Đòi hỏi cấp thiết với lực lượng lao động

GD&TĐ - Việt Nam đang đối diện với thách thức về lực lượng lao động thiếu hụt kỹ năng, không được đào tạo bài bản. Hiện đại hóa các trường đại học và hệ thống cơ sở đào tạo nghề, tăng cường sự tham gia đầu tư hoạt động ở lĩnh vực đào tạo nghề của tư nhân… là những giải pháp có thể giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt kỹ năng của lực lượng lao động.

Đòi hỏi cấp thiết với lực lượng lao động

 Thị trường lao động với thách thức mới

Từ năm 2012, lĩnh vực sản xuất chế tạo đã hấp thụ trung bình hơn 400 ngàn lao động mỗi năm. Trong khi đó, chuyển đổi quan trọng về nhân khẩu học. Dân số Việt Nam đã bắt đầu già đi, và theo ước tính gần đây, lực lượng lao động sẽ bắt đầu giảm kể từ năm 2035.

“Việt Nam có lực lượng lao động hiệu quả dồi dào và mức tiền lương tương đối thấp. Đây là yếu tố giúp thu hút nguồn vốn FDI lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu cần nhiều lao động”- Báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB cho biết- “Sự thiếu hụt kỹ năng lao động nổi lên như một rào cản đối với việc thu hút FDI và đối với hoạt động kinh doanh nói chung”.

Trong “Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2017 -2018” tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng cho rằng “lực lượng lao động chưa được đào tạo đầy đủ” là hạn chế lớn thứ hai trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Thêm vào đó, khảo sát lao động của Ngân hàng Thế giới cho thấy việc tìm được ứng cử viên cho các vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề cao hơn đang là một thách thức lớn cho hầu hết các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Thậm chí có tới khoảng 70%-80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.

Việc mở rộng tiếp cận là yếu tố then chốt. Trong khi lực lượng lao động của Việt Nam đang tăng nhanh (Từ 38 triệu người vào năm 2000, dự báo sẽ đạt 56 triệu vào năm 2020). Mặc dù các cơ sở đào tạo nghề, các trường ĐH đã được đầu tư nhiều hơn, đổi mới nhiều hơn, nhưng năng lực đào tạo hiện tại của các trường ĐH, trung tâm dạy nghề vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu được đào tạo của lực lượng lao động lớn như vậy - ADB phân tích - hiện tại, chỉ có 20% người lao động tại Việt Nam có bằng ĐH hoặc được đào tạo nghề bài bản.

Theo ADB, nhu cầu cải thiện chất lượng đang được đặt ra bức bách. Trong khi đó, “Chương trình đánh giá học sinh quốc tế” chỉ ra ưu điểm của học sinh trung học của Việt Nam là có kết quả học tập một số môn khá hơn đáng kể so với học sinh các nước khác ở Đông Nam Á (kể cả học sinh ở những nước giàu hơn như Thái Lan hay Malaysia).

Tuy nhiên, chương trình đào tạo của Việt Nam lại cần phải đạt được nhiều tiến bộ hơn trong việc xây dựng cho sinh viên đại học năng lực tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề và kỹ năng quản lý con người trong hoàn cảnh thực tế.

“Xếp hạng của Việt Nam về cảm nhận chất lượng hệ thống giáo dục đại học trong “Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2017 - 2018” đã tụt một bậc xuống vị trí 84 trong gần 140 quốc gia được khảo sát. Việt Nam đang thứ 120 về chất lượng các trường quản lý, đây là điểm xếp hạng thấp nhất trong tất cả các cấu phần nội dung của chỉ số. Kết quả này bộc lộ nhu cầu cấp bách phải khớp nối được chương trình đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp”- ADB quan ngại chia sẻ với báo chí trong họp báo tháng 4/2018.

Mặc dù các nỗ lực cải cách trong những năm gần đây đã đạt một số tiến bộ, nhưng các trường đại học công lập và một số trường đào tạo nghề vẫn còn bị hạn chế bởi thiếu sự tự chủ và chương trình lạc hậu chậm đổi mới, trong khi đó các trường đại học tư thục lại bị hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh.

Giải pháp đáp ứng cả “lượng” và “chất”?

“Để thu hẹp sự thiếu hụt kỹ năng lao động này, Việt Nam cần ưu tiên cho ba nhóm sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả các trường đại học và hệ thống trường dạy nghề: mở rộng tiếp cận, cải thiện chất lượng, và tinh giản quản trị” - ADB khẳng định trong báo cáo mới nhất của ngân hàng này về Việt Nam - “Cần có sự hợp tác mạnh mẽ và nhất quán hơn giữa Chính phủ và khu vực tư nhân để nâng cấp hệ thống giáo dục đại học lên tầm quốc tế và chuẩn bị tốt hơn cho học sinh bước vào thị trường lao động trong tương lai”.

Cũng tại họp báo tháng 4 năm nay, ADB nhiều lần nhấn mạnh về một sự phát triển ở khu vực tư nhân trong đào tạo nghề. Các chuyên gia của ngân hàng này cho rằng để đào tạo được những cử nhân tốt nghiệp “sẵn sàng làm việc ngay” cần có liên kết chính thức hơn với khu vực tư nhân trong việc xây dựng các chương trình và khoá đào tạo.

Thêm vào đó, để nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng số lượng lao động có tay nghề, cũng cần phải tinh giản hệ thống và công tác quản trị trường đại học và trường đào tạo nghề.

“Công tác quản lý hiệu quả càng trở nên phức tạp hơn do trách nhiệm quản lý trên 2.000 cơ sở đào tạo nằm rải rác ở 13 bộ ngành chủ quản và 63 tỉnh thành”- ADB phân tích - “Mặc dù từ năm 2005 việc kiểm định chất lượng đã trở nên bắt buộc với tất cả các trường, song trên thực tế việc áp dụng chuẩn mực chung vẫn rất khó khăn.

Tương tự, tình trạng quản lý manh mún gây khó khăn cho việc xây dựng các chiến lược phối hợp nhằm đạt được mục tiêu chính sách quốc gia hoặc cùng áp dụng chuẩn mực chung và chia sẻ trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo”.

 “Những thay đổi trong lĩnh vực GD - ĐT có thể phải mất một thế hệ mới đạt được kết quả”- các chuyên gia của ADB nhấn mạnh - “Do đó, cần phải bắt tay vào việc hiện đại hóa trường ĐH và cơ sở đào tạo nghề. Nhằm đảm bảo rằng vấn đề lao động thiếu hụt tay nghề sẽ không trở thành nút thắt cản trở tương lai sự phát triển và tăng trưởng của Việt Nam”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ