Đời làm thuê trên sông

Đời làm thuê trên sông

(GD&TĐ) - Hằng ngày rong ruổi trên những dòng sông để mưu sinh, cuộc đời họ từ khi sinh ra và lớn lên gắn liền với giang hồ, sông nước. Dựng vợ, gả chồng, sinh con, đẻ cái cũng trên sông nước. Đó là câu chuyện về cuộc đời của những người làm thuê trên sông. Nghề này ở vùng sông nước Cửu Long không biết có tự bao giờ nhưng đâu đó trên những khúc sông luôn có những con người lặng lẽ mưu sinh. 

Lênh đênh sông nước

“Ông già bảo tôi lập gia đình, tôi hứa năm nay sẽ cưới vợ. Nhưng nói vậy chứ ai chịu đâu mà cưới! Suốt ngày lênh đênh trên sông nước, muốn làm quen với một cô cũng cả vấn đề”- anh Lê Văn Bé thở dài bên mâm cơm cuối ngày trên mui ghe đầy ắp gió. Cho ghe tấp vào một bến sông, anh Bé, năm nay đã 35 tuổi (ngụ phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) vội dọn cơm ra cùng ngồi ăn với chủ. Cơm và món canh chua được anh nấu chín từ khi ghe còn lênh đênh trên sông nước. Buổi cơm chiều với anh Bé thường bắt đầu như vậy. Ở vùng sông nước Cửu Long, người hành nghề làm thuê trên sông ngày xưa rất nhiều, đa số họ phải lao động chân tay với các nghề như bốc vác lúa, gạo, cá mắm, trái cây từ nhà xuống ghe hay từ ghe lên chợ và nhà máy chế biến. Có gia đình đã sống bằng nghề làm mướn trên sông hết đời cha rồi truyền lại cho đời con nối nghiệp. Như gia đình của anh Bé, ngày xưa ba má anh cưới nhau trên ghe, rồi sinh ra anh cũng trên chiếc ghe nhấp nhô trôi theo dòng nước- phương tiện mưu sinh của cả nhà. Anh Bé tâm sự: “Cuộc đời tôi từ lúc lọt lòng cho đến lớn hầu như gắn liền với sông nước ở xứ này. Cực nhưng mà vui, đây đó trên sông hồ thành thói quen và như ngấm sâu vào máu thịt mình từ thuở nhỏ”. Cuộc đời làm thuê của họ cứ rày đây mai đó, khi thì theo ghe mua cá lênh đênh trên các nhánh sông ở vùng ĐBSCL. Đông đúc nhất là ở các vùng giáp biên giới Campuchia như huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Thanh Bình,… có cả xóm chuyên nghề làm thuê trên sông. Hầu như họ di chuyển để làm ăn “liên tỉnh”, trên chiếc ghe trọng tải từ vài tấn đến hàng chục tấn. Họ sang tận các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang để chở trái cây, khiêng cá mướn cho chủ.

Nơi cập bến của ghe xuồng chuẩn bị cho chuyến ăn hàng
Nơi cập bến của ghe xuồng chuẩn bị cho chuyến ăn hàng

Ngày làm việc của những người làm thuê trên sông bắt đầu từ 7 giờ tối, kéo dài đến tận 5 giờ sáng. Tận dụng thời gian còn lại, họ tranh thủ chợp mắt lấy lại sức để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Mỗi người một ngày thu nhập được trên dưới trăm ngàn đồng, số tiền này họ chi tiêu hết sức tiết kiệm, còn lại dành dụm gửi về gia đình. Cứ độ nửa tháng, anh Bé gửi tiền về cho ba mẹ, số tiền này dành cho chuyện mưu sinh hằng ngày và mẹ của anh dành dụm chút ít để lo chuyện cưới vợ cho anh trong tương lai. Rít điếu thuốc trên tay, anh Bé trầm tư: “Anh em tứ xứ người một nơi. Giờ họ đều lên bờ làm cả. Chắc tôi quen sinh sống dưới ghe, giờ lên đó làm ăn thấy khó quá!”.

Chín giờ tối tại chợ cá Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh, hàng chục ghe cá được neo đậu tại đây. Có ghe vừa cập bến, cũng có ghe đã neo đậu hơn nửa ngày trời và đang chuẩn bị sẵn sàng cho một chuyến đi mới. Từ dưới khoang ghe, anh Lê Tấn Tài, 34 tuổi (quê Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh) tranh thủ thời gian chờ xe mua cá đến, vội leo lên mui uống ngụm nước và ngồi nghỉ để lấy lại sức cho đợt xúc cá tiếp. Anh Tài cho biết nghề xúc cá và lái ghe đến với anh ngẫu nhiên: “Ông anh gần nhà thấy tôi không nghề nghiệp nên rủ đi theo ghe cá, ai ngờ tôi theo luôn nghề này gần chục năm nay”. Địa phương mà ghe anh thường lui đến mua cá là thị xã Hồng Ngự, Bến Tre và An Giang. Mỗi chuyến đi từ 3 đến 4 ngày anh được chủ trả tiền công 200 ngàn đồng. Cứ 2 chuyến đi thì anh Tài về nhà một lần. Những lần về nhà, anh đều đem tiền về đưa vợ mua gạo, để dành tiền cho con đi học… Anh Tài nói nghề của anh cũng lắm gian nan, xòe bàn tay còn tanh mùi nước cá, anh chỉ chúng tôi xem những vết thương bị gai cá tra đâm, cá rô nẹt vào đang bị sưng và làm mủ. Chưa kể những đêm lênh đênh trên sông nước, sau khi thay người cầm lái, anh Tài ngủ cũng không yên giấc bởi những khúc “cua” trên sông mà ghe anh chạy phải “lách” qua cũng khiến anh giật mình, vậy là nhiều đêm anh phải thức trắng.

Bữa cơm chiều trên sông
Bữa cơm chiều trên sông

Ấp ủ những ước mơ

Trên những nhánh sông của Sông Tiền, sông Hậu, ghe xuồng giờ không nhiều như trước. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những chiếc ghe chở cá tấp vào một bến chợ chưa đầy ngày trời rồi cũng lui bến. Theo những chiếc ghe lênh đênh ấy là những người ngày đêm phải bươn chải làm thuê để kiếm sống. Tâm sự với chúng tôi, họ có thật nhiều mơ ước, có những ước mơ lớn lao, nhưng cũng có những mơ ước giản đơn vậy mà suốt năm này qua năm khác, họ chưa một lần thực hiện được.

Đối với những người làm thuê trên sông, tuy họ biết công việc theo ghe lắm vất vả, đôi khi nguy hiểm nhưng vì cuộc sống nên phải dùng sức lao động để mưu sinh. Và từ sức lao động ấy, họ luôn mong một ngày cuộc sống tốt đẹp sẽ đến với mình. Nói về những dự định sắp tới, anh Lê Văn Bé tâm sự: “Tôi thì chắc không bỏ ghe được. Chỉ mong tìm được người mình thương cưới làm vợ, có gì ăn đó, miễn sao người ta không chê mình nghèo là được”. Tham gia cuộc trò chuyện với chúng tôi khi chiếc ghe đang xuôi theo dòng nước trên sông Tiền từ Đồng Tháp về Tiền Giang, anh Tài nhiều lần nói đi nói lại những mong ước của anh, cũng như của những thành viên trong gia đình mình. Anh tâm sự: “Những lúc rảnh rỗi, nhớ vợ, nhớ con nên lấy điện thoại ra hỏi nhưng điện thoại không có tiền nhiều nên chỉ điện hỏi thăm vài ba câu rồi tắt máy. Thật tình, đi ghe trước giờ vợ chồng cũng có để dành tiền nhưng không có nhiều. Tôi ráng vài ba năm nữa có một số vốn để mua cá, mua dụng cụ, mua chiếc ghe nhỏ để chở cá ra chợ gần nhà bán. Chỉ có như vậy mới được gần nhà, tiện bề lo cho con cái được ăn học đàng hoàng…”.

Lênh đênh sông nước
Lênh đênh sông nước

Mong sao với sự cần cù, vượt khó, những người mưu sinh trên sông nước như các anh sẽ sớm thực hiện được ước mơ mà mình ấp ủ. Nghề làm thuê trên sông ngày nay ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của khoa học công nghệ. Giờ các ghe cập bến ăn hàng đều có băng chuyền nên không cần người bốc vác nữa… Đời người lênh đênh trên sông nước thì chuyện học hành cho con em sẽ ra sao, khi ngày nay người lao động cần phải có trình độ, có cái nghề. Mong sao những người làm thuê trên sông sớm cập bến để có tương lai tươi sáng hơn, nhất là con em họ có được cái chữ, có được tri thức để cuộc đời không còn cảnh lênh đênh như cha mẹ của chúng.

Q. Ngữ - H. Nghĩa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.