Độc đáo lễ cấp sắc
Người dân tộc Dao ở tỉnh Tuyên Quang chiếm số lượng khá đông, chỉ xếp sau dân tộc Tày với các ngành: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Gang (có nơi gọi là Lồ Gang), Dao Coóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài.
Theo quan niệm người Dao nếu người con trai chưa được cấp sắc thì dù sống tới già vẫn bị coi là chưa trưởng thành và không được tham gia vào các công việc hệ trọng của gia đình dòng họ. Nghi lễ cấp sắc được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ cấp sắc thường được diễn ra trong khoảng thời gian từ 2 - 3 ngày tùy mỗi ngành Dao. Để chuẩn bị cho lễ cấp sắc, gia đình người thụ lễ phải chuẩn bị khá công phu gồm gạo, thịt, rượu, quần áo, tranh thờ, nhạc cụ truyền thống… Việc tổ chức to hay nhỏ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.
Ngày làm lễ gia chủ phải chọn ngày lành, tháng tốt, chọn 1 số người có uy tín tham gia và đặc biệt là thầy cúng phải chọn thầy cao tay. Cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên là cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc thứ 2 là cấp 7 đèn và 72 binh mã và bậc cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Mỗi bậc đều có sự khác biệt, theo nghi lễ thể hiện những ý nghĩa lịch sử, văn hóa nhất định.
Trong ngày thứ nhất lễ cấp sắc được tổ chức ở ngoài trời, ngày thứ 2 người thụ lễ vào nhà để nghe thầy đọc sách cúng, bao gồm đọc lệnh cấp sắc, lúc này người thụ lễ đã trở thành con người mới cả về thể xác và tâm hồn. Sau đó, người thụ lễ được các thầy dạy múa các điệu múa chùm cheng (múa chuông), múa sa ma. Đến ngày cuối cùng, sẽ tiến hành lễ tạ ơn tổ tiên.
Quá trình tổ chức nghi lễ, lời răn dạy có tính giáo dục cao về những điều người cấp sắc được làm hay không được làm với con người, thiên nhiên và vạn vật, sự biết ơn tổ tiên, các vị thánh thần đã hỗ trợ, phù trợ cho người thực hiện nghi lễ và sau nghi lễ. Chính vì vậy, những người được cấp sắc phải sống có tình yêu thương sâu sắc, thấm nhuần những điều răn dạy, luôn làm những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, nâng cao tầm hiểu biết, uy thế của mình đối với cộng đồng dân tộc.
Lễ cấp sắc nét văn hóa độc đáo của đồng bào người Dao ở Tuyên Quang. |
Góp phần phát huy bản sắc dân tộc
Đối với người Dao lễ cấp sắc được xem là hồn cốt, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần, họ muốn truyền lại cho con cháu nếp nghĩ, nếp sống, hòa thuận yêu thương, hết lòng vì cộng đồng gìn giữ thiên nhiên và bản sắc văn hóa của dân tộc.
Anh Triệu Quang Hà, dân tộc Dao quần trắng xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết, 12 tuổi anh đã được gia đình làm lễ cấp sắc để có tên trong dòng họ và hòa nhập với cộng đồng. Qua lễ cấp sắc, gia đình cầu mong cho anh luôn khỏe mạnh, bình an.
Theo ông Dương Trung Quý, trưởng bản người Dao Quần Chẹt xã Thiện Kế huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Lễ cấp sắc gắn bó với cộng đồng người Dao từ lâu đời, là sản phẩm tinh thần quý báu cần được gìn giữ, tiếp nối và trao truyền cho các thế hệ con cháu sau này.
Hiện nay, lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao đã có nhiều sự thay đổi, cụ thể đã loại bỏ những yếu tố rườm rà, có tính chất mê tín, dị đoan. Tập trung lựa chọn những yếu tố, chi tiết có nhiều giá trị nhân văn, qua đó góp phần giáo dục , trao truyền những nét văn hóa độc đáo, phát huy lễ cấp sắc trong đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao.
Trong những năm gần đây, lễ cấp sắc của người Dao đã được các đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản, xã khai thác dàn dựng thành các tiết mục văn nghệ, góp một phần rất quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy và phát triển giá trị văn hóa phi vật thể nghi lễ cấp sắc. Đồng thời, ngành văn hóa tỉnh Tuyên Quang đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực như tổ chức các buổi ghi hình, ghi âm, viết sách và lập hồ sơ chi tiết về lễ cấp sắc để lưu giữ và bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người Dao tại địa phương.