Đà Nẵng: Mô hình “3 tại chỗ” ứng phó dịch trong Khu công nghiệp

GD&TĐ-Bên cạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp ở Đà Nẵng đang tính đến phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo không xảy ra tình trạng “đứt gãy” sản xuất.

Khu vực cách ly tại chỗ làm theo mô hình “3 tại chỗ”: ăn, ở, sản xuất tại chỗ.
Khu vực cách ly tại chỗ làm theo mô hình “3 tại chỗ”: ăn, ở, sản xuất tại chỗ.

Không để “đứt gãy” sản xuất

Tại Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine – Công ty Universal Alloy Corporation (UAC) - Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, anh Nguyễn Mạnh Hậu – công nhân gia công tại nhà máy từng “hú vía” khi nghe tin một đồng nghiệp tại công ty dương tính Covid-19 và hàng chục đồng nghiệp khác phải cách ly tập trung vì là F1. Bản thân thuộc diện có nguy cơ cao, anh Hậu và 60 công nhân cùng phân xưởng được cách ly ngay tại chỗ làm theo mô hình “3 tại chỗ”: ăn, ở, sản xuất tại chỗ.

Cụ thể, ngoài những F1 đã được cách ly tập trung, 60 nhân viên có yếu tố nguy cơ được bố trí nơi ăn, ở ngay tại đơn vị để vừa cách ly, vừa sản xuất. Họ được đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, được cung ứng các nhu yếu phẩm thường xuyên.

Mỗi ngày, anh Hậu và mọi người đi làm ở phân xưởng riêng biệt, được đo thân nhiệt 4 lần/ngày và lấy mẫu Covid-19 đều đặn mỗi tuần. “Ban đầu, mọi người rất hoang mang trước viễn cảnh phải nằm lều, ngủ trại tại công ty ít nhất 21 ngày. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến cách vận hành của “3 tại chỗ”, ai cũng yên tâm, tập trung sản xuất” – anh Hậu nói.

Các công nhân thuộc diện nguy cơ cao được làm việc trong phân xưởng riêng biệt, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Các công nhân thuộc diện nguy cơ cao được làm việc trong phân xưởng riêng biệt, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Đây cũng là công ty đầu tiên tại Đà Nẵng thực hiện mô hình trên. Phương án “3 tại chỗ” được lập tức triển khai chỉ vài giờ sau khi thông tin về các ca nhiễm được công bố.

Công ty UAC Đà Nẵng có gần 700 cán bộ công nhân viên, để tránh dừng sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng, công ty đã có phương án tổ chức cho tất cả công nhân làm việc và ăn ở tại chỗ nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn.

Ông Ciprian Bota - Giám đốc Sản xuất Công ty UAC cho hay công ty có lợi thế khi có khu vực căng tin rộng rãi, đầy đủ tiện nghi cho việc sinh hoạt của hàng trăm công nhân trong trường hợp cách ly tại chỗ. Đồng thời, công ty đã chủ động giãn cách khu vực làm việc ở các phân xưởng, tách biệt khối hành chính, sản xuất để đề phòng dịch lây lan. Bằng chứng, khi xuất hiện F0 là công nhân tại công ty, dây chuyền sản xuất vẫn không bị gián đoạn.

Cũng là cơ sở sản xuất tiên phong thực hiện “3 tại chỗ”, ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu – Khu công nghiệp Hòa Khánh nhận định, để phương án đạt hiệu quả cao, bên cạnh đảm bảo cơ sở vật chất, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải làm công tác tư tưởng, ổn định tinh thần tâm lý cho người lao động.

Ông Thống cũng cho rằng, nhiều nhân viên chưa hiểu rõ nên còn sợ “3 tại chỗ”, để ổn định tâm lý cho công nhân, lãnh đạo công ty đã gặp mặt, trao đổi trực tiếp với toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà máy. Đảm bảo với công nhân là sẽ được xét nghiệm Covid-19 với tần suất dày, đảm bảo những người ở nhà máy là đối tượng an toàn nhất. Nhà máy luôn luôn có khách hàng, công nhân có công ăn việc làm, từ đó tạo thu nhập ổn định trong mùa dịch.

Đảm bảo mục tiêu kép

Hiện nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục đăng ký mô hình “3 tại chỗ” để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, góp phần hạn chế việc lây lan Covid-19.

Tuy nhiên, nhiều công ty đang “đau đầu” để chuẩn bị diện tích ăn, ở, sinh hoạt cho công nhân khi có trường hợp cách ly. Cạnh đó, các công ty cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan chức năng về đánh giá mức độ lây nhiễm theo từng trường hợp, quyết định việc cách ly công nhân tập trung hay “3 tại chỗ” để đảm bảo không lây lan dịch.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục đăng ký mô hình “3 tại chỗ” để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, góp phần hạn chế việc lây lan Covid-19.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục đăng ký mô hình “3 tại chỗ” để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, góp phần hạn chế việc lây lan Covid-19.

Ông Trần Văn Tỵ - Phó Trưởng BQL Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho hay hầu hết doanh nghiệp trong Khu công nghiệp đều đang ổn định, duy trì được mục tiêu tăng trưởng đề ra đầu năm.

“Thời gian qua, BQL đã triển khai đến tất cả các doanh nghiệp về phương án “3 tại chỗ”, tùy tình hình mỗi doanh nghiệp sẽ có những thay đổi phù hợp. BQL luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa sản xuất. Các doanh nghiệp phải đảm bảo được đời sống cho người lao động, để từ đó người lao động giúp doanh nghiệp phát triển trong sản xuất. Cùng nhau vượt qua đại dịch” – ông Tỵ chia sẻ.

Bà Đinh Thị Thanh Hà – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng nhận định “3 tại chỗ” thể hiện sự chủ động và quan điểm tích cực của doanh nghiệp trong cách ứng phó với dịch.

Doanh nghiệp đã chăm lo tốt cho người lao động để họ yên tâm ăn ở tại chỗ và duy trì tiến độ sản xuất. Đây là mô hình tiên phong, có thể rút ra nhiều kinh nghiệm cho những doanh nghiệp thuộc các Khu công nghiệp Đà Nẵng. Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng luôn luôn đồng hành, hỗ trợ tốt nhất để các doanh nghiệp thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.
Từ phải qua: Đạo diễn Việt Linh, tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton giao lưu tại buổi ra mắt sách ở Việt Nam do Nxb Kim Đồng tổ chức. Ảnh: Bình Thanh.

Thuở ấy, mẹ đã 'Sống'!

GD&TĐ - Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ.