Đặc biệt từ ngày 11/3/2022 giá mỗi lít xăng, dầu tăng từ 2.520 – 2.950 đồng một lít khiến nhiều doanh nghiệp vận tải điêu đứng.
Thành phố Hải Phòng có trên 10.000 doanh nghiệp vận tải, là trung tâm logistic lớn nhất miền Bắc. Mỗi ngày có hàng vạn lượt xe từ cảng Hải Phòng chuyên chở hàng hóa đi khắp nơi trên cả nước.
Xăng dầu hiện chiếm 35 - 40% chi phí của doanh nghiệp tùy theo phương tiện cũ mới. Giá nhiên liệu tăng nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp đồng thời làm cho thị trường vận tải có nhiều biến động. Tác động lớn đến sự phát triển ngành vận tải đường bộ, đường biển.
Khách hàng của ngành vận tải logistic tại Hải Phòng đặc trưng là kí theo năm, có số ít đơn hàng lẻ theo chuyến hoặc theo ngày. Trong thời gian ngắn xăng dầu tăng cao, tăng liên tục khiến doanh nghiệp càng nhiều hợp đồng càng lo lắng.
Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải Trường Xuân có trụ sở tại phường Đông Hải 1, quận Hải An, thành phố Hải Phòng cho biết: Xăng dầu là xương sống của ngành vận tải nên khi giá xăng, dầu tăng doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều, cụ thể là giá cước vận tải. Khi xăng tăng doanh nghiệp chưa kịp tăng giá cước vì tăng giá vận tải phải có lộ trình.
Nếu một chuyến hàng đi cần 100 lít dầu thì các loại chi phí cộng dồn sẽ tăng thêm khoảng 500 nghìn vì chi phí phát sinh cho lái xe như ăn uống, ngủ nghỉ, lưu bãi… tăng theo do các mặt hàng khác cũng đồng loạt lên giá.
Giá xăng dầu tăng nhanh hơn lộ trình tăng giá của doanh nghiệp vì thế doanh nghiệp chưa thể xoay xở kịp. Các hợp đồng đã kí trước đó được xây dựng trên khung giá khi nhiên liệu thấp. Vì vậy hiện nay hoạt động của doanh nghiệp không hiệu quả, không có lợi nhuận.
Các doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng ngoài chịu tác động trực tiếp từ xăng dầu còn bị tác động gián tiếp bởi chi phí vận tải đường biển như chí phí nâng hàng, lưu vỏ, lưu hàng, bãi vỏ, vật tư phụ tùng. Trước áp đó nhiều công ty “xin cứu trợ” từ các chủ hàng như hỗ trợ thêm giá cước nhưng phần lớn không được đáp ứng.
Theo ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng: Những đợt xăng dầu tăng thấp doanh nghiệp không tăng giá và cũng không đề xuất với khách hàng hỗ trợ giá. Đợt này giá xăng tăng cao nhất từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp chủ động đề xuất, đàm phán với các chủ hàng đã kí hợp đồng để họ có thể hỗ trợ một phần nào đó về giá cước. Tuy nhiên, họ trả lời các sản phẩm bán ra chưa kịp điều chỉnh nên họ phải xem xét. Nếu họ không hỗ trợ thì các doanh nghiệp vận tải cũng phải chấp nhận.
Tại Quảng Ninh, nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ và đường thủy đã có thông báo tăng giá cước vận tải từ ngày 14/3 với mức tăng khoảng 10 - 25% so với mức giá cũ. Tuy nhiên, nhiều công ty chưa được đối tác chấp thuận tăng giá cước thì đang loay hoay bài toán chạy xe hay tạm nghỉ.
Ông Phạm Hoài Bắc, Công ty CP Đầu tư xây dựng vận tải BSB trụ sở tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh: “Xăng dầu lên cao khiến công ty vừa hoạt động vừa đợi chờ. Nhiều dự án hợp của công ty dự định làm sẽ tạm gác lại, chỉ ưu tiên hoàn thiện các hợp đồng đã kí bởi càng chạy xe càng lỗ.
Nếu theo hợp đồng trước công ty đã kí trong tuyến đường từ phường Bãi Cháy đi Việt Hưng, Hà Khẩu thì nay lỗ mỗi chuyến khoảng 70.000 đồng. Mỗi quả lốp cho xe trước có giá 7,5 – 7,8 triệu đồng thì nay được xưởng báo giá sẽ lên 10 - 12%. Để duy trì hoạt động, công ty sẽ phải xây dựng lại khung giá với những đơn hàng mới”.
Giá dầu tăng cao đột biến trong khi giá cước vẫn giữ theo khung giá cũ gây áp lực đến các doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, tăng giá cước khi bắt đầu hợp đồng vận chuyển hàng hóa sẽ được các doanh nghiệp áp dụng nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Sỹ Hải, công ty chuyên về bến bãi, vận tải hàng hóa đường bộ tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh ngán ngẩm: Hiện tại, công ty đã cho 9 lái xe tạm thời nghỉ việc, gần 1 tháng nay công ty hoạt động cầm chừng, doanh nghiệp ngộp thở vì giá dầu tăng, có đợt dầu tăng đột biến theo tuần.
Giá cước vận tải phụ thuộc giá dầu nên công ty phải trình sang phía đối tác để hỗ trợ thêm giá cước, nhưng trình lên trình xuống mấy lần chưa có kết quả thì bắt buộc phải cho lái xe nghỉ việc để chờ đợi”.
Thương lượng với chủ hàng, đối tác về giá cước không được đáp ứng, một số doanh nghiệp có vốn nhỏ khó đứng vững trước áp lực tăng giá. Trước sự sống còn của doanh nghiệp, nhiều xe chạy quá trọng tải gấp rất nhiều lần. Theo họ đó là điều bất đắc dĩ để tồn tại.