Lao động nhập cư ồ ạt về quê, sản xuất tê liệt
Báo cáo tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH mới đây cho biết, ảnh hưởng của dịch đến thị trường lao động các tỉnh phía Nam là vô cùng to lớn.
Theo Cục Việc làm, lao động di cư là lực lượng có đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chiếm khoảng 36% lực lượng lao động cả nước (20 triệu người). Tuy nhiên, khi làn sóng dịch Covid-19 bùng nổ mạnh mẽ thì vùng kinh tế trọng điểm của cả nước đã đối mặt với làn sóng “tháo chạy” của hàng trăm nghìn lao động ngoại tỉnh.
Báo cáo của 19 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cho thấy tính đến ngày 13/8, có gần 2,5 triệu lao động trong các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc. Trong đó, tại TPHCM (thị trường có 4,8 triệu lao động) số lao động chịu tác động bởi dịch Covid-19 tạm ngừng việc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP hơn 381.420 người.
Thống kê số lượng lao động tự do về quê tránh dịch của 3 tỉnh miền Trung gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cho thấy có đến gần 100.000 người từ các vùng dịch trở về. Nhiều nhất là Nghệ An với hơn 70.000 lao động trở về.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) - nhìn nhận: Suốt nhiều năm qua, các tỉnh phía Nam chưa bao giờ xảy ra biến động lớn về di cư và lao động như hiện nay. Theo PGS.TS Quốc Bảo, sự dịch chuyển này là hoàn toàn bất ngờ, cả người lao động và DN đều không có sự chuẩn bị trước.
“Việc di chuyển lao động là tín hiệu cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt trong các DN gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…
Bởi thực tế, những lao động “tháo chạy” khỏi TP chủ yếu là lao động không có kỹ năng cao, thu nhập thấp nên họ sẽ rút ra bài học nếu tiếp tục bám trụ ở TP và các khu công nghiệp để tiếp tục làm những công việc như vậy sẽ rất bấp bênh. Do đó, họ rất dễ nghỉ việc để tìm sinh kế mới ngay tại quê khi trở về. Đây sẽ là thách thức lớn với các DN sau dịch.
“Tôi có rất nhiều bạn bè là doanh nhân. Có những người đã tích luỹ tài chính trong quá trình kinh doanh trước đây và giờ đang tính “nghỉ hưu sớm”. Họ nghỉ không chỉ vì sức chịu đựng đã tới hạn khi bị thử thách qua nhiều đợt bùng phát dịch, mà quan trọng là chặng đường phía trước không thể tiên liệu được” - PGS.TS Quốc Bảo chia sẻ.
Hiện nay, đối mặt với thách thức “đứt gãy” chuỗi sản xuất sau dịch lớn nhất là các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử. Trong đó, ngành dệt may đối diện nhiều khó khăn nhất.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, cho biết, hiện các DN ngành dệt may đang phải đương đầu với hai thách thức lớn là đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do công nhân bỏ việc về quê quá lớn.
“Hiện, số công nhân làm trong ngành dệt may tại các tỉnh phía Nam trở về quê tránh dịch rất nhiều do nhà máy ngừng sản xuất hoặc chuyển sang sản xuất cầm chừng. Ngành dệt may dự kiến chỉ có khoảng 60 - 65% lao động quay lại, đồng nghĩa với việc chỉ có thể khôi phục được khoảng 50% năng suất lao động.
Đây là thực tế mà các DN cần lường trước để có kế hoạch cụ thể. Bởi người lao động khi đã trở về các địa phương rất khó để thu hút họ trở lại làm việc, vì chưa thể bảo đảm dịch Covid-19 sẽ không tái bùng phát” - ông Giang chia sẻ.
Chủ động xây dựng chính sách giữ chân người lao động
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu việc di dân của công nhân khỏi TP để tránh dịch chỉ là hiện tượng nhất thời và nhanh chóng được khắc phục thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, các DN cần phải chủ động lên phương án dự phòng, chống sốc cho chuỗi sản xuất nếu số lao động trên về quê không trở lại.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Phó Giám đốc Thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nhìn nhận với đặc thù của nguồn nhân lực là lao động phổ thông, việc ở quê tránh dịch rồi ở lại tìm kiếm công việc mới rất dễ xảy ra.
Bởi với công nhân chỉ cần nơi nào họ xin được việc làm với mức thu nhập chấp nhận được thì họ làm. Khi đó việc đứt gãy chuỗi cung ứng lao động với các tỉnh phía Nam là khó tránh khỏi nếu không có sự chuẩn bị.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính (Trường ĐH Kinh tế TPHCM), nhìn nhận những khó khăn trước mắt cần phải được DN chủ động ứng phó. Bởi theo ông, tuyển dụng một lao động không giống như mua một cái máy cứ cắm điện vào là vận hành.
“DN sau tuyển dụng lao động sẽ phải bỏ tiền ra đào tạo tay nghề, rồi phải trải qua đủ thời gian cho người lao động làm quen với văn hóa công ty mới có thể làm việc với năng suất tốt nhất.
Vì vậy, giải pháp chăm lo, giữ chân người lao động là duy nhất. Điều này muốn làm tốt thì cần phải có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương” - PGS.TS Quốc Bảo chia sẻ.
Trước áp lực thiếu lao động nghiêm trọng, nhiều DN một mặt làm công tác tư tưởng, mặt khác tung ra nhiều giải pháp về tài chính, chế độ nhằm động viên, bảo vệ và giữ chân người lao động.
Ông Trần Ngọc Phương - Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Bình Phương, TP Thủ Đức, cho biết để ổn định lực lượng lao động, 2 tháng qua công ty đã thuê hẳn 2 khách sạn gần kho sản xuất ở Quận 2 để làm nơi cách ly cho khối sản xuất.
“Từ đầu tháng 6 đến nay, chúng tôi đã vận hành nhà máy theo chế độ thay ca luân phiên khi 1 kíp làm việc thì 1 kíp nghỉ ngơi và thực hiện cách ly ngay tại nhà máy trong thời gian chờ đổi ca.
Sau khi hết ca nhân viên không về nhà mà sẽ được xe đưa đón về lại khách sạn nghỉ ngơi để giảm rủi ro lây nhiễm ở bên ngoài. Việc chăm lo cho người lao động ngoài việc giúp họ yên tâm sản xuất, còn gián tiếp giúp họ cân bằng trạng thái tâm lý, tư tưởng, sức khỏe sau những ngày làm việc xa nhà, xa vợ con” - ông Phương cho biết.
Là địa phương bùng phát mạnh dịch Covid-19, UBND TPHCM ngay từ tháng 7 đã xác định việc triển khai nhanh các gói hỗ trợ an sinh xã hội để người lao động yên tâm ở lại là yếu tố sống còn duy trì lực lượng sản xuất cho các DN.
Vì vậy, đến nay TP đã giải ngân xong 2 gói hỗ trợ khẩn cấp của địa phương (2 đợt) cho các trường hợp lao động tự do, lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, người có hoàn cảnh khó khăn… với tổng mức hỗ trợ hơn 2.000 tỉ đồng (bình quân mỗi người được hỗ trợ từ 1,5 - 3 triệu đồng).
Tương tự, tỉnh Bình Dương đến nay đã có 162.296 hồ sơ được chi hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, DN khó khăn do Covid-19 với số tiền hơn 194 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chi hơn 12,8 tỉ đồng để hỗ trợ 42.718 người lao động thuê nhà trọ, mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/người; những trường hợp khó khăn khác được hỗ trợ lương thực, thực phẩm tương ứng 500.000 đồng/người…