Miền quê bắc bộ nơi tôi sống không có trái gấc chín quanh năm như phương Nam đầy nắng. Gấc miền bắc chỉ có một vụ trong năm.
Cây ra hoa từ mùa hè sang mùa thu, đến mùa đông mới cho quả chín. Khi gấc bắt đầu chín đỏ thì Tết cũng cận kề. Bà tôi, người chăm sóc giàn gấc, nhìn những trái gấc lớn lên từng ngày, thường dặn phải chọn những trái có dáng tròn đều, gai nở, vỏ ngoài màu cam, mỡ màng để dành cho nấu nồi xôi gấc thắp hương tổ tiên chiều 30 Tết. Theo quan niệm của ông bà từ ngàn đời truyền lại, đĩa xôi gấc đỏ thắm sẽ mang theo một năm mới tràn đầy may mắn, hạnh phúc đủ đầy.
Gấc cũng nằm trong số ít các loại trái cây quý, có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin A. Ở các nước châu Mỹ, gấc còn được đặt cái tên rất hoa mỹ: loại quả đến từ thiên đường. Nhìn quả gấc gai góc, xù xì thế thôi, nhưng cả phần thịt gấc, hạt gấc đều có thể sử dụng để làm món ăn, bài thuốc chữa bệnh bổ dưỡng cho người già, trẻ nhỏ….
Các món ăn từ gấc không quá cầu kỳ, nhưng món nào cũng ánh lên sắc đỏ rạng rỡ, không thể thiếu được trong những ngày Tết. Không chỉ là món ăn chính đãi khách như mứt gấc, xôi gấc, bánh gấc…, gấc còn là một loại màu thực phẩm tự nhiên tuyệt vời để làm nên màu đỏ óng ánh của các loại nước sốt, làm nên màu đỏ cam bắt mắt của món mứt dừa thơm ngậy… Sắc đỏ của gấc luôn mang đến cảm giác đủ đầy, yên ấm, để lòng lại xốn xang mỗi mùa gấc mới, như đang rạo rực đón một mùa xuân mới, một cái Tết hạnh phúc vẹn tròn.
CÁCH LÀM CÁC MÓN ĂN TẾT TỪ GẤC
1. Mứt gấc
Nguyên liệu: 1-2 quả gấc chín. 500g đường và 1 quả chanh tươi.
Món mứt gấc
Thực hiện:
- Bổ đôi quả gấc, nạo hết ruột quả và hạt ra một chiếc nồi đế dày.
- Dùng mũi dao tách lấy lớp màng hạt gấc.
- Đong 200ml nước lạnh, vắt 1 thìa nước cốt chanh, đường, hòa tan, đổ vào nồi gấc đặt lên bếp đun nhỏ lửa đến khi phần thịt gấc sệt lại.
- Kiểm tra bằng cách nhỏ một giọt mứt vào bát nước lã thấy giọt mứt không tan thì tắt bếp, đợi mứt nguội. Cho mứt gấc vào lọ thủy tinh, ăn dần.
2. Xôi gấc
Nguyên liệu: 1 quả gấc chín, 500g gạo nếp loại ngon, 50g đường, 10g muối. Một chút nước cốt dừa, một chút rượu trắng, một chút dừa nạo, 2 thìa mỡ gà.
Xôi gấc đỏ lấy may ngày Tết
Thực hiện:
- Gạo nếp vo thật sạch, ngâm gạo nếp trong 6-8h để gạo nở, cho gạo nếp ra rổ, xả lại với nước cho thật sạch, để ráo.
- Gấc bổ đôi, dùng thìa múc hết phần hạt gấc, cho vào âu to, thêm muối hạt, rượu trắng vào, đánh tan thịt gấc cho đều và lên màu đỏ đẹp.
- Cho gạo nếp đã ngâm vào phần thịt gấc, trộn đều và kỹ để gạo nếp ngấm màu đỏ từ thịt gấc.
- Chuẩn bị sẵn nồi hấp, đun sôi nước, cho gạo nếp vào chõ, đặt lên bếp hấp trong khoảng 20 phút, thỉnh thoảng dùng đũa xới gạo lên cho xôi gấc chín đều.
- Khi xôi đã chín mềm và dẻo, cho đường vào và trộn đều. Đậy vung tiếp tục đồ xôi thêm 10 phút cho đường tan, ngấm hết vào từng hạt xôi.
- Cho mỡ gà vào xôi gấc, trộn đều và hấp xôi thêm 5-7 phút nữa cho hạt xôi ngấm dầu mỡ, căng mọng, bóng đẹp.
- Cho xôi gấc ra đĩa. Có thể dùng khuôn đóng để xôi đẹp hơn. Rắc dừa nạo lên trên mặt đĩa xôi cho đẹp mắt.
Nếu thích ăn xôi gấc ngọt, bạn có thể nấu thêm đậu xanh, cà nhuyễn, đóng ở giữa hai lớp xôi gấc để món ăn hấp dẫn hơn.
3. Bánh gấc:
Là một loại bánh truyền thống, có thể dùng để đãi khách đến chơi nhà trong dịp Tết.
Nguyên liệu: 150g bột nếp, 50g bột năng, 50 g thịt gấc, 200ml nước, 100g đậu xanh, 150g đường, dừa nạo, vừng trắng, giấy bóng kính hoặc màng bọc thực phẩm.
Món bánh gấc rất ngon nhưng ít nơi bán
Thực hiện:
- Bổ đôi quả gấc, lấy phần ruột đánh với chút rượu trắng rồi lọc qua rây để lọc lấy được phần thịt gấc mịn.
- Đậu xanh ngâm nở, đồ chín, đánh nhuyễn, cho 50 gr đường vào nồi đậu, sên nhỏ lửa đến khi đậu ráo thì tắt bếp.
- Đợi đậu nguội rồi chia thành những viên nhỏ làm nhân bánh.
- Quấy bột nếp, bột năng, nước lã, 100 gr đường với phần nước thịt gấc vừa lọc. Quấy tan bột, bật bếp lên đun nhỏ lửa, vừa đun vừa quấy thật nhanh tay, để tránh cho bột không bị vón cục và lổn nhổn.
- Quấy đến khi cảm thấy nặng tay và bột có độ trong nhất định, tắt bếp, để bột nguội hẳn mới gói để bánh không bị hấp hơi.
- Cắt 1 miếng nilon to cỡ bàn tay, trải ra đĩa, rắc vừng và dừa nạo xuống dưới, đặt miếng bột bánh lên trên rồi đến viên nhân đậu vào giữa miếng bột.
- Cầm các mép miếng nilon gói lại sao cho viên nhân được bọc kín, gói lại cho bánh vuông vức.
- Nếu muốn tạo hình, bạn có thể nặn thành từng viên tròn, tạo thêm cuống và lá màu xanh để bánh gấc trông giống một loại trái cây chín đỏ, đẹp mắt.
Lựa chọn và bảo quản trái gấc:
Trái gấc ngon được gọi là gấc nếp, có nhiều hạt, đỏ thẫm, thịt gấc ngọt và béo.Để chọn được gấc nếp, nên chọn trái có hình tròn, chắc tay, gai nở đều. Khi chín, vỏ gấc chuyển sang màu đỏ cam. Bổ ra mỗi trái thường có sáu múi, thịt gấc màu đỏ cam và hạt gấc màu nâu thẫm. Gấc già sẽ có cơm dày và béo.
Muốn dùng được lâu, có thể để trái gấc tươi ở nơi thoáng mát, khô ráo. Bạn cũng có thể bảo quản bằng cách trữ đông: Nạo sạch phần hạt gấc,dùng một chút rượu đánh đều cho thịt gấc tan và lên màu đỏ đẹp, sau đó chia thành các phần vừa ăn, đựng vào túi nylon và bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh. Rã đông tự nhiên trước khi sử dụng.