Diễn ra ngày 15/4, giải thể thao khá đặc biệt này là một hoạt động ý nghĩa nhà trường hướng đến kỷ niệm 27 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1998 - 18/4/2025).
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây không chỉ là một hoạt động rèn luyện thể chất, mà còn là minh chứng rõ ràng cho tinh thần "vượt lên chính mình" của các học sinh khiếm thị - những vận động viên nhỏ tuổi nhưng giàu nghị lực, giàu ước mơ và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Giải đấu là dịp để các em được thi đấu, giao lưu, thể hiện bản thân, nâng cao sức khỏe và tăng cường sự tự tin trong học tập cũng như trong hành trình hòa nhập cộng đồng.
Để chuẩn bị cho giải đấu, theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng, nhà trường đã chuẩn bị bàn thi đấu, bóng và luật đấu riêng cho học sinh khiếm thị. Trong mỗi trái bóng có những viên bi sắt để phát ra tiếng kêu khi di chuyển, giúp học sinh khiếm thị định hướng đường đi của bóng.
“Thông qua thi đấu, học sinh được rèn thính giác (nghe bóng), xúc giác (tìm bóng, chặn bóng,...), định hướng (xác định và dùng vợt đánh bóng trúng gôn). Tất cả các kĩ năng này sẽ bổ trợ, giúp các em tham gia tốt hơn vào các hoạt động học tập, vui chơi”, bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ.
Năm đầu tiên tổ chức, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã phát động được 129 học sinh tham gia luyện tập; sau đó lựa chọn 26 em vào vòng chung kết.
“Các em rất hào hứng tham gia, luyện tập. Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa và nhà trường sẽ duy trì thường niên giải đấu này”, bà Trần Thị Phương Lan cho hay.
Từ năm 1982 đến năm 1988, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu là trường chuyên biệt dạy trẻ khiếm thị. Từ 1988 đến nay, trường thực hiện mô hình dạy hoà nhập trẻ khiếm thị và trẻ không khuyết tật.