Đến nay, Tết Khu Cù Tê vẫn lưu giữ được rất nhiều nét văn hóa đặc trưng, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của anh em trong dòng họ và cộng đồng.
Tưởng nhớ Hoàng Vần Thùng
Theo thống kê, khoảng 14 nghìn người La Chí sinh sống chủ yếu ở các xã Bản Díu (huyện Xín Mần), Bản Phùng, Bản Máy (huyện Hoàng Su Phì) và huyện Quang Bình của Hà Giang.
Trải qua thăng trầm của lịch sử và sự giao thoa văn hóa, người La Chí vẫn gìn giữ được những nét đẹp văn hóa và tín ngưỡng riêng biệt, trong đó có Tết cổ truyền Khu Cù Tê gắn với lễ hội Hoàng Vần Thùng.
Theo truyền thống, người La Chí ăn Tết Khu Cù Tê vào tháng 7 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ vị tù trưởng Hoàng Vần Thùng, người được coi như vị thần có công đánh giặc cứu dân và truyền dạy nghề nông, giúp đồng bào có đời sống ấm no. Đồng thời, đây cũng là dịp những người trong dòng họ có dịp gặp nhau, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng và cầu cho cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc.
Người La Chí còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện, truyền thuyết về Hoàng Vần Thùng. Thân thể của ông được biểu tượng với các dãy núi trùng điệp, trên đó có các bản làng người La Chí sinh sống. Trong đó, người ở Bản Díu được coi là anh cả vì được sinh ra từ đầu của ông, người Bản Phùng là anh thứ hai được sinh ra từ bụng và người em út là Bản Máy được sinh ra từ đôi chân.
Xưa kia, người La Chí sống nay đây, mai đó. Họ phát nương trồng rẫy, đất bạc màu lại di chuyển đi nơi khác. Cứ như vậy, đời sống của họ vô cùng cực khổ, mất mùa, nạn đói thường xuyên. Một hôm, xuất hiện một người đàn ông có tên là Hoàng Vần Thùng đến dạy bà con đào đất, san đất đồi thành bậc thang để trồng lúa nước; dạy bà con nuôi gà, nuôi lợn, bẫy thú rừng đến phá ruộng, nương…
Từ ngày biết trồng lúa nước, thóc lúa đầy bồ, bà con dân bản không còn cảnh mất mùa vào rừng đào củ kiếm ăn từng bữa và du canh, du cư như trước đây mà sống quây quần thành từng bản. Khi có giặc kéo đến cướp phá thôn bản, Hoàng Vần Thùng tập hợp trai tráng huấn luyện họ đánh đuổi giặc cướp.
Đánh giặc xong, ông về dãy núi Pố Hoàng Thùng (tiếng La Chí) nay còn gọi là núi Gia Long và sau đó người ta không còn thấy ông nữa và bà con truyền rằng ông đã hóa rồng trở về với trời.
Cho đến một năm, trời hạn hán ruộng không có nước cày cấy, cỏ cây khô héo, trâu, bò lăn ra chết; người dân hoang mang, họ lập đàn cúng mời Hoàng Vần Thùng về giúp.
Thầy cúng người La Chí tưởng nhớ Hoàng Vần Thùng. |
Lễ cúng vừa xong, trên trời sấm chớp ầm ầm, mây kéo về, trong đám mây đen xuất hiện một đám mây vàng hình rồng hạ xuống đàn tế; sau đó, mưa kéo dài suốt ba ngày, ba đêm, người dân thoát khỏi hạn hán. Từ đó về sau họ lập miếu thờ hương khói, cứ đến ngày Thìn, tháng Thìn âm lịch hàng năm tổ chức lễ cúng tế ông, vào năm Thìn tổ chức lễ hội lớn hơn.
Quần thể di tích mộ Hoàng Vần Thùng hiện là di sản văn hoá vật thể và phi vật thể có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của cộng đồng người La Chí. Di tích mộ Hoàng Vần Thùng nằm trên các sườn núi cao, các khu rừng đầu nguồn hay rừng cấm của đồng bào người La Chí. Những khu vực này có cảnh quan thiên nhiên đẹp, do những quan niệm về mặt tâm linh, việc xâm phạm vào đây là điều cấm kị.
Người La Chí gọi mình là “Cù Tê” có nghĩa là “Người mình”. Tết Khu Cù Tê của người La Chí được tính từ ngày 1/7 âm lịch và ăn Tết đến ngày 15/7 âm lịch. Nếu năm nào có nhuận hai tháng 4 thì cộng dồn, Tết của người La Chí sẽ được tổ chức vào tháng 6 âm lịch.
Trước khi tổ chức Tết, thầy cúng sẽ chọn ngày và giờ đẹp cho dân làng tập trung tại nhà thờ của trưởng tộc để cúng tổ tiên dòng họ. Trong buổi lễ này, dân làng mổ trâu hoặc mổ lợn, gà và làm rượu hoẵng. Trong khi tổ chức tế lễ, thầy cúng sẽ đánh trống thiêng, sau đó uống rượu cả ngày và thâu đêm đến sáng.
Ngày hôm sau, mọi người về nhà mình làm thủ tục gọi tổ tiên, mời những người đã mất về ăn Tết tháng 7 tại gia đình, lễ này cũng do thầy cúng chủ trì. Lễ vật chuẩn bị cho lễ cúng gồm có thịt gà, thịt lợn và đặc biệt có món có thịt chuột nướng hoặc nấu chín.
Sau khi chuẩn bị xong đồ lễ, trưởng tộc bắt đầu đọc bài cúng với nội dung mời tổ tiên của người La Chí về ăn Tết cùng dân bản, cùng ăn thịt mà dân bản nuôi được, cùng ăn xôi mà dân bản trồng được, cùng uống rượu như tấm lòng thơm thảo của dân bản có ý nghĩa cầu mong cho cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, cầu cho dân bản sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Kết thúc phần cúng là màn đánh chiêng trống. Điệu múa trống, múa chiêng thể hiện sự vui mừng phấn khởi của dân bản sau một năm trồng trọt chăn nuôi, mùa màng bội thu và cũng là sự tôn kính và cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho dân bản sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa
Nghi thức đánh chiêng và trống trong Lễ cúng dâng lễ vật cho thần linh và tổ tiên của người La Chí. |
Trong dịp Tết Khu Cù Tê, người La Chí chủ yếu uống rượu hoẵng (loại rượu được làm từ gạo nếp, nấu lên để nguội, đem ủ cùng một loại men cổ truyền gồm 12 thứ lá lấy ở trên rừng như: Mạc hầu, pở sẩm, lạc nỏa buộc, pi pi, nắng kề, sính cà, thủ ối, nha nà ti, nhàng cha nóc chỉn, bác nhài, nhạc thào lâm, mạc ượt). Khi uống người ta đổ nước lạnh vào rồi chắt lấy rượu có màu trắng đục ra để uống. Về cách thức uống, nam giới dùng sừng trâu thay chén còn phụ nữ uống bằng bát. Dịp này các gia đình đến nhà nhau ăn Tết uống rượu, vui chơi đến khi hết Tết mới thôi. Đặc biệt, đến buổi tối ngày cuối cùng tất cả trai gái trong làng nhất là những cặp vợ chồng đều tập trung ở nhà thầy cúng to nhất của làng để tham gia.
Tết Khu Cù Tê của người La Chí có lịch sử lâu đời, là dịp người trong dòng tộc, họ hàng về sum họp, tưởng nhớ Tổ tiên, cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc, qua đó góp phần duy trì và củng cố mối gắn kết cộng đồng, dân tộc. Năm 2014, đồng bào La Chí ở Hà Giang vui mừng khi Tết Khu Cù Tê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trải qua thời gian, cùng với sự tác động của nhiều yếu tố khách quan (lịch sử, xã hội, giao thoa văn hóa các dân tộc) và yếu tố chủ quan xuất phát từ chính nhu cầu của đồng bào khiến văn hóa truyền thống trong đó có Tết Khu Cù Tế của đồng bào La Chí đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi theo hướng tích cực với phương châm “gạn đục, khơi trong”, gắn với việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, được đánh giá là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu xây dựng đời sống văn hóa mới.
Hiện nay, các Lễ thức tổ chức Tết Khu Cù Tê của người La Chí đã được các trường học nơi có đồng bào La Chí sinh sống tích cực đưa vào giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường theo Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 5/1/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh Hà Giang đã tổ chức thành công “Liên hoan dân ca, dân vũ học sinh phổ thông cấp tỉnh”, sự tham gia của 11 Phòng GD&ĐT với hàng trăm học sinh đến từ các trường khắp trên địa bàn tỉnh. Các tiết mục dân vũ được Ban giám khảo đánh giá cao như màn đồng diễn múa gậy đồng xu dân tộc Mông, hát múa Khu Cù Tê của người La Chí, tiết mục dân ca hát lướn và múa Ngỗng dân tộc Nùng… đã thực sự mang đến nét văn hóa đặc sắc đa dạng, phát huy các giá trị truyền thống, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh.
Ông Thèn Ngọc Minh – Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Lễ hội Hoàng Vần Thùng gắn với Tết Khu Cù Tê của cộng đồng người La Chí là hoạt động văn hóa tâm linh, có lịch sử lâu đời của bà con; việc tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ Tổ tiên và hướng tới những ý nghĩa nhân văn tốt đẹp trong đời sống.
Lễ hội giữ một vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc gắn kết cộng đồng, củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn. Đây cũng là dịp những người trong dòng họ có dịp gặp nhau, nhiều người ở xa cách hàng trăm km, hàng nghìn km đến ngày Tết lại quay trở về sum họp với gia đình, dòng tộc của mình, cùng ăn uống hàn huyên tâm sự, nhớ ơn tổ tiên, dạy bảo con cháu, đồng thời cầu cho cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc…
“Cùng với việc duy trì các lễ hội, huyện luôn tạo điều kiện khuyến khích đồng bào các dân tộc tại địa phương nói chung và đồng bào La Chí nói riêng giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình từ đó, góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế địa phương”, Thèn Ngọc Minh – Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì khẳng định.