Dành cho học sinh lớp 8
Với đề tài “Xây dựng bản đồ nổi trong môn lịch sử và địa lý lớp 8 dành cho học sinh khiếm thị”, Lê Thế Trung cùng Trương Nhân Minh (sinh viên năm 3, Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm TPHCM) đã đoạt giải Nhất Giải thưởng sinh viên Nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 26 năm 2024 ở lĩnh vực khoa học giáo dục.
Theo nhóm nghiên cứu, bản đồ nổi là phương tiện học tập đặc biệt dành cho học sinh khiếm thị (HSKT) với thiết kế hình ảnh và thông tin dưới dạng nổi, giúp người học cảm nhận thông qua xúc giác kết hợp cùng chữ Braille.
Các yếu tố địa lí và không gian trên bản đồ được đơn giản hóa, phù hợp với đặc điểm học tập của HSKT. Điều này giúp HSKT dễ dàng định hướng và tiếp nhận thông tin hiệu quả.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục hòa nhập là nguyên tắc cốt lõi, với mục tiêu tạo cơ hội cho học sinh khuyết tật (gồm HSKT) tham gia học tập và phát triển toàn diện.
Đặc biệt, quá trình giảng dạy cần có sự hỗ trợ các phương tiện học tập phù hợp, như bản đồ nổi. Tuy nhiên, việc áp dụng bản đồ nổi tại các trường phổ thông hiện nay còn nhiều khó khăn do thiếu tài liệu hướng dẫn và hỗ trợ.
Trước tình trạng đó, nhóm đã đề xuất quy trình thiết kế bản đồ nổi, bằng phương pháp chọn lọc có hệ thống, đơn giản hóa và tập trung vào nội dung cốt lõi, công nghệ in tạo hình chân không… Đồng thời, nhóm đã xây dựng một series 10 bản đồ nổi cho môn Lịch sử và Địa lý lớp 8.
Khi tìm hiểu đề tài, Thế Trung cùng Nhân Minh đã khảo sát các đề tài tương tự của người đi trước. Mất ba tháng để cả hai tìm hiểu, nghiên cứu và tham khảo từ giảng viên hướng dẫn. Nhưng công đoạn cực nhất vẫn là khoảng thời gian cả hai đi tìm vật liệu để làm nên các thành phần của bản đồ.
Để đảm bảo được độ xúc giác khi các em khiếm thị sờ vào và nhận biết, nhóm nghiên cứu cần tìm những chất liệu khác nhau để làm các thành phần của bản đồ. Nhưng những loại giấy xúc giác trên thị trường Việt Nam vẫn chưa đa dạng, nên nhóm phải tự sử dụng những chất liệu khác: ren, lưới gói hoa, cườm...
Sau khi cho giáo viên và HSKT thử nghiệm, bản đồ nổi được đánh giá cao về tính khả thi, hình thức, nội dung và mức độ hứng thú trong giảng dạy. Dù có một số hạn chế, như vấn đề chuyển ngữ và thời gian làm quen nhưng quy trình thiết kế đã nhận được sự đồng thuận từ giáo viên về tính khoa học, hiệu quả.
Từ đó cho thấy vai trò quan trọng của bản đồ nổi trong việc phát triển năng lực, phẩm chất của HSKT. Đồng thời khẳng định bản đồ nổi là phương tiện cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng học tập và thực hiện hóa mục tiêu giáo dục hòa nhập hiệu quả tại các trường phổ thông.
Từ sự hỗ trợ trang thiết bị của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, từ máy móc đến giấy in. In ra thành sản phẩm, các bạn phải kiểm định lại tính chính xác của bản đồ và công đoạn dò lỗi được chính các em khiếm thị hỗ trợ.
Mất đi ánh sáng không đáng sợ…
Bản đồ là phương tiện dạy học không thể thiếu đối với bộ môn Địa lý và Lịch sử. Qua bản đồ học sinh có thể nhìn một cách bao quát những khu vực, lãnh thổ rộng lớn, những vùng đất xa xôi trên bề mặt Trái đất mà các em chưa một lần đặt chân tới.
Về mặt kiến thức, bản đồ có khả năng phản ánh sự phân bố và mối quan hệ của các đối tượng địa lý một cách cụ thể mà không có một phương tiện nào có thể làm được. Mỗi loại bản đồ có một chức năng riêng.
Vì vậy trong dạy học Địa lí và Lịch sử giáo viên phải biết sử dụng phối hợp các loại bản đồ với nhau để tận dụng tối đa chức năng, ưu thế của từng loại bản đồ. Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh thường xuyên được tiếp xúc, biết cách tìm kiếm thông tin từ bản đồ riêng lẻ hoặc đối chiếu, so sánh, phối hợp với nhau trên cơ sở đó nắm vững tri thức, phát triển tư duy và kỹ năng sử dụng.
Xuyên suốt hành trình này, nhóm nghiên cứu mong muốn chia sẻ câu chuyện của các em khiếm thị đến mọi người bởi theo Thế Trung: “Mất đi ánh sáng không đáng sợ bằng mất đi ánh sáng giáo dục”.
TS Hoàng Thị Nga, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, giảng viên hướng dẫn nhóm đánh giá, từ một ý tưởng nhỏ ban đầu cùng với khát khao giúp cho các bạn học sinh khiếm thị có thêm cơ hội tiếp cận kiến thức Lịch sử và Địa lý một cách trực quan và sinh động hơn.
Các em đã vượt qua một chặng đường dài đầy chông gai và thử thách để đưa ý tưởng của mình cập đến bến bờ khi nghiên cứu thành công đề tài “Xây dựng bản đồ nổi trong môn Lịch sử và Địa lí lớp 8 dành cho học sinh khiếm thị”.
Bởi lẽ, nghiên cứu khoa học không chỉ là đam mê mà còn là sự kiên trì, quyết tâm vượt qua sự áp lực về mặt thời gian để đạt được mục tiêu cao cả của mình.
“Thành công không chỉ là đích đến mà là cả một hành trình dài, chính vì vậy quá trình phấn đấu chính là điều đáng quý nhất. Thành công của hai bạn đã trở thành nguồn cảm hứng cho các bạn sinh viên tiếp tục đặt chân đến vùng đất mới và tỏa sáng trên hành trình nghiên cứu khoa học”, TS Hoàng Thị Nga nói.