Độc đáo ngôi làng ở ngoại ô Hà Nội khai xuân bằng…thịt chó

GD&TĐ - Làng Yên Trường (xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) từ nhiều năm nay có một tục lệ khá độc đáo đầu xuân mà ít nơi nào trên cả nước có được. Đó là cứ đến mùng 4 Tết Nguyên đán, cả làng lại nhộn nhịp cùng nhau mở tiệc ăn thịt chó "đổi món" lấy may đầu Xuân mà không kiêng kỵ gì.

Cứ vào mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm, người dân làng Yên Trường (xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) lại cùng nhau tổ chức tục ăn thịt chó để “đổi vị” lấy may đầu Xuân.
Cứ vào mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm, người dân làng Yên Trường (xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) lại cùng nhau tổ chức tục ăn thịt chó để “đổi vị” lấy may đầu Xuân.

“Đổi món” lấy may đầu Xuân

Cụ Nguyễn Văn Thanh, một cao niên trong làng Yên Trường cho biết, người dân ở đây thường không kiêng kỵ món thịt chó đầu Xuân vì đây là tục lệ nhiều đời nay trong làng.

"Đây là lệ làng từ ngày xưa các cụ để lại. Từ người già cho đến người trẻ, từ làm ăn buôn bán đến làm nông nghiệp trong làng đều không kiêng khem gì cả. Cứ đến mùng 4 Tết là cả làng lại ăn thịt chó", cụ Thanh cho biết.

Nhiều cụ già trong làng Yên Trường cho rằng, những nơi khác có thể kiêng kỵ ăn thịt chó đầu Xuân vì cho rằng sẽ gặp nhiều xui xẻo nhưng người trong làng ngoài xóm ở đây từ xưa đến nay đều làm ăn rất thuận buồm, xuôi gió, kinh tế phát triển hơn hẳn so với mặt bằng chung các xã xung quanh.

Trong những ngày Tết, sau khi tảo mộ tổ tiên, con cháu trong các dòng họ tại làng Yên Trường lại kéo về nhà trưởng tộc để liên hoan cỗ thịt chó.
Trong những ngày Tết, sau khi tảo mộ tổ tiên, con cháu trong các dòng họ tại làng Yên Trường lại kéo về nhà trưởng tộc để liên hoan cỗ thịt chó. 

Cứ sáng mùng 4 Tết Nguyên đán, con cháu các trong dòng họ trong làng lại cùng nhau đi tảo mộ tổ tiên, ông bà xong là về thịt chó làm cỗ tại nhà trưởng họ và chúc nhau sức khỏe, làm ăn phát đạt, mua may bán đắt trong năm.

Chính vì tục lệ đặc biệt này mà các cửa hàng bán thịt chó trong xã Trường Yên thường rất "đắt hàng" đầu Xuân năm mới. Do nhu cầu của người dân làng tăng cao đột biến trong dịp này nên nhiều cửa hàng thậm chí "cháy hàng", không đủ thịt chó để bán. 

"Nhiều dòng họ trong làng đông con nhiều cháu phải chuẩn bị nuôi nhốt chó từ trước Tết Nguyên đán mới đủ để ra đầu năm làm cỗ. Còn các hàng thịt chó thì đắt khách đặt hàng lắm", cụ Nguyễn Thị Mai  (làng Yên Trường) nói.

Người dân nơi đây thường rất tự hào khi những người con của làng hiện đang sinh sống, làm việc nơi đâu nhưng mỗi dịp Tết về quê họ vẫn nói giọng quê và vẫn ăn thịt chó đầu Xuân như nhắc nhở quê hương, nguồn cội của mình.

Tập tục độc đáo

Theo lãnh đạo UBND xã Trường Yên, làng Yên Trường (xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) là một trong những vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời.

Giếng cổ hàng trăm năm tuổi tại làng Yên Trường trước đây là nơi người dân trong làng giấu thức ăn trước khi đi chạy giặc vào dịp giáp Tết Nguyên đán.
Giếng cổ hàng trăm năm tuổi tại làng Yên Trường trước đây là nơi người dân trong làng giấu thức ăn trước khi đi chạy giặc vào dịp giáp Tết Nguyên đán. 
Trong làng vẫn còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa truyền thống như đình, chùa cùng các hiện vật rất lâu đời. Đặc biệt, trong làng và xung quanh xã Trường Yên hiện vẫn còn rất nhiều chiếc giếng có độ tuổi hàng trăm năm và đây chính là nơi ghi dấu lịch sử về việc người dân phải bỏ làng để chạy giặc giã.

Nói về dấu tích này, các cụ già làng Yên Trường vẫn được cha ông kể lại như một cách giáo dục, nhắc nhở con cháu về lịch sử của vùng đất: Đó là vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19, Giặc Cờ Đen (hay còn gọi là Hắc Kỳ Quân) vốn là tàn quân của khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc bị triều đình phong kiến nhà Thanh bên Trung Quốc đàn áp đẫm máu và dập tắt nên nhiều toán quân phải dạt vào miền Bắc nước ta vào những năm 1860 để lánh nạn.

Một chiếc giếng cổ hàng trăm năm tuổi tại làng Yên Trường là nơi người dân trong làng giấu thức ăn trước khi đi chạy giặc vào dịp giáp Tết Nguyên Đán.

Ngoài tục ăn thịt chó đầu năm, người dân tại Trường Yên vẫn còn một tục lệ khá đặc biệt là tục ăn "Tết cùng" để tưởng nhớ tổ tiên từng phải chạy giặc trong dịp Tết.

Cụ Hoàng Thị Lan, một cao niên trong làng cho biết, khi Giặc Cờ Đen kéo đến làng Trường Yên và các vùng phụ cận của Hà Nội thì chỉ còn vài ngày nữa là đến dịp Tết Nguyên Đán. Dù lúc đó người dân trong làng đã chuẩn bị đồ ăn thức uống cũng như vật dụng để đón Tết đang đến gần nhưng do lo sợ trước sự lộng hành, tàn ác và cướp bóc, chém giết của đám quân ô hợp này, người dân Trường Yên đã quyết định kéo nhau đi lánh nạn.

Trước khi đi, dân làng mang theo tài sản, vật dụng, lương thực cần thiết đồng thời rủ nhau đem tất cả bánh chưng, giò chả,... đã chuẩn bị đón Tết gói ghém lại rồi cất giấu xuống ao hoặc vứt xuống giếng nhằm ngăn quân giặc không có lương thực để tiếp tế.

Lúc kéo quân đến nơi, Giặc Cờ Đen chỉ thấy một vùng vườn không nhà trống, hoàn toàn không có một bóng người, không có cả lương thực hoặc thứ gì có thể dùng được, đám giặc cướp điên cuồng đi lùng sục khắp nơi để tìm lương thực và cướp bóc nhưng đều thất vọng về tay không.

Sau vài tuần lưu lại, phần vì mệt mỏi, phần vì số lương thực đem theo đã hết nên đám Giặc Cờ Đen đã phải lục tục kéo đi nơi khác.

Quá mừng vì thoát khỏi nạn giặc cướp, khi trở về lại thấy những thứ chuẩn bị cỗ bàn cho ngày Tết kia vẫn còn nguyên nên dân làng đã quyết định tổ chức ăn Tết lại một lần nữa và đặt tên cho nó là "Tết cùng" hay "Tết lại" vì lúc đó đúng là ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch.

Hiện nay, người dân tại các thôn làng trong xã Trường Yên vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, kinh tế của người dân nơi đây khá phát triển với các làng nghề truyền thống góp phần giải quyết việc làm cho lao động trong xã mà còn giải quyết lao động cho vùng lân cận.

Ông Nguyễn Gia Dư - Chủ tịch UBND xã Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, tục ăn thịt chó đầu Xuân tại địa phương là một nét độc đáo đã có từ lâu đời. Nguồn gốc của tập tục này có thể là tâm lý muốn "đổi vị" do những trong ba ngày Tết ăn nhiều thịt gà, thịt lợn...

"Ngoài ăn thịt chó đầu Xuân, ăn "Tết cùng" vào ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch là phong tục truyền thống của dân làng. Đó cũng là nét văn hóa giúp con cháu biết ơn ông bà, tổ tiên có công giữ làng, giữ nước của người dân nơi đây", ông Nguyễn Gia Dư cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ