Đổ nát giáo dục Syria

Đổ nát giáo dục Syria

(GD&TĐ) - Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc về hiện trạng giáo dục Syria, hàng nghìn trường học đã bị hư hại hoặc chuyển đổi thành nơi tạm trú cho dân thường tị nạn trong cuộc nội chiến; cùng với đó là hàng ngàn trẻ em không được tới trường kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu 2 năm trước.

Báo cáo do UNICEF thực hiện cũng chỉ rằng nhiều gia đình miễn cưỡng cho con tới trường cho dù trường học vẫn mở cửa vì lo ngại tới tính mạng của trẻ. Tại thành phố Aleppo ở phía bắc, nơi quân chính phủ và quân nổi dậy giao tranh ác liệt suốt từ mùa hè năm ngoái, tỉ lệ trẻ đến trường giảm xuống chỉ còn 6%.

Tại các khu vực cũng có giao tranh ác liệt, điển hình như Idlib tại phía bắc và Daraa ở phía nam, nơi khởi phát phong trào nổi dậy chống tổng thống Bashar al-Assad, việc học hành cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thường thì học sinh chỉ đến trường 2 lần mỗi tuần.

Một trường học biến thành trại tị nạn
Một trường học biến thành trại tị nạn

Ít nhất 1/5 trường học trên cả nước bị ảnh hưởng trực tiếp, theo báo cáo, và tại những nơi trường học vẫn hoạt động, tình trạng quá tải đẩy sĩ số lớp học lên tới 100 học sinh/ lớp. Tại một số khu vực, hơn một nửa giáo viên đã bỏ việc.

Giáo dục lao dốc là một phần trong bức tranh kinh tế xã hội u ám tại Syria với lan tràn mất an ninh, vô gia cư, đói kém và bệnh tật đã đạt đến mức độ khủng hoảng tại nhiều nơi. Liên Hiệp Quốc ước tính ít nhất 70.000 người đã chết từ khi xung đột bắt đầu tháng 3/2011, gần 1 triệu người Syria đã chạy sang các nước láng giềng, hơn 2 triệu người lưu lạc trong nước và hơn 4 triệu người cần cứu trợ khẩn cấp.

Đánh giá của Liên Hiệp Quốc  được thực hiện từ tháng 12. Kể từ đó, giao tranh đã trở nên khốc liệt hơn và tình trạng giáo dục hiện tại còn đổ nát hơn. Hệ thống giáo dục  Syria đang sụp đổ bởi ảnh hưởng của bạo lực – theo Youssouf, đại diện UNICEF tại Syria. Syria từng tự hào về chất lượng các trường học của mình và quá trình suy sụp đang diễn ra quá nhanh.

Theo các nhà hoạt động xã hội thì máy bay chính phủ vẫn thường xuyên oanh tạc các mục tiêu là trường học, nơi bị cáo buộc là chỗ trú ngụ của quân nổi dậy. Theo nhà hoạt động Abu Layla thì 75% trường học trên cả nước hiện đóng cửa bởi bom đạn liên miên cùng những mối đe dọa khác. Cơ quan giáo dục cố gắng khắc phục bằng cách đưa lớp học tới những địa điểm khác như nhà thờ nhưng việc dạy học không hề dễ dàng.

Tại nhiều nơi trường học không an toàn, các tổ chức hoạt động xã hội đã có những hình thức bù lấp kiến thức cho trẻ. Tại tỉnh Idlib, một đài phát thanh có tên “Colors FM” được lập ra phát sóng 90 phút hướng tới đối tượng trẻ em từ 4 đến 10 tuổi không thể tới trường. Chương trình này có cả tiếng Anh, toán và khoa học. Các nhà tổ chức có kế hoạch mua những chiếc radio nhỏ để phát cho trẻ em nghe chương trình này.

Hệ thống giáo dục tại Syria dựa trên hệ thống cũ của Pháp. Giáo dục miễn phí tại  trường công cho tới lớp 9. Các trường được chia thành ba cấp: lớp 1 tới lớp 4: Giáo dục Căn bản Cấp độ I ; Lớp 5 tới lớp 9: Giáo dục Căn bản Cấp độ II ; Lớp 10 tới lớp 12: Giáo dục Cấp 2.

Các kỳ thi cuối khoá lớp 12 (Tú tài) được tiến hành đồng thời trên phạm vi quốc gia. Kết quả của những kỳ thi này xác định trường đại học, cao đẳng hay chuyên nghiệp nào học sinh sẽ theo học. Các trường cao đẳng thu phí rất ít (10–20 USD mỗi năm) nếu sinh viên có đủ điểm trong các kỳ thi Tú tài. Nếu không, sinh viên có thể lựa chọn đóng học phí cao hơn (1500–3000 USD) để theo học. Có một số trường cao đẳng tư nhân thu học phí cao hơn nhiều.

 Bảo Chi (tổng hợp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ