp tham gia vào các khâu của hoạt động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Nhận thức, năng lực của đội ngũ giáo viên về xây dựng kế hoạch giáo dục sẽ quyết định sự thành công và hiệu quả của quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn học cũng như thực thi chương trình.

Do đó cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch giáo dục cho đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, huy động các nguồn lực và lực lượng giáo dục khác tham gia vào quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường” - bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng nhấn mạnh.

Giải pháp trong thời gian tới, ông Phạm Ngọc Hải cho biết: Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Học viện Quản lý Giáo dục, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, GV về kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục, coi việc xây dựng kế hoạch giáo dục là nhiệm vụ then chốt trong thực hiện chức năng quản lý, quản trị nhà trường.

Sở GD&ĐT cũng tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, buổi nói chuyện chuyên đề về Chương trình GDPT 2018, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của GV, tổ chuyên môn, nhà trường; nhân rộng các đơn vị tiên tiến, tiêu biểu trong công tác xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch giáo dục nhà trường.

“Trong quá trình các đơn vị tổ chức thực hiện kế hoạch, ngoài phân công cán bộ quản lý cốt cán của tỉnh theo dõi, hỗ trợ, sở GD&ĐT và các phòng GD&ĐT cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Khi đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ nhà trường vào cuối năm học, đơn vị chủ quản cần xem các mục tiêu, nội dung trong kế hoạch giáo dục nhà trường là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân có liên quan” - ông Phạm Ngọc Hải lưu ý.

“Hiện, 100% trường THCS, THPT tại Tây Ninh xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ chuyên môn, GV đúng thời điểm, có tính khả thi và được Bộ GD&ĐT đánh giá tốt thông qua các đợt kiểm tra. Kế hoạch giáo dục nhà trường đều được phê duyệt trước khi thực hiện theo cấp trực tiếp quản lý” - ông Phạm Ngọc Hải thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ