Đối mặt khó khăn, nhiều ngành nghề cắt giảm lao động

GD&TĐ -Nhiều DN đang đối mặt với khó khăn phải cắt giảm lao động. Theo dự báo, quý II/2023, các ngành may trang phục, SX đồ gỗ vẫn tiếp tục giảm việc làm...

Lao động tìm kiếm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Lao động tìm kiếm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Buộc phải cắt giảm lao động

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, quý I/2023, thị trường lao động có sự phục hồi khi xu hướng tuyển dụng, tìm kiếm việc làm đều có sự khởi sắc nhất định.

Phân tích dữ liệu đăng tuyển dụng của các doanh nghiệp và người lao động tìm kiếm việc làm từ Internet trong quý I/2023 cho thấy, đã có 16.730 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng 75.285 lao động, 72.458 lao động tìm việc.

Mặc dù có sự khởi sắc, song Bộ LĐ-TB&XH nhận định thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong quý II. Bên cạnh một số ngành tăng tuyển dụng thì sẽ có những nhóm tiếp tục sụt giảm việc làm.

Dự báo sẽ có khoảng 51,25 triệu người có việc làm trong quý II, tăng thêm 150.000 người so với quý I (51,1 triệu người có việc làm). Các ngành sản xuất sản phẩm điện tử máy tính và sản phẩm quang học dự kiến tăng thêm 28.200 việc làm, sản xuất chế biến thực phẩm tăng thêm 18.600 việc làm, sản xuất đồ uống tăng thêm 4.700 việc làm.

Trong khi đó, dự báo các ngành may trang phục sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm. Ngành sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000 việc làm. Ngành in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 việc làm.

Báo cáo tình hình thị trường lao động, việc làm quý I/2023, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, mặc dù thị trường lao động quý I tiếp tục duy trì đà phục hồi khi lực lượng lao động, số người có việc làm tăng, song vẫn còn tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp ở một số ngành thâm dụng lao động như dệt may - da giày, điện - điện tử... buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng.

Đối mặt nhiều khó khăn

Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt đã được thể hiện rõ qua những số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2023 khi lần đầu tiên trong các quý I từ trước đến nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (60.241 doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (56.946 doanh nghiệp).

Những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt bao gồm sự giảm sút trong tiêu dùng của các nước trên thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại… Khó khăn do giá xăng dầu liên tục biến động, chi phí logistics quá cao, lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng từ 5 - 10%. Và đặc biệt là những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp…

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), có tới 41,2% số lượng doanh nghiệp được hỏi đã trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp. Có 17,6% cho rằng họ đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Và 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh. 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất - kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%.

Số lượng doanh nghiệp trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh là 52,9% trong khi số doanh nghiệp bị giảm sút cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ là 41,2%.

Về lao động, có 64,7% doanh nghiệp cam kết giữ nguyên được số lao động hiện có. 17,65% có xu hướng cắt giảm lao động tương đương với số nhu cầu tuyển dụng thêm.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp thích ứng

Theo HUBA, giảm giờ làm, cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí sản xuất để tồn tại là cách mà nhiều doanh nghiệp hiện đang áp dụng trong bối cảnh thiếu đơn hàng ở nhiều ngành.

Với ngành dệt may, đặc thù là lượng nhân công lớn nên nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm để duy trì công việc cho tất cả mọi người. Có công việc cho công nhân đến xưởng mới có thể giữ chân người lao động. Giải pháp này đã được Công ty TNHH PouYuen Việt Nam thực hiện từ cuối năm 2022 cho đến nay để giữ chân người lao động. Trong trường hợp xấu nhất, không còn cách nào khác thì doanh nghiệp mới phải cắt giảm hơn 2.300 lao động trong tháng 3 vừa qua.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành đánh giá, thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng kinh doanh để tránh việc cho lao động nghỉ việc, đã cố gắng duy trì giữ được lực lượng lao động làm việc trong đơn vị bằng các hoạt động khác như cho lao động làm ca, giãn việc, giảm giờ làm… Bởi sau quá trình phục hồi, sau khủng hoảng qua đi thì việc tuyển dụng lao động cũng là cả một quá trình khó khăn đối với doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, bà Phí Thị Hương Nga cho rằng bên cạnh sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, nâng cao năng lực quản trị nhằm tiết giảm chi phí sản xuất… Phía Chính phủ, bộ ngành và địa phương cần mở rộng hoặc nâng tần suất gặp gỡ, đối thoại nhiều hơn với doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trong thời gian tới.

Tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ năm 2023, nhất là chính sách gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% như một cách thêm động lực giúp doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi khi Nghị định 15 về việc giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ… hết hiệu lực.

Theo bà Nga, cần kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, cùng với đó là các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới hay giúp doanh nghiệp cầm cự…

Theo các chuyên gia kinh tế, để bảo đảm thị trường lao động, việc làm luôn giữ vững tính ổn định và phát triển, các cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm, đồng thời giúp các đơn vị doanh nghiệp tuyển dụng được lao động.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ về lao động và chuyên gia, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm thông qua các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song song đó cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tuyên truyền nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm chuyên đề, tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động, kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường lao động nhằm tìm ra chính sách phù hợp bảo đảm việc làm cho người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu rõ gen z là gì