Công nhân đường cùng vì mất việc
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, từ tháng 6 - 10/2022 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này đã phải cắt giảm khoảng 20.000 lao động.
Có hơn 100 doanh nghiệp (tương ứng khoảng 200.000 lao động) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn khi đơn hàng bị sụt giảm, thiếu nguyên liệu sản xuất, buộc lòng phải cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động.
Trong đó, ảnh hưởng nặng nhất là các doanh nghiệp trong ngành may mặc, da giày, chế biến gỗ, điện tử. Số lao động trên hoàn toàn có nguy cơ mất việc trước Tết nếu như doanh nghiệp tiếp tục không nhận được đơn hàng như những tháng qua.
Tương tự, theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 28.000 lao động bị thôi việc, 240.000 lao động bị giảm giờ làm.
Con số này tại tỉnh Bình Dương được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày tới khi các doanh nghiệp “trắng đơn hàng”, không thể gồng gánh và chi trả chi phí cho các hoạt động cầm chừng.
TPHCM là địa phương có số lượng lao động mất việc, giảm giờ làm lớn trong các tỉnh phía Nam hiện nay. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết, năm 2021 có 122.700 người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10 năm 2022 đã có 128.647 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới nhất, Công đoàn các KCX - KCN TPHCM cho biết, có gần 6.000 công nhân của 51 doanh nghiệp tại 17 KCX - KCN thành phố bị ảnh hưởng do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng. Nguyên nhân do giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, trong khi mùa đông ở châu Âu đang bắt đầu.
Lao động bị mất việc hàng loạt là thực trạng nhức nhối tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam. Tập trung nhiều ở các khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay có 25 địa phương, đơn vị báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng việc làm, đời sống.
Số doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng là 441 doanh nghiệp (trong đó có 331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 75%) với tổng số 624.786 lao động. Trong đó, lao động mất việc chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam với hơn 88% tổng số lao động bị ảnh hưởng.
Trong căn phòng trọ cũ ở phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, chị Lê Thái Phương (quê Quảng Ngãi) đang gói ghém, xếp đồ cho chồng bắt xe về quê mà lòng nặng trĩu.
Chị Phương là công nhân Công ty TNHH Singer (chuyên sản xuất giày da ở thành phố Thuận An). Gần đây, do không có đơn hàng nên công ty cho công nhân nghỉ phép năm, rồi cho nghỉ không lương. Chồng chị là công nhân ở công ty xuất khẩu gỗ, mấy tháng qua cũng không có thu nhập nên phải gửi con về quê, giờ anh về phụ gia đình trồng rau, nuôi cá.
“Năm nay khó khăn chồng chất khó khăn, hai vợ chồng làm cả năm không dư, giờ cả hai đều mất việc thì Tết này không biết sẽ ra sao. Thôi thì đành về quê có rau ăn rau, có cháo ăn cháo vậy”, chị Phương nói.
Tìm cách hỗ trợ người lao động
Làm việc ở Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM) gần 20 năm, anh Nguyễn Trọng Tạo rất sốc khi công ty thông báo kết thúc hợp đồng với toàn bộ công nhân (gần 1.200 lao động). Anh cho biết, suốt thời gian làm việc ở Tỷ Hùng, chưa bao giờ anh thấy công ty phải đối diện với nhiều khó khăn như năm nay.
“Giờ công ty buộc phải ngưng hoạt động vì thiếu đơn hàng, công nhân lớn tuổi như tôi mất việc cũng rất khó để đi xin việc nơi khác. Tôi đang đi xin làm bảo vệ ở mấy công ty nhưng vẫn chưa được gọi”, anh Tạo nói.
Để giải quyết và hỗ trợ khó khăn cho người lao động bị mất việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp. Các đơn vị thuộc sở cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để kết nối người lao động với những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, đồng thời tư vấn và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.
“Chúng tôi cố gắng đẩy nhanh tiến độ chi trả, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo QĐ 08 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, trung tâm dịch vụ việc làm cũng thường xuyên tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho người lao động khi họ đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp”, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương nói.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM và các đơn vị liên quan cũng đang tiến hành khảo sát nhu cầu sản xuất kinh doanh ở các KCX - KCN với quy mô khoảng 3.000 doanh nghiệp để có phương án chủ động xử lý, hỗ trợ công ty và người lao động gặp khó khăn.
Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM, đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ tham gia phối hợp với các công ty đang cắt giảm lao động để đưa ra kế hoạch tìm việc cho người lao động dịp Tết, hỗ trợ phần nào vé xe, quà cho các công nhân mất việc trong thời điểm gần kề Tết.
Về phía doanh nghiệp, những công ty nào còn đơn hàng hoặc đơn hàng ít thì vẫn đang thực hiện hỗ trợ người lao động bằng giải pháp làm việc luân phiên nhằm đảm bảo được lực lượng lao động, giữ chân người lao động sau Tết.
Ông Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty Giày da Tiến Long, quận Tân Phú, TPHCM, cho biết, hiện công ty có khoảng 400 lao động nhưng đơn hàng không nhiều. Giải pháp của công ty là cho người lao động luân phiên làm việc để san sẻ khó khăn cùng nhau, chờ có đơn hàng mới.
“Năm nay chắc chắn là không có Tết rồi, việc trước mắt của ban giám đốc là bảo đảm đời sống cho người lao động, giúp họ bớt khó khăn”, ông Long cho hay.
Được biết, nhu cầu tuyển dụng cuối năm của nhiều doanh nghiệp tại TPHCM là 43.000 người, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp Tết. Đây là cơ hội lớn cho những lao động các ngành dệt may, da giày, lĩnh vực đồ gỗ hay là điện tử đang chịu ảnh hưởng bởi làn sóng cắt giảm nhân sự có thể tìm việc làm mới.