Khó khăn, doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm nhân sự

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế chung, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự.

Công nhân Công ty PouYen giờ tan ca. Ảnh minh họa
Công nhân Công ty PouYen giờ tan ca. Ảnh minh họa

Theo nhà quản lý, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II năm 2023.

Duy trì với thế “chông chênh”

Từng có chế độ phúc lợi đãi ngộ nhân viên rất tốt, mới đây, ông Vũ Văn Túy (Chủ một doanh nghiệp ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phải “bấm bụng” cắt giảm thu nhập của nhân viên, bao gồm cả các khoản trợ cấp như xăng xe, cơm trưa, hỗ trợ nhà ở… Hiện doanh nghiệp của ông Túy chỉ giữ lại những nhân sự trọng yếu.

“Doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn tài chính nên phải lựa chọn cắt giảm nhân sự. Dòng tiền cạn do không kinh doanh được, lãi suất tăng cao khiến mọi chi phí phải tiết giảm một cách tối đa. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nào mô hình linh hoạt, có thể tái cấu trúc và thay đổi sẽ còn cơ hội chống chọi được các cú sốc trong năm 2023. Những đơn vị không đủ khả năng thay đổi mô hình cũ, có thể không vượt qua được giai đoạn vài tháng sắp tới”, ông Túy cho hay.

Một doanh nghiệp khác ở Hà Nội cũng đang đau đầu với vấn đề buộc phải giảm nhân sự. “Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm nhiều chi phí. Không chỉ thiếu đơn hàng, không bán được hàng, doanh nghiệp hiện giờ còn đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn. Dòng tiền của doanh nghiệp cũng đã cạn kiệt do tích lũy từ đợt gồng gánh đại dịch. Do đó doanh nghiệp đã cắt giảm 50% nhân sự. Không doanh nghiệp nào lại muốn mình rơi vào thế khó, nhưng hiện nay dường như không còn lựa chọn”, chủ doanh nghiệp này chia sẻ.

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, hiện cũng có nhiều doanh nghiệp lớn phải “thắt dây buộc bụng” cắt giảm lượng lớn nhân sự. Mới nhất, Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam gửi Liên đoàn Lao động quận Bình Tân cho biết, Công ty PouYuen Việt Nam sản xuất phụ liệu giày, vốn 100% Đài Loan (Trung Quốc), có tổng số lao động hiện nay là 50.563 người.

Do ít đơn hàng sản xuất nên năm 2023 Công ty PouYuen Việt Nam sẽ không tái ký hợp đồng lao động (khi hợp đồng lao động hết hạn) với khoảng 3.000 lao động có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 năm. Ngoài ra, Công ty này đã trao đổi với Công đoàn cơ sở dự kiến trong tháng 2/2023 sẽ cắt giảm 3.000 lao động thuộc khu C và khu D. Toàn bộ những người bị giảm lao động sẽ không đến công ty làm việc nhưng vẫn được trả lương cho đến khi nhận chế độ.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thì nhiều ngành nghề sẽ đối diện với thử thách thực sự trong năm 2003. Cụ thể, doanh nghiệp ngành thép đối diện với “khủng hoảng lớn” khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30 - 40% để có dòng tiền hoạt động trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.

Doanh nghiệp nông nghiệp cũng thiếu vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) lại có kì thu mua tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023.

Khó khăn cũng bủa vây các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng khi bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình, các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu.

Thiếu vốn, cùng với các khó khăn mang tính hệ thống trước nay của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về nền tảng quản trị, về công nghệ…, khiến phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế “chông chênh” để duy trì một phần hoạt động, trước khi có thể tính tới việc phục hồi.

Hơn nửa triệu lao động bị giảm giờ làm

Báo cáo tổng quan về tình hình lao động, việc làm Vụ Thống kê Dân số và Lao động dự báo, trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II năm 2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.

Thông tin về tình hình lao động, việc làm những tháng đầu năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, từ tháng 9/2022 đến nay, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt, giảm đơn hàng. Từ đó, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm.

Theo báo cáo mới nhất của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, tính từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động.

Trong đó giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%; chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.

Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng). Thực trạng này chủ yếu diễn ra ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TPHCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ