Hành trình tâm huyết làm SGK chữ nổi cho học trò khiếm thị

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai luôn dành tâm huyết, thời gian để triển khai công tác làm sách giáo khoa chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai (bìa phải) - Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu được vinh danh "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 8 năm 2024".
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai (bìa phải) - Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu được vinh danh "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 8 năm 2024".

Dồn mọi tâm huyết cho trò

Bước sang năm thứ 29 gắn bó với ngành Giáo dục, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiều (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) luôn dành nhiều tâm huyết, tình yêu thương tới các thế hệ học trò. Trong hành trình đó, nữ nhà giáo đã có nhiều giải pháp để triển khai làm sách giáo khoa chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị tại trường.

Cô Tuyết Mai chia sẻ, từ năm học 2020 - 2021, do đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, việc in sách chữ nổi Braille không thể thực hiện do việc tài trợ giấy in chữ nổi của các tổ chức bị dừng lại, thiếu nguồn giấy in. Vì vậy, việc dạy và học cho các em học sinh khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với học trò nói chung, việc có đủ SGK để học là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, riêng đối với khối học sinh khiếm thị của trường, do chưa có đơn vị cung cấp sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị nên nhà trường và học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018 cho đối tượng học sinh khuyết tật.

c4.jpg
Quá trình làm SGK chữ nổi Braille cho học sinh khuyết tật.

Đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Các giải pháp triển khai công tác làm SGK chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu” được thực hiện đổi mới, đột phá, quyết liệt ngay từ khi chuẩn bị bước vào năm học 2022 - 2023 nhằm phát huy tốt chính sách của Đảng, Chính phủ và Thông tư 03/2018 của Bộ GD&ĐT về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật.

Theo cô Mai, trên cơ sở tính phù hợp, cách làm của Trường Nguyễn Đình Chiểu có thể là mô hình sáng tạo để các cơ sở giáo dục hòa nhập, chuyên biệt khác áp dụng thực hiện tại trường học của mình. Trường đã thực hiện chia sẻ SGK, chế bản các bộ sách Cánh Diều của nhà trường đã và đang cho các cơ sở dạy học sinh khiếm thị trên cả nước để mong tất cả các em được học tập tốt hơn.

Để làm SGK chữ nổi phù hợp thực tiễn của nhà trường, cô Mai đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi làm SGK chữ nổi Braille; kết hợp với các tổ chức, cá nhân tìm nguồn kinh phí xã hội hóa cho công tác làm SGK chữ nổi cho HS khuyết tật; triển khai và phân công nhiệm vụ cụ thể từng bộ phận tham gia công tác làm sách; thực hiện quy trình chuyển đổi sách chữ nổi.

c5.jpg
Có sách chữ nổi sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc học tập của học sinh khiếm thị.

Hiện tại, hơn 2.000 cuốn SGK chữ nổi Braille dành cho trẻ khiếm thị đã được in và sử dụng trong Trường Nguyễn Đình Chiểu. Cô Mai phải lựa chọn SGK chuyển đổi; nghiên cứu SGK, phân loại những nội dung không phù hợp với con đường tiếp nhận thông tin bằng thị giác, biên tập điều chỉnh thông tin trên cho phù hợp với con đường tiếp nhận thông tin bằng thính giác và xúc giác.

Thực hiện chế bản SGK gồm các bước: Đánh chữ bản word, chuyển sang chữ nổi, dàn trang, hiệu chỉnh, chế bản kênh chữ, chế bản kênh hình, biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng SGK chữ nổi. Thành lập Hội đồng Thẩm định sách chữ nổi; điều chỉnh, sửa chữa sau thẩm định; in và làm sách chữ nổi bản mẫu, sau đó chỉnh sửa bản mẫu rồi mới in sách.

Minh Tú - cựu học sinh lớp 9 Trường Nguyễn Đình Chiểu tâm sự: "Cảm giác lật giở từng trang sách vẫn in dấu trong tâm thức em. Khi có sách em học các môn tự nhiên như Toán, KHTN rất dễ; nếu không có sách bộ môn Toán hình rất khó tưởng tượng. Những năm Tiểu học, em được học bản đồ, được sờ tay vào các hình nổi để tưởng tượng ra các trận đánh".

Không ngừng đổi mới

c6.jpg
Học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu trong một giờ học trên lớp.

Không chỉ làm SGK chữ nổi, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai còn tập trung cải thiện chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh khuyết tật; tổ chức công tác dạy nghề, dạy nghệ thuật cho học sinh khiếm thị; nâng cao chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; nâng cao chất lượng thi HSG/GVG các cấp; chú trọng công tác xã hội hóa giáo dục; ứng dụng CNTT và triển khai lớp học thông minh; xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Cô Mai chia sẻ: Muốn nhà trường phát triển, chất lượng giáo dục phải được đặt lên hàng đầu. Muốn có chất lượng giáo dục, phải đảm bảo nền nếp giảng dạy và kỷ luật trong CBGVNV và học sinh. Tôi luôn chú trọng tới công tác chuyên môn của từng bộ phận. Đồng thời chỉ đạo, tổ chức các thầy cô tích cực tham gia Hội thi GVG cấp quận, các cuộc thi của Sở GD&ĐT Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức".

Kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của nhà trường đã có nhiều khởi sắc so với những năm học trước. Tỉ lệ đỗ trường chuyên tăng, tỉ lệ đỗ nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 vào THPT công lập tăng. Nhiều em đỗ vào các trường THPT tốp đầu thành phố, một số học sinh đạt điểm cao 9, 10 bộ môn Tiếng Anh, Toán, Ngữ văn.

c7.jpg
Kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 của học sinh nhà trường có nhiều khởi sắc.

Để có được chất lượng giáo dục mũi nhọn đó, nhà trường đã phân công đội ngũ giáo viên cốt cán chủ động tạo nguồn HSG giúp sớm phát hiện những em có tố chất, tài năng, có phương pháp học tập tích cực và ý chí phấn đấu để có kế hoạch bồi dưỡng. Lựa chọn phân công ngay từ đầu năm học các giáo viên có kiến thức chuyên sâu, phương pháp truyền đạt khoa học, tâm huyết với công việc, yêu thương học trò.

Sau mỗi kỳ thi, nhà trường và Ban phụ huynh tổ chức lễ tuyên dương và khen thưởng các em học sinh đạt giải một cách trang trọng. Cuối mỗi năm học, trong các đợt tổng kết nhà trường tham mưu với Ban đại diện CMHS các lớp tuyên dương và có những phần thưởng ý nghĩa để làm nguồn động viên kịp thời cho các em và tạo động lực để các em tiếp tục phấn đấu...

c8.jpg
Trao Chứng chỉ đào tạo nghề sơ cấp cho các học viên khiếm thị.

Việc có SGK chữ nổi đã giúp cho việc học tập trở nên thuận lợi hơn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh khuyết tật. Tỷ lệ học sinh đạt loại khá giỏi tăng cao. Nhiều em học sinh khuyết tật gia đình không có điều kiện, hoàn cảnh vô cùng khó khăn nên việc được cung cấp, mượn SGK sẽ tháo gỡ những áp lực, khó khăn của PHHS khối khiếm thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ