Địu con đến lớp học chữ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khát vọng kiếm con chữ sáng lên trong ánh mắt những học viên lớp xoá mù chữ tại các thôn thuộc xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Địu con đến lớp học chữ.
Địu con đến lớp học chữ.

Địu con đến lớp

Có mặt tại thôn Vằng Doọc buổi tối, nhà nhà đều vắng bóng người. Nhưng ở trong thôn, một ngôi nhà tạm đã sáng đèn và vang lên tiếng học bài vui tai đến lạ.Trong ngôi nhà đơn sơ, các thầy cô giáo trường tiểu học Bình Trung vừa say sưa dạy các học viên người Mông đánh vần vừa chỉ dẫn cách viết từng nét chữ trên giấy. Điều đặc biệt hơn, nhiều gia đình có con nhỏ phải cho con theo tới lớp học chữ, hai vợ chồng thay nhau người viết bài, người bế con và ngược lại.

Anh Giàng Seo Trịnh và chị Lý Thị Vềnh, người dân tộc Mông, năm nay đã gần 30 tuổi, cả hai vợ chồng anh Trịnh đều là học viên của lớp xoá mù chữ và là bố mẹ của bốn đứa con. Trước đây, mỗi lần tới UBND xã làm hồ sơ hay ký tá giấy tờ cho con, do cả hai vợ chồng đều không biết chữ nên phải điểm chỉ tay.

Được sự vận động của chính quyền địa phương, hai vợ chồng anh Giàng Seo Trịnh đã mạnh dạn đăng ký tham gia lớp xóa mù chữ tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn với mong muốn đi học để biết đọc, biết viết cơ bản, nhờ đó cuộc sống sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Anh Trịnh chia sẻ: Việc cầm bút khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc làm rẫy hay lên rừng hái măng, nhặt củi, Tuy nhiên, vì hành trình tìm con chữ nên cả nhà tôi phải cố gắng hết mình. Đều đặn gần 4 tháng qua, ban ngày vợ chồng anh Trịnh lên rẫy, chiều về lo toan những công việc của gia đình, tối đến hai vợ chồng lại địu con đến lớp học chữ.

“Do hoàn cảnh nhà neo người, lại không gửi được con cho ai, nên cả nhà cứ bồng bế nhau đến lớp, đứa lớn thì tự ngồi ghế, khi nào buồn ngủ thì nằm luôn ra ghế ngủ, còn đứa bé thì hai người phải thay nhau bế thôi”. Anh Trịnh cho biết.

Mặc dù đã lớn tuổi nhưng các học viên đều nhiệt tình phấn khởi tham gia lớp học xoá mù chữ.

Mặc dù đã lớn tuổi nhưng các học viên đều nhiệt tình phấn khởi tham gia lớp học xoá mù chữ.

Người dân phấn khởi tham gia lớp học

Chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại, chị Lý Thị Vềnh cho biết: Ngày trước, tôi không biết chữ, không thể tự đi làm giấy khai sinh cho con, những lúc con ốm phải đi bệnh viện cũng rất khó khăn vì không biết đọc, làm gì cũng khó, đi làm thuê, bán mớ rau, củ măng họ đưa bao nhiêu tiền cũng không biết, chỉ biết cầm vậy rồi mang đi đổi gạo thôi.

Nhưng từ ngày tham gia lớp học xoá mù chữ, tôi đã nhận biết được mặt số, mặt chữ, giờ ai đưa bao nhiêu tiền là cũng biết cơ bản rồi, chỉ mong sau khi học xong lớp này, biết tính toán cơ bản, đi chợ mua bán cũng không còn ngại nữa.

Cũng theo chị Vềnh, là mẹ của 4 người con nên cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, chúng tôi được tới lớp, đi học để biết cái chữ, người dân mừng lắm.

Cô giáo Nông Thị Thuý Kiều, giáo viên trường Tiểu học Bình Trung cho biết: Thôn Vằng Doọc là một trong những bản khó khăn nhất của xã Bình Trung. Tuy vậy, khi lớp xóa mù chữ được mở tại thôn vào tháng 9 năm 2023 học viên của bản đã hăng hái tham gia với mong muốn kiếm được con chữ.

Lần đầu tiên đến lớp, các học viên còn e dè, ngại ngùng bởi nhiều học viên đã lớn tuổi mà vẫn phải cắp sách tới trường, nhưng khi được tiếp xúc với cái chữ thì họ rất hào hứng. Còn một số học viên khác ngại đi học vì không biết nói tiếng kinh hoặc tiếng kinh không sõi, cô giáo nói gì cũng chưa hiểu, nhưng để lớp học đạt hiệu quả, các thầy cô giáo đã cố gắng học và nói tiếng Mông để có thể truyền đạt một cách tốt nhất, dễ hiểu nhất cho các học viên.

Chúng tôi cũng cố gắng động viên và đưa ra những kiến thức dễ nhất cho các học viên tập làm quen. Bên cạnh đó, biết các học viên đều là lao động chính trong gia đình nên các thầy cô giáo cũng linh hoạt thời gian lên lớp, vận động học viên tham gia lớp học vào khoảng thời gian rảnh rỗi, tránh học vào các mùa rẫy, do đó thu hút được nhiều người đến học. Đối với những học viên phải mang con đến lớp học, chúng tôi cũng hết sức tạo điều kiện và giúp đỡ, để các học viên hoàn thành chương trình một cách hiệu quả nhất. - Cô Kiều bộc bạch

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.