Số phận chiến dịch 'Người bảo vệ thịnh vượng' tại Biển Đỏ

GD&TĐ - Khu trục hạm USS Carney - trở thành đại diện cho hoạt động chống Houthi của Mỹ vào mùa thu năm ngoái, đã rời Biển Đỏ và trở về Norfolk, Virginia.

Chiến hạm USS Carney hoạt động tại Biển Đỏ.
Chiến hạm USS Carney hoạt động tại Biển Đỏ.

Bí mật thời điểm tàu Mỹ rời Biển Đỏ

Theo Times of Israel, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke được triển khai cho các 'hoạt động thường lệ' cùng Hạm đội 5 và 6 của Mỹ vào cuối tháng 9 năm 2023 tại Biển Đỏ.

Ngay sau khi được triển khai, con tàu đã trở thành tâm điểm của tình trạng căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

USS Carney trở thành tàu chiến đầu tiên của Mỹ tấn công máy bay không người lái và tên lửa của Houthi khi lực lượng dân quân Yemen cố gắng tấn công Israel và những tàu có liên kết với Mỹ, Anh, Israel bắt đầu từ ngày 19 tháng 10 năm 2023.

Lực lượng dân quân đã thay đổi chiến thuật vào tháng 11, thiết lập một nửa phong tỏa Biển Đỏ và Biển Ả Rập, đơn phương đóng cửa các vùng biển đối với tất cả các tàu bị nghi ngờ có liên kết với Israel.

Tàu chiến hộ tống các tàu thương mại trong nỗ lực bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công của Houthi, và bản thân nó liên tục trở thành mục tiêu tấn công của máy bay không người lái và tên lửa.

Tháng 1 năm 2024, tàu khu trục bắt đầu bắn tên lửa hành trình vào các mục tiêu bên trong Yemen trong nỗ lực nhằm làm suy yếu khả năng tấn công của lực lượng Houthi.

"Tôi không thể tự hào hơn về những gì tàu Carney đã làm kể từ tháng 9 năm 2023. Các thủy thủ trên tàu đã tiến hành hàng chục cuộc cuộc tấn công trong mỗi tháng", Giám đốc Tác chiến Hải quân Mỹ, Đô đốc Lisa Franchetti phát biểu tại buổi lễ đón tàu chiến đến Norfolk.

Hải quân không nói rõ chính xác thời điểm tàu ​​Carney rời Biển Đỏ trước khi bắt đầu chuyến hành trình dài xuyên Đại Tây Dương. Sau khi được tiếp tế ở Norfolk, tàu ​​sẽ về căn cứ bên ngoài Jacksonville, Florida.

USS Carney là tàu chiến mới nhất của liên minh phương Tây trong Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng do Mỹ-Anh dẫn đầu và Chiến dịch Aspides của EU, rời Biển Đỏ và trở về căn cứ.

Tháng trước, tàu khu trục Hessen của Hải quân Đức đã rời khỏi Biển Đỏ và quay trở lại Đức khi thủ lĩnh Houthi Abdul Malik al-Houthi cảnh báo với các nước châu Âu về tuyến hàng hải không còn an toàn tại Biển Đỏ nếu họ vẫn có hành động ủng hộ Israel.

Cho đến nay, hoạt động do EU dẫn đầu ít hiếu chiến hơn nhiều so với hoạt động do Mỹ và Anh lãnh đạo bởi các tàu chiến EU không tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Yemen.

Chủ tịch Angus King của Tiểu ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện về Lực lượng Chiến lược, đã cảnh báo tại một phiên điều trần vào tuần trước rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã chứng tỏ sự tốn kém và không hiệu quả một cách khó có thể chấp nhận, không chỉ trước các đối thủ chiến lược như Nga, Trung Quốc và Iran, mà còn trước cả lực lượng Houthi.

"Để đánh chặn một tên lửa chiến lược đang lao tới, Mỹ phải sử dụng tên lửa có giá 80 - 85 triệu USD. Trong khi ở Biển Đỏ, lực lượng Houthi đang triển khai máy bay không người lái trị giá 20.000 USD và chúng ta sẽ bắn hạ chúng bằng tên lửa trị giá 4,3 triệu USD. Chúng ta đang nghĩ gì vậy?", ông King nói với các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ.

Sự leo thang không thể tưởng tượng được

Người phát ngôn quân đội Houthi Yahya Sare'e cảnh báo trong cuộc họp báo hôm 13 tháng 5 rằng lực lượng dân quân sẽ leo thang chiến dịch đến mức mà kẻ thù không thể tưởng tượng được nếu Israel và các đồng minh tiếp tục vượt qua ranh giới đỏ của Yemen.

"Gaza là một ranh giới đỏ đối với chúng tôi, một ranh giới đỏ. Chính nghĩa, thánh địa và đạo Hồi của chúng tôi là những ranh giới đỏ và chúng tôi sẽ không thỏa hiệp với bất kỳ ai", ông Sare'e nói.

Ông cảnh báo: "Chúng ta có thể nhắm mục tiêu vào những thứ mà kẻ thù chưa từng nghĩ tới và không thể tưởng tượng được. Bằng ý chí và sức mạnh của mình, chúng ta sẽ đạt được thắng lợi nếu kẻ thù tiếp tục gây hấn ở Gaza".

Phát ngôn viên Sare'e không nói rõ những cuộc tấn công 'không thể tưởng tượng được' này có thể dẫn đến điều gì.

Tuy nhiên, đầu tháng này, quan chức này tuyên bố bắt đầu 'giai đoạn thứ tư' các hoạt động của Houthi chống lại Israel bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào tất cả các tàu hướng tới các cảng Biển Địa Trung Hải của Israel từ bất kỳ khu vực nào trong tầm bắn của Houthi.

Tuần trước, Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu các vấn đề an ninh có trụ sở tại Maryland, Mỹ thừa nhận các hoạt động của hải quân phương Tây ở Biển Đỏ đã bị cản trở bởi nhiều thiếu sót, bao gồm thiếu đạn dược, thiếu sự phối hợp giữa các quốc gia đồng minh.

"Điều đáng nghi ngờ nhất là liệu các hoạt động hải quân hiện tại có thể thành công ở cấp độ chiến lược hay không", tổ chức nghiên cứu này cho biết.

So sánh thời điểm của các hoạt động chống Houthi do Mỹ và châu Âu dẫn đầu trong bối cảnh giao thông hàng hải qua eo biển Bab el Mandeb đang suy giảm, tổ chức tư vấn thừa nhận rằng:

"Cho đến nay, các hoạt động quân sự vẫn chưa thể khôi phục mức độ giao thông hàng hải qua khu vực như tuyên bố".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ