Giáo dục văn hoá Tết cổ truyền của dân tộc cho học sinh

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục giáo dục học sinh về Tết cổ truyền thông qua nhiều hoạt động thiết thức và ý nghĩa.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Khơi dạy lòng tự hào, tự tôn dân tộc

Tại Hải Dương, các cơ sở giáo dục đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa cho học sinh gắn với Tết cổ truyền của dân tộc. Qua đó, không chỉ tạo ra những giờ ngoại khóa bổ ích, mà còn giúp các em hiểu, trân trọng và yêu quý văn hóa truyền thống.

Trường Tiểu học Thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc đã tổ chức hoạt động trải nghiệm vẽ tranh với chủ đề “Ngày Tết, Lễ hội và mùa xuân”. Cô Hiệu trưởng Vũ Thị Hà Thanh cho hay: Ngoài hoạt động vẽ tranh, các em còn được tham gia trải nhiều hoạt động thiết thực như: trải nghiệm gói bánh chưng; thử làm ông đồ nhí viết những nét chữ đầu tiên của năm mới…

Thông qua hoạt động trên, nhằm giáo dục cho các em những phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường” – cô Thanh bày tỏ.

Tại Trường Tiểu học Cao An, huyện Cẩm Giàng tổ chức hoạt động tìm hiểu chủ đề “Ngày Tết quê em” theo đơn vị lớp để các em hiểu được ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền, đồng thời đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid -19.

Thầy Hoàng Văn Hiếu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tả Ván (Quản Bạ, Hà Giang) – chia sẻ: nhà trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục học sinh về những nghi lễ, các phong tục truyền thống ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Qua đó, giúp các em thêm trân trọng, yêu quý văn hóa truyền thống của dân tộc; góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt đẹp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ngày Tết.

Ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận – cho biết: các cơ sở giáo dục trên địa bàn đều triển khai nhiều hoạt động trải nghiệm thiết thực nhằm giáo dục nét đẹp văn hoá Tết Nguyên đán. Nhiều đơn vị đã tổ chức phiên chợ quê ngày tết, tổ chức các trò chơi dân gian, trình diễn trang phục dân tộc… hay tổ chức các chương trình gây quỹ dành tặng những phần quà đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những bạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

“Có thể nói, việc giáo dục cho học sinh ý thức, trách nhiệm gìn giữ những phong tục, nét đẹp văn hóa của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước, gắn bó với gia đình, cộng đồng và thêm tin tưởng, trân quý những giá trị của cuộc sống” – ông Phan Đoàn Thái nhấn mạnh.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tả Ván trong ngày hội văn hoá đọc. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tả Ván trong ngày hội văn hoá đọc. Ảnh: NTCC

Gìn giữ những nét đẹp văn hoá truyền thống

TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục và giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội - nhấn mạnh: Giáo dục cho học sinh về Tết cổ truyền là cần thiết. Điều đó, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.

“Vấn đề đặt ra là, chúng ta giáo dục những gì và giáo dục như thế nào để cho học sinh hiểu, gìn giữ và tiếp tục duy trì những nét đẹp đó” – TS Ngô Xuân Hiếu nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, trước tiên phải khẳng định những việc diễn ra trong những ngày Tết đều có ý nghĩa với mỗi người Việt Nam.

Tuy nhiên, đâu đó thế hệ trẻ chưa hiểu hết giá trị sâu sắc của mỗi hành động, chủ yếu là làm những gì ông bà, cha mẹ đã làm, mà ít ai hỏi ý nghĩa của từng việc làm đó, như dọn nhà cửa, treo câu đối đỏ, cành đào, hai cây mía, hái lộc hay mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ, mồng 3 Tết thầy, lì xì đầu xuân....

Đất nước càng phát triển, khoa học tiến bộ, con người bận rộn làm kinh tế, công việc ngày càng áp lực, thì chúng ta càng phải chia sẻ những nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết của truyền, để chúng ta có những giây phút lắng đọng, an nhiên và gần gũi nhau.

Đây cũng là dịp quan trọng để gia đình và người thân bên cạnh nhau, dành những lời nói yêu thương, những cử chỉ đẹp và những lời chúc tốt lành cho nhau. Học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm như: gói bánh chưng, các cuộc thi tìm hiểu về ngày Tết cổ truyền, những ý nghĩa của ngày Tết qua các bài văn, bài thơ trong các giờ chính khóa.

Theo TS Ngô Xuân Hiếu, điều quan trọng là, các nhà trường, từ hiệu trưởng đến giáo viên phải là người nhận thức đúng về tầm quan trọng của Tết của truyền đối với học sinh. Dù bất cứ thời đại nào, đạo đức, tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước luôn cần thiết phải được duy trì và phát huy. Đặc biệt là thế hệ trẻ - tương lai của đất nước, nên càng cần phải lan tỏa và giáo dục cho các em hiểu và trân quý nét đẹp này.

TS Ngô Xuân Hiếu nhấn mạnh, tất cả các bậc học cần được giáo dục nhưng yêu cầu, hình thức tổ chức khác nhau. Lứa tuổi mầm non chỉ là những câu chuyện rất nhỏ về bánh trưng trong ngày Tết. Cấp tiểu học có thể tăng dần lên bằng ý nghĩa của việc cành đào, chúc tết, những việc kiêng kị trong ngày Tết. Cấp học THCS có thể cho các em tham gia các hoạt động trải nghiệm tới những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống và gìn giữ tốt phong tục Tết cổ truyền. Cấp THPT và sinh viên có thể là những hoạt động sân khấu hóa, hoặc trải nghiệm thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ