Chi phí thuê khách sạn lưu trú lớn
Việc bảo đảm không bị đứt gãy chuỗi sản xuất và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ quan trọng tại TP Hồ Chí Minh ở thời điểm này. Theo quy định của UBND TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp được phép hoạt động khi bảo đảm thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ.
Theo đó là phương án “3 tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Hoặc doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 điểm đến”. Đó là chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân. Có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân.
Công ty TNHH Nidec Việt Nam Corpotation (Khu công nghệ cao, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) có hơn 6 nghìn lao động. Hiện, công ty đang thực hiện cả phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 điểm đến” để đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất. Vì vậy, số người lao động giảm còn 2 nghìn người.
Đại diện Công ty Nidec Việt Nam cho biết, số lượng công nhân giảm còn 1/3. Trong đó bố trí 500 người thực hiện “3 tại chỗ” và số lao động còn lại thực hiện “1 cung đường – 2 địa điểm”. Chi phí thuê khách sạn lưu trú cho công nhân rất lớn, ước tính lên đến 40 tỷ đồng/tháng, tiền ăn 35.000 đồng/bữa/công nhân.
Đối với người lao động ở tại công ty, yêu cầu sau khi hết ca phải ở phòng, lều đã chỉ định. Không được đi ra khỏi nơi lưu trú, không mua sắm. Thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế mỗi ngày. Khi ở khách sạn cách ly tuyệt đối không đi lại giữa các phòng. Bố trí bảo vệ kiểm soát chặt tại các khách sạn.
Đối với xe đưa đón công nhân, không để trùng thời gian đưa đón, tối đa 20 người/xe, có vị trí ngồi cố định. Trước khi lên xe tất cả đều phải đo thân nhiệt và yêu cầu không xuống xe trên đường đi…
Theo nhiều doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất trong triển khai “3 tại chỗ” đó là cơ sở hạ tầng không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng chống dịch. Đồng thời, chi phí thực hiện lớn.
Theo TS.BS Nguyễn Đình Trung, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp “3 tại chỗ” đã phải xin dừng hoạt động. Bởi họ không bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong chỗ ăn, ngủ, vệ sinh, thiếu hụt nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng… Tuy nhiên cần động viên đối với một số đơn vị đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” để người lao động có việc làm và không ảnh hưởng đến sản xuất.
Bảo đảm lao động có việc làm
Bộ phận Thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh cùng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã đến kiểm tra, lắng nghe khó khăn ở một số doanh nghiệp. Đoàn nhận thấy, Công ty Nidec Việt Nam đang thực hiện tốt mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 điểm đến”. Số lượng F0 thấp và đã nhanh chóng được tách khỏi công ty. Quy trình đưa đón công nhân đến nơi làm việc tuân thủ theo quy định. Người lao động tại các phân xưởng được trang bị đồ bảo hộ, giãn cách hợp lý, tránh tiếp xúc gần.
Tuy nhiên cần bố trí lại nơi cách ly F1 để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động. Trang bị thêm thuốc và trang thiết bị y tế cần thiết. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý người lao động tại nơi cư trú. Đặc biệt phối hợp với các khách sạn để nhắc nhở công nhân không tự ý giao lưu với nhau.
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, việc tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại là rất cần thiết. Thực tế kiểm tra cho thấy, Công ty Nidec Việt Nam đã nỗ lực trong việc xây dựng và triển khai phương án phòng chống dịch và đảm bảo an toàn sản xuất. Việc triển khai phương án kết hợp vừa “3 tại chỗ”, vừa “1 cung đường – 2 điểm đến” là phù hợp với điều kiện của công ty.
Trước bối cảnh tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, doanh nghiệp cần phải thường xuyên rà soát. Chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm để phát hiện và khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Đồng thời phải luôn sẵn sàng, có phương án triển khai các hoạt động. Điều này nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi mắc hoặc mắc Covid-19 tại cơ sở của mình.
Trong tình hình dịch hiện nay, phải tập trung ưu tiên cho chống dịch bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động là trên hết. Không được để dịch bùng phát trong doanh nghiệp và lây nhiễm ra cộng đồng.
“Cần làm tốt công tác phòng chống dịch và duy trì và từng bước khôi phục sản xuất. Theo đó, công ty cần khắc phục các tồn tại như: Chấn chỉnh và tuân thủ quy trình bổ sung người lao động tổ chức phân luồng cách ly tại chỗ. Thường xuyên kiểm tra giám sát, xét nghiệm cho người lao động cũng như nhân viên của đơn vị cung cấp suất ăn cho công nhân. Tổ chức quản lý chặt chẽ người lao động sau khi hết ca làm việc.
Bổ sung đủ trang thiết bị, dụng cụ, thuốc cho phòng cách ly y tế. Đồng thời tăng cường tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức, hành vi của người lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch...” - TS.BS Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.
Trước đó, để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, các bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch. Từ đó, tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình triển khai, hướng dẫn, quy định vẫn còn một số điểm bất cập. Do vậy, cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.
Theo đó, Bộ Công Thương đã gửi văn bản tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp đối với Bộ Y tế và các bên liên quan. Nội dung văn bản về việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung giải pháp liên quan đến tiêm phòng và phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất.