Theo Defense News, Không quân Mỹ tuyên bố sẽ không sửa chữa máy bay ném bom tàng hình Northrop Grumman B-2 Spirit bị hư hỏng trong một vụ tai nạn tại Căn cứ Không quân Whiteman, Missouri.
Đây là chiếc B-2 thứ hai bị loại biên sau khi một chiếc B-2 khác gặp tai nạn nghiêm trọng tại Căn cứ Không quân Andersen ở Guam vào năm 2008. Ngoài ra, những máy bay này đã nhiều lần gặp rủi ro, đặt ra câu hỏi về khả năng hoạt động và bảo trì của chúng.
"Vụ tai nạn trước đó vào tháng 9 năm 2021 và vụ gần đây đều được mô tả là 'trục trặc trong chuyến bay trong quá trình hoạt động thông thường' và yêu cầu phải hạ cánh ngay lập tức.
Khung máy bay được thiết kế vào những năm 1980 và được triển khai lần đầu tiên vào năm 1997, còn B-2 đã được lên kế hoạch cho 'nghỉ hưu' vào năm 2030. Nó có thể đơn giản như sự xuống cấp về cơ khí và phần mềm", Trung tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski, cựu nhà phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ, nói.
B-2A Spirit được thiết kế để có thể bí mật đưa cả vũ khí thông thường và hạt nhân vào sâu trong lãnh thổ đối phương.
Theo một số ước tính, máy bay chiến đấu này là một trong những hệ thống vũ khí đắt nhất của Mỹ với mức giá khoảng 4 tỷ USD mỗi chiếc.
Từ năm 1988 đến 1997, nhà sản xuất hàng không vũ trụ Northrop Grumman đã chế tạo 21 chiếc B-2, nghĩa là phi đội của Không quân Mỹ gần đây đã giảm xuống còn 19 máy bay ném bom tàng hình.
"Logic mà Lầu Năm Góc và Quốc hội theo đuổi ban đầu là phi đội gồm 200 chiếc B-2 nhưng chỉ có 20 chiếc được sản xuất thực tế cộng với một chiếc nguyên mẫu với giá 4 tỷ USD mỗi chiếc.
Những chiếc máy bay siêu đắt đỏ này ra đời liên quan đến hệ tư tưởng cũng như sự cạnh tranh giữa Lực lượng Không quân và Hải quân giữa các quân chủng về tầm quan trọng trong bộ ba phòng thủ hạt nhân (máy bay ném bom chiến lược, ICBM trên đất liền và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm)", cựu nhà phân tích của Lầu Năm Góc giải thích.
"Vào cuối những năm 1970 và 1980, Liên Xô dẫn trước Mỹ về năng lực ICBM trên đất liền và trên biển, và Mỹ dẫn đầu về máy bay ném bom chiến lược.
Do đó, Liên Xô đã phát triển hệ thống phòng thủ chống lại những máy bay ném bom đó, khiến Không quân Mỹ phải đề xuất cả máy bay ném bom siêu thanh và máy bay ném bom tàng hình để vượt qua hệ thống phòng thủ của Liên Xô.
Khoa học máy tính và vật liệu dường như là một lĩnh vực mà Mỹ đang dẫn đầu và có thể làm chủ - tuy nhiên, độ phức tạp và chi phí của những thiết kế này đã hạn chế số lượng B-2 ra đời và được triển khai", bà Kwiatkowski nói.
Theo cựu nhà phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ, B-2 hiếm khi được sử dụng và trở nên khét tiếng sau vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade 25 năm trước.
Trong khi đó, khái niệm máy bay ném bom có người lái dường như không còn phù hợp nữa, trung tá đã nghỉ hưu nhận xét, đề cập đến ý tưởng hiện đại về máy bay hoàn toàn phụ thuộc vào máy tính mà không cần phi công thực tế.
Do đó, B-2 cũ kỹ cũng đã lỗi thời cả về công nghệ lẫn về mặt khái niệm.
Hiện nay, cùng với B-2, máy bay chiến lược trong bộ 3 hạt nhân của Mỹ còn có B-52. Đây là dòng oanh tạc cơ đã được vào biên chế trong không quân Mỹ từ năm 1955.
Mỹ đã sử dụng tổng cộng 742 chiếc B-52 ở các phiên bản khác nhau, hiện phiên bản gần nhất là B-52H đang có khoảng 102 chiếc. Oanh tạc cơ B-52 có khả năng mang tới 27,2 tấn bom (gồm cả bom hạt nhân), tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.
B-52 có thể bay xa 7.210km tốc độ bay tối đa 1.000km/h và trần bay đạt 17.000m. Loại tên lửa hạt nhân nổi tiếng được trang bị trên B-52H là AGM-69 SRAM, có trọng lượng 1 tấn, chiều dài 4,83m. Mỹ đã sản xuất 1.500 loại tên lửa này với giá khoảng 500.000 USD/quả.
Dù B-2 Spirit được đánh giá vẫn hoạt động rất hiệu quả nhưng Thiếu tướng Jason Armagost, Giám đốc phụ trách các hoạt động và thông tin liên lạc của Bộ chỉ huy Tấn công Toàn cầu - Không quân Mỹ cho biết, lực lượng này có kế hoạch mua 100 máy bay B-21 để thay thế cho các phi đội B-1B và B-2 Spirit.
Clip B-2 Spirit hạ cánh khẩn xuống căn cứ Fairford ở Anh hôm 13/12/2023 vì hết xăng. |