Đôi mắt của thầy

Đôi mắt của thầy

(GD&TĐ) - Hương gọi điện cho tôi, thông báo “Mắt thầy Tùng không còn nhìn được nữa. Ca mổ đã thất bại”. Tôi lặng người. Vậy là thầy phải sống cả quãng đời còn lại với đôi mắt không còn cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Công việc, cuộc sống…mọi thứ sẽ đảo lộn tất cả. Tôi sắp xếp công việc, xin nghỉ phép về quê thăm thầy. Bởi tôi biết, những lúc như thế này, thầy cần đến chúng tôi - những người học trò đã được thầy dìu dắt hơn bao giờ hết. Và hơn thế, đối với tôi, Thầy Tùng còn giống như một người cha thứ hai. Người cha không sinh thành ra tôi nhưng suốt cuộc đời này, tôi mang nặng món nợ nghĩa tình đối với Người.

Lên lớp bảy, gia đình tôi chuyển từ miền quê nghèo ra thị trấn sinh sống. Hoàn cảnh khó khăn, nhà lại đông anh em nên được đi học đối với anh em tôi là một điều kỳ diệu. Tôi quần ống thấp, ống cao; bước chân vào trường huyện với bao mặc cảm và bỡ ngỡ. Tôi được phân vào lớp thầy Tùng - lớp chuyên văn của trường.

Ngày đầu tới lớp học, tôi rụt rè ngồi vào cuối lớp trong ánh mắt lạ lẫm của các bạn đồng trang lứa. Nước da ngăm đen, mái tóc gần như cụt lủn, tôi giống như “người ngoài hành tinh” trong mắt của các bạn - những cô chiêu cậu ấm chốn thị thành. Mọi người xầm xì bàn tán trong cái cúi đầu lặng lẽ của tôi. Rồi, thầy bước vào lớp. Thầy giới thiệu tôi với cả lớp, và xếp cho tôi ngồi bàn đầu, ngay cạnh một cô bé mà trong mắt tôi thì đó là một “nàng công chúa”. Tôi ngại ngùng từ chối, xin thầy được ngồi cuối lớp. Thầy hiền từ nhìn tôi, bảo “Con bé nhất lớp, phải ngồi lên bàn đầu thì mới học tốt được”.

Sau tuần đầu bỡ ngỡ, tôi bắt đầu ổn định và tập trung cho việc học. Tôi không có nhiều thời gian để quan tâm tới xung quanh, cố gắng học vượt rào để được tuyển chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn trong kỳ thi tỉnh sắp tới. Một cuộc thi rất quan trọng mà một đứa con gái thôn quê như tôi rất khao khát được thử sức. Tôi vùi đầu vào sách vở. Kết quả cuộc thi chọn, tôi đạt điểm thi cao nhất và được đứng đầu danh sách các bạn tham dự kỳ thi tỉnh của trường. Tôi vui sướng, gần như ôm lấy thầy khi nghe thầy thông báo kết quả. Đọc xong danh sách, thầy lần lượt nhìn cả lớp “Thầy mong các em tạo điều kiện giúp đỡ bạn Hằng về tài liệu học tập, vì hoàn cảnh nhà bạn rất khó khăn. Vinh quang mà bạn mang về cũng là vinh quang của tập thể lớp mình. Thầy rất mong các em đoàn kết giúp đỡ bạn”. Cuối buổi, thầy gọi tôi tới, trao cho tôi tập sách tham khảo để ôn tập. Tôi run run đưa tay đón nhận, xúc động nhìn thầy, mắt rơm rớm nước.

Thời gian ôn thi chỉ kéo dài gần một tháng. Có hôm bọn tôi phải học ba ca/ ngày để kịp chương trình ôn luyện. Nhà tôi cách trường gần chục km, ban ngày tôi có thể ở lại trường vào buổi trưa để học đội tuyển, còn tối thì tôi đành nghỉ học vì một mình đạp xe đường xa, tôi sợ. Một hôm, thầy hỏi tôi về cuộc sống hiện tại của gia đình. Cuối cùng, thầy bảo: “Hằng về xin phép gia đình tới nhà Thầy ở trong thời gian ôn thi đội tuyển. Nhà em ở xa, đi lại khó khăn mà thời gian ôn luỵên cũng không còn nhiều thời gian nữa. Em mà nghỉ buổi nào là không thể theo kịp chương trình được đâu. Em cứ về báo với gia đình đi, hôm sau thầy sẽ tới xin phép cho”. Cha mẹ tôi đã rất xúc động trước tấm lòng của thầy, dặn tôi phải ngoan ngoãn, chăm chỉ trong thời gian sống ở nhà thầy. Thầy luôn động viên tôi phải cố gắng tập trung ôn luyện để không làm bố mẹ thất vọng.

Những ngày sống ở nhà thầy, tôi học hỏi được thêm rất nhiều điều. Nhà thầy không thuộc diện giàu có, chỉ là căn nhà cấp bốn đơn sơ có một khoảnh vườn con con để trồng mấy loại rau cỏ. Đồ đạc trong nhà đều mang đậm dấu ấn thời gian, đã lên màu rất cổ. Tài sản quý giá nhất mà thầy luôn nâng niu trân trọng là cái giá sách năm tầng chứa đầy những tác phẩm văn học nổi tiếng mà thầy sưu tầm được từ thời còn đi học. Nhìn cách thầy lật giở từng trang sách, nhìn ánh mắt rực sáng của thầy mỗi khi đọc sách, tôi biết thầy rất tự hào về nguồn “tài sản” vô giá của mình. Còn tôi, sau mỗi giờ ôn luyện vất vả, tôi lại vùi đầu vào những tác phẩm văn học kinh điển ấy, say sưa đọc. Cảm giác say mê và hào hứng chưa từng có. Thầy khuyến khích tôi đọc thật nhiều. Thi thoảng, hai thầy trò lại pha một ấm trà đặc, cùng ngồi đàm đạo và bình phẩm vè một tác phẩm văn học nổi tiếng. Kiến thức uyên thâm cùng những giá trị sống cao đẹp của thầy khiến tôi thấy mình thật nhỏ bé. Tôi tự hứa sẽ cố gắng để không hổ thẹn là học trò của thầy.

 

Kỳ thi năm ấy, đội tuyển văn của thầy đều đoạt giải. Hai giải ba, một giải nhì, một giải khuyến khích và một giải nhất là tôi. Lần đầu tiên đội tuyển văn của trường đạt giải nhất toàn tỉnh. Mọi người đều chúc mừng tôi, khen tôi giỏi. Nhưng tự trong lòng, tôi luôn thấy đó là công lao của thầy. Chính nhờ thầy mà tôi được đứng trên đài vinh quang ấy. Kỳ thi kết thúc, bố mẹ xin phép thầy cho tôi trở về nhà mình dù thầy cô một mực giữ tôi ở lại. Cuối cùng, thầy đồng ý, bảo tôi hãy xem nhà thầy như nhà của chính mình. Thầy bảo xem tôi như con, cần sách vở gì cứ tới nhà thầy. Lần đầu tiên trong cuộc đời có một người không phải là bố mẹ tôi đối xử tốt với tôi như thế.

Ba năm học thầy Tùng là khoảng thời gian quý giá đối với tôi và các bạn trong lớp. Thầy không chỉ truyền tải cho chúng tôi những kiến thức trong sách vở như bao thầy cô giáo khác mà thầy còn truyền tải, khơi dậy trong mỗi đứa học trò chúng tôi những giá trị sống cao đẹp mang đầy tính nhân văn, nhân đạo. Chúng tôi không chỉ học được ở thầy những lời thơ ngọt ngào, những bài văn hay mà còn được tiếp thu những bài học về đối nhân xử thế, về cách ứng xử sao cho người gần người hơn. Thầy giống như một người lái đò chèo lái tâm hồn của chúng tôi hướng tới những giá trị sống cao đẹp, đưa đến cho chúng tôi nguồn ánh sáng tinh khôi, trong lành mà thầy chắt lọc được từ mảnh đất văn học thấm đẫm tình người.

Chúng tôi lên cấp III rồi vào đại học. Không còn được học thầy nhưng những dịp nghỉ hè, ngày 20/11 hay dịp tết, lớp tôi lại tề tựu đông đủ rồi kéo tới nhà thầy chúc tết. Thấy thầy vẫn khoẻ, năm nào cũng có bằng khen giáo viên giỏi tỉnh với những đội tuyển học sinh giỏi đạt nhiều thành tích. Bên thầy, chúng tôi vẫn bé bỏng và nhõng nhẽo như ngày nào, lại bắt thầy kể chuyện-những câu chuyện mang đậm tính giáo dục mà hầu như đứa nào cũng đã thuộc làu. Vậy mà vẫn thích được nghe thầy kể lại…

Tết năm nay, cả lớp đứa nào cũng buồn khi tới nhà thầy. Thầy ốm, phải đắp chăn nằm trong giường. Trông thầy gầy sọm, da xanh tái. Cô bảo thầy đau mắt gần một tháng nay, thuốc thang vẫn uống đều mà không thấy đỡ. Bác sỹ bảo ra tết thì nên ra Hà Nội mổ mắt nếu để lâu e rằng không ổn. Chúng tôi buồn thiu, tự nguyện quyên góp tiền rồi năn nỉ cô cầm thêm vào để chữa bệnh cho thầy. Rời khỏi nhà thầy, chẳng đứa nào còn hứng đi chơi tết… Vậy mà, ca mổ đã không mang lại ánh sáng cho thầy.

Vừa về nhà, tôi vội vàng lấy xe máy chạy xuống ngay nhà thầy quên cả việc mua gì làm quà, tôi ào vào nhà thầy. Không khí trong nhà vẫn như ngày nào, yên ổn và ấm áp. Thầy đang ngồi xem tivi ngay phòng khách, nghe tiếng bước chân của tôi, thầy hỏi

- Ai đấy ?

Tôi cố kìm nén tiếng khóc nghẹn dù nước mắt đã lăn dài trên má:

- Thầy ơi, con Hằng đây. Con về thăm thầy.

- Sao con lại về vào dịp này? Gìơ đi làm rồi, có thoải mái thời gian như thời còn là sinh viên đâu con!

Thầy vẫn thế, luôn lo lắng cho mọi người vẹn toàn. Tôi ôm chầm lấy thầy, nức nở. Thầy ôm tôi, xoa đầu như thể cái hồi tôi còn là con bé lớp 7 gầy đen, quê mùa xuống nhà thầy ở học. Rồi thầy vuốt mặt tôi, bảo:

- Thầy không trông thấy con như trước được nữa rồi. Nhưng thầy biết là con luôn là cô học trò thông minh, giàu nghị lực. Cố gắng lên con. Thầy vẫn ổn.

Tôi chưa kịp động viên, an ủi thầy thì thầy đã động viên lại tôi. Dường như thầy đã chuẩn bị tâm lý từ lâu lắm, như thể thầy đã biết điều này sẽ xảy ra. Thầy không oán trách số phận, không than thở như bao người gặp bất hạnh khác, vẫn điềm tĩnh đón nhận sự việc bằng thái độ lạc quan hiếm có. Chính thầy khiến tôi bình tâm trở lại. Hai thầy trò lại pha trà, đàm đạo chuyện văn thơ như những ngày xưa…

Tôi hỏi thầy về công việc, thầy mỉm cười bảo:

- Thầy đang làm đơn đề nghị các thầy cô trên phòng giáo dục chuyển thầy về trường tình thương của huyện. Thầy sẽ dạy học cho các trẻ em bị tật nguyền bẩm sinh. Những đứa trẻ đó rất tội nghiệp con à. Chúng bị mù mắt không có nghĩa là phải mù cả tấm lòng, trái tim, con ạ.

Tôi nghẹn ngào trong niềm xúc động. Thầy của tôi sống cao cả và nhân văn quá. Cuộc sống lăn lộn ngoài xã hội cho tôi nhận ra rằng, những “trái tim ấm nóng” như thầy thực sự rất cao quý. Thêm một lần, tôi lại học được ở thầy bài học đắt giá, dù tôi đã không còn là đứa trẻ 13 ngày nào nữa.

Tôi yên tâm quay về với công việc và cuộc sống của chính mình. Tôi vẫn thường xuyên giấu thầy, gửi thuốc về cho thầy bồi dưỡng sức khoẻ. Phải giấu thầy bởi thầy không cho phép chúng tôi dành thời gian lo lắng cho thầy - thầy xem đó là sự phí hoài không cần thiết. “Thầy chỉ mong các em thành công trong cuộc sống, mang những giá trị nhân văn đến với những mảnh đời bất hạnh là thầy vui rồi”.

 Thúy Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ