Tết sớm của học sinh dân tộc Bhnoong

Tết sớm của học sinh dân tộc Bhnoong

(GD&TĐ) - Trong những ngày qua không khí rộn ràng, vui tươi đã bao trùm ngôi trường Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn, Quảng Nam bởi thầy và trò trong trường đang hòa chung vào những ngày Tết mừng lúa mới truyền thống của đồng bào Bhnoong.

Học sinh tham gia nấu bánh tuyền thống
Học sinh tham gia nấu bánh tuyền thống

Theo lệ, 18-12 dương lịch các bản làng trong huyện Phước Sơn, Quảng Nam đang rộn ràng ngày ăn tết rẫy. Thì cũng là thời điểm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện huyện Phước Sơn tổ chức lễ hội ăn tết mừng lúa mới cho các em học sinh. Chúng tôi vượt từ Trung tâm TP Tam Kỳ lên huyện Phước Sơn, Quảng Nam dưới cái lạnh như cắt da, cắt thịt ở miền Sơn cước này để chứng kiến cảnh học sinh và thầy cô giáo đốn tết truyền thống. Có mặt chúng tôi chứng kiến cái hồn của không khí lễ hội ăn tết mừng lúa mới ở những bản làng xa xôi vừa qua đã được “đưa về” ngay trong khuôn viên trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn. Cũng cây nêu, cũng nhà rông... tuy có phần cách điệu nhưng vẫn mang dáng dấp, đặc trưng của người Bhnoong bản địa.

Ở một góc nhỏ, 80 học sinh nam, nữ đại diện cho gần 300 học sinh toàn trường trong trang phục truyền thống, đang thoăn thoắt gói những chiếc bánh qoát theo hình sừng trâu, cẩn thận đưa từng nắm gạo nếp đã vo sạch vào những chiếc ống nứa để làm cơm lam.

Học sinh tham gia hoạt động thi gói bánh tuyền thống
Học sinh tham gia hoạt động thi gói bánh tuyền thống

Theo quy định, chỉ trong 45 phút, các em phải gói xong 2,5kg nếp, cả bánh qoát và cơm lam. Yêu cầu là phải gói thật nhanh nhưng đảm bảo bánh đẹp, chất lượng, làm sao khi đưa vào nấu không bị vô nước. Ống cơm lam cũng phải nhận thật chặt để khi nướng không bị nứt ống nứa, cơm không bị sống.

Tâm sự với em Hồ Thị Thanh (lớp 9/1, trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn) nói: “Cũng may là trước đây ở nhà em đã được mâm (mẹ) hướng dẫn và thực hành nhiều. Mâm em từng nói, là con gái Bhoong mà không biết gói bánh qoát, làm cơm lam là không được”.

Học sinh vui vẻ bên những chiếc bánh đã nấu chín
Học sinh vui vẻ bên những chiếc bánh đã nấu chín

Ở một góc khác, 8 cái bếp “dã chiến” đại diện cho 8 lớp trong toàn trường đã được nhóm lên, các em học sinh đưa các món ăn như chuột khô, sóc khô, nai khô, ếch khô, ốc đá, măng rừng, cá chua... chuẩn bị chế biến cho lễ ăn tết mừng lúa mới. Y Nhi (học sinh lớp 8/1) cho biết: “Toàn bộ số nguyên liệu này được mang từ nhà lên và đây là những món ăn truyền thống trong các dịp lễ tết của người Bhnoong ở Phước Sơn. Chúng em đã học qua cách chế biến nên chắc chắn sẽ đem đến cho thầy, cô và các bạn nhiều điều ngạc nhiên, thú vị”.

Song song với ẩm thực thì các trò chơi dân gian cũng đã thu hút đông đảo các em học sinh tham gia như: Trò chơi dân gian kéo co, bịt mắt đập niêu và nhảy sạp.

Tham gia hoạt động trò chơi dân gian, nhảy sạp
Tham gia hoạt động trò chơi dân gian, nhảy sạp

Còn thầy Nguyễn Xuân Hà - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn cho biết: “Đây là hoạt động phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện sinh hoạt của các em học sinh. Tổ chức lễ ăn tết mừng lúa mới còn là dịp để thực hiện tốt phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, qua đây còn góp phần gắn kết tình đoàn kết giữa các thành phần dân tộc anh em đang sinh sống, học tập dưới mái trường này. Chúng tôi sẽ tổ chức lễ hội ăn tết mừng lúa mới tại nhà trường trong những năm học tiếp theo”.

Những năm qua, các trường THPT Dân tộc Nội Trú trong toàn tỉnh Quảng Nam, với vai trò nòng cốt của Đoàn thanh niên đều tổ chức các hoạt động phong phú gắn về bảo vệ các giá trị tuyền thống đồng bào các dân tộc cho học sinh tham gia như: Trò chơi dân gian, các bài múa hát, bài chiêng, trống, thiết kế trang phục truyền thống của của các dân tộc...trong đó lễ hội Tết mùa, Tết mừng lúa mới, Tết rẫy, được tổ chức thường xuyên nhằm tái hiện những sinh hoạt truyền thống, lễ nghi và lễ hội tại buôn làng. Qua các hoạt động do chính các học sinh trực tiếp tham gia, giúp các em luôn nhớ về cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc mình, văn hóa dân tộc khác từ đó góp phần bảo tồn và phát huy nét văn hóa ở địa phương.

Bài và ảnh: Nguyên Khang - Hợi Nguyễn

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ