Doanh nghiệp lớn phải sẵn sàng gánh vác sứ mệnh

GD&TĐ - Đã đến lúc, các doanh nghiệp lớn phải sẵn sàng gánh vác vai trò, sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt của mình...

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này đã diễn ra Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tư nhân lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy vai trò tiên phong, chủ động tham gia đầu tư các dự án lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động; chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đã xuất hiện lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Nhìn nhận một cách tổng thể có thể thấy, các doanh nghiệp tư nhân nói chung, doanh nghiệp tư nhân lớn nói riêng đã có bước phát triển đáng kể nhưng so với tiềm năng, dư địa và không gian phát triển, những kết quả này vẫn còn “khiêm tốn”. Đó là đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn đã xuất hiện nhưng lực lượng này chưa thực sự dẫn dắt được nền kinh tế như kỳ vọng.

Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn… còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh. Quy mô doanh nghiệp phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh.

Thực tế, phát triển kinh tế tư nhân luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên đối với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Coi khu vực kinh tế tư nhân là một phương thức quan trọng để giải phóng sức lao động, sản xuất, để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.

Bởi vậy, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt cũng như làm chủ chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho các doanh nghiệp khác.

Đặc biệt, như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các doanh nghiệp cần phát huy 6 tiên phong là tiên phong thúc đẩy, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tiên phong tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và quốc gia. Tiên phong tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tiên phong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh.

Tiên phong góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản trị thông minh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước.

Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành. Nhiều rào cản, vướng mắc, khó khăn đã và đang được các cơ quan chức năng nỗ lực tháo gỡ. Nên với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm, đã đến lúc, các doanh nghiệp lớn phải sẵn sàng gánh vác vai trò, sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.