Dù đã tìm mọi cách nhưng nhiều doanh nghiệp phục vụ các mặt hàng Tết không dám nhận thêm đơn vì thiếu lao động.
Quay cuồng tìm kiếm lao động thời vụ
Dịch Covid-19 tạm được kiểm soát và TPHCM đã trở lại với trạng thái bình thường mới. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng và đẩy mạnh phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, dù đưa ra nhiều chính sách thu hút người lao động nhưng không ít đơn vị vẫn phải bỏ trống dây chuyền sản xuất bởi thiếu nhân lực.
Ông Trần Thái Long - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Long Minh, TP Thủ Đức - cho biết: Trước dịch, quy mô lao động sản xuất trong các dây chuyền của đơn vị là trên dưới 700 người. Tuy vậy, khi TPHCM rơi vào đỉnh dịch số lao động nghỉ, bỏ về quê đến hơn 60% tổng lực lượng lao động.
“Nhà máy ngưng trệ, các đơn hàng đóng băng. Đến khi mở cửa trở lại và phục hồi sản xuất thì dây chuyền vẫn bỏ trống vì không tuyển ra người. Hiện, năng suất sản xuất của công ty mới chỉ đạt 80% công suất vì chưa thể tuyển đủ lao động.
Số lao động về quê quay trở lại TP làm việc chỉ đạt khoảng 40%. Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, gia tăng chi phí lương nhưng nói thật giờ không ra, kể cả lao động thời vụ” - ông Long nói.
Ông Trương Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty APT - cho biết: “Mọi năm vào thời điểm này, TP sẽ đón một lượng lớn lao động thời vụ ở các tỉnh lên làm hàng Tết. Năm nay, việc tuyển dụng lao động khó khăn vô cùng.
Chúng tôi đã quyết định gia tăng chính sách lương và liên hệ các trung tâm dịch vụ việc làm hỗ trợ tuyển dụng nhưng vẫn không tuyển ra người. Áp lực về chi phí, nguyên liệu đầu vào khó thế nào cũng có thể xoay xở nhưng thiếu nhân công thật sự khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn” - ông Dũng chia sẻ.
Công ty Cổ phần Sài Gòn Food đang phải tính toán lại kế hoạch sản xuất đã xây dựng cho quý cuối năm khi lực lượng lao động sản xuất đang bị thiếu hụt khoảng 20%. Theo kế hoạch, đơn hàng Tết của công ty sẽ vào khoảng 3.000 tấn, tăng 2% so với mùa Tết năm ngoái. Tuy nhiên, hiện việc thiếu lao động đang khiến đơn vị tính toán lại.
Người quản lý dây chuyền sản xuất của Sài Gòn Food cho biết, khoảng 20% công nhân về quê tránh dịch. Chỉ một nửa trong số này thông báo quay lại làm việc sau Tết. Dự báo tình hình sau Tết không khả quan hơn là mấy khi người lao động vẫn còn tâm lý bất an.
Nhà máy có nhiều chính sách phúc lợi để động viên, như thưởng Tết 2 tháng lương (khoảng 15 triệu đồng), ngoài ra còn chế độ thâm niên, trả tiền phép năm, tổ chức xe đưa đón về quê ăn Tết nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn…
Tháo khó bằng cách nào?
Việc thiếu hụt nguồn lao động đã được dự báo từ trước khi hàng trăm nghìn người bỏ phố về quê. Dù nhận thức được nhưng vẫn rất nhiều doanh nghiệp đứt gãy sản xuất vì thiếu lao động.
Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết: Từ cuối tháng 11 đến cận Tết, các doanh nghiệp cần tuyển 33.000 - 42.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông để hoàn thành đơn hàng thời vụ.
Trong đó, 70% nhu cầu tuyển lao động phổ thông liên quan các ngành may mặc, giày da, cơ điện - điện tử, chế biến và các ngành thương mại, dịch vụ khác với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 7 - 15 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Trưởng phòng Dịch vụ việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM) thì tuyển dụng không dễ. Việc đứt nguồn tuyển lao động thời vụ và lao động sản xuất thường xuyên hiện nay là nguyên nhân khiến nhiều công ty, doanh nghiệp không thể nhận, trả đơn hàng đúng hẹn.
Trung tâm của bà Thảo phối hợp các tỉnh để giới thiệu việc làm cho người lao động nhưng số lượng quay lại thành phố khá thấp. Một trong những chương trình tiêu biểu trung tâm triển khai là “combo 3 trong 1” hỗ trợ việc làm, test Covid-19 miễn phí và nhà trọ 0 đồng, kết hợp các địa phương, doanh nghiệp đưa đón tận nơi nhưng lao động vẫn không mặn mà.
“Các năm trước lực lượng sinh viên tham gia làm hàng Tết rất lớn. Năm nay, các trường đại học dạy trực tuyến, sinh viên về quê là lý do khiến nguồn cung lao động thời vụ thiếu hụt. Chưa kể, một lượng lớn lực lượng lao động tự do, lao động phổ thông các tỉnh buộc phải “tháo chạy” khỏi TP khi chịu trận suốt nhiều tháng trời vì dịch bùng phát.
Việc ảnh hưởng của dịch tới nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp là không thể chối bỏ, nhưng để khắc phục và tháo gỡ cho các đơn vị là không hề dễ dàng vì không có nguồn để tuyển” - bà Thảo nói.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động và đứt gãy sản xuất trong bối cảnh chung không thể khác, lãnh đạo Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Long Minh, TP Thủ Đức đã phải tính toán phương án sản xuất, giảm bớt các khâu không cần thiết. Đơn cử, nhà máy và các dây chuyền sản xuất của đơn vị dừng làm các mặt hàng không thiết yếu, được dự đoán sức mua giảm dịp Tết, để tập trung cho đơn hàng xuất khẩu.
“Ngoài việc tinh giản lại việc sản xuất các mặt hàng không chủ lực, chúng tôi còn tiến hành thương lượng tăng ca với người lao động, đồng thời gia tăng chính sách thưởng cho người lao động.
Tuy nhiên, các giải pháp trên chỉ là trước mắt, về lâu dài (sau Tết) mục tiêu trọng yếu mà chúng tôi hướng đến tập trung chuyển đổi công nghệ, đầu tư máy móc tự động để giảm sự phụ thuộc vào nhân công” - ông Trần Thái Long - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Long Minh nói.