Đoàn kết vì sức khoẻ nhân loại

GD&TĐ - Ngày 7/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kỷ niệm 75 năm thành lập tại trụ sở Geneva, Thuỵ Sĩ, cùng với 194 quốc gia thành viên trên thế giới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Lễ kỉ niệm năm nay nhấn mạnh vai trò quan trọng của các quốc gia thành viên trong việc tăng cường sức khoẻ cho cộng đồng và kêu gọi thúc đẩy công bằng trong tiếp cận y tế toàn cầu.

Ngược dòng lịch sử về 7/4/1948, WHO được thành lập và Hiến chương WHO bắt đầu có hiệu lực. WHO là tổ chức liên chính phủ về y tế thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc.

WHO đóng vai trò xây dựng quy phạm, quy tắc quốc tế trong lĩnh vực y tế với tư cách là cơ quan liên chính phủ có thẩm quyền chỉ đạo về lĩnh vực y tế trong hệ thống Liên Hợp Quốc.

Sự xuất hiện của WHO vào thời điểm này mang ý nghĩa quan trọng khi các quốc gia đoàn kết với nhau vì một mục tiêu chung. Đó là nâng cao sức khoẻ thể chất, tinh thần của con người; xây dựng hiệp ước thống nhất bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho mọi người.

Trong những năm gần đây, những thách thức về sức khoẻ như đại dịch Covid-19, dịch Ebola, các bệnh lây truyền từ động vật sang người... đã cho thấy tầm quan trọng của việc phải có sự phối hợp chặt chẽ, đa ngành ở mọi cấp độ để ứng phó.

Thực tế đã chứng minh, các quốc gia đoàn kết với sự hướng dẫn của WHO trong 75 năm qua đã mang lại những kết quả tích cực. Đơn cử, bệnh đậu mùa đã chấm dứt; tỷ lệ người mắc bệnh bại liệt giảm 99%; tỷ lệ tử vong ở bà mẹ mang thai giảm... Trên thế giới, tại nhiều khu vực, những người nghèo khó nhất được khám sức khoẻ, cấp phát thuốc miễn phí và hưởng nhiều phúc lợi...

Từng có ý kiến trái chiều cho rằng hoạt động của hệ thống y tế là công việc của các chính phủ còn WHO chỉ hỗ trợ phần nào. Nhưng ở một số quốc gia nghèo nhất, WHO đóng vai trò như bộ y tế thứ hai, điều hành hoặc tài trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đội ngũ nhân viên y tế.

Bất chấp những nỗ lực trên, bất bình đẳng về tiếp cận dịch vụ y tế vẫn là một trong những thách thức chính của y tế thế giới. Ước tính, khoảng 30% dân số toàn cầu hiện không được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Khoảng 930 triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói do chi tiêu y tế vượt quá 10% ngân sách hộ gia đình.

Chưa kể, đại dịch Covid-19 đã cho thấy nhiều điểm yếu trong khả năng ứng phó với các vấn đề toàn cầu của WHO hiện nay.

Nếu ở các quốc gia phát triển, người dân được tiêm phòng vắc-xin phòng Covid-19 sớm, được điều trị bệnh kịp thời thì ở nhiều khu vực kém phát triển, trang thiết bị, cơ sở y tế còn nghèo nàn.

Bối cảnh trên chỉ ra các quốc gia còn gắn kết một cách lỏng lẻo trước các vấn đề y tế toàn cầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến đại dịch kéo dài.

Do đó, khi WHO kỷ niệm 75 năm thành lập, nhiệm vụ đoàn kết các quốc gia cùng nhau hành động về vấn đề sức khoẻ cộng đồng vẫn còn nguyên tính cấp thiết.

WHO đã trải qua vài năm “bầm dập” vì Covid-19 nhưng giờ đây, tổ chức này trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Bước sang chặng đường phát triển mới, WHO cùng các quốc gia thành viên cần tiếp tục duy trì ưu tiên sức khoẻ toàn cầu, hỗ trợ các quốc gia kém phát triển.

Cùng với đó, các quốc gia cần tăng cường bảo vệ, hỗ trợ và mở rộng lực lượng lao động trong ngành y, coi đây như một ưu tiên chiến lược, nhất là trong bối cảnh gia tăng nhu cầu dịch vụ y tế và tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu trong lĩnh vực y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.