Như vậy, hướng nghiệp ở đây bao gồm cả “hướng học” và “hướng nghề”.
Hướng nghiệp cần trải qua quá trình
Chọn ngành học là quyết định quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn đến tương lai mỗi người sau này. Tuy nhiên, nhiều học sinh ít khi tìm hiểu kỹ về ngành học, công việc mà mình sẽ theo đuổi. Có em lựa chọn theo cảm tính, không quan tâm tới đặc thù nghề nghiệp cũng như triển vọng công việc sau khi ra trường. Chính những nảy sinh này mới cần đến hình thức hướng nghiệp tương lai cho thế hệ trẻ.
Ông Bùi Tiến Dũng – Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiện nay các cơ sở giáo dục đang vận dụng nhiều phương pháp khác nhau để triển khai công tác hướng nghiệp cho học sinh như lồng ghép tích hợp trong các môn học. Thông qua tìm hiểu tài liệu, hệ thống công nghệ thông tin hoặc tư vấn trực tiếp từ các diễn giả, chuyên gia và đặc biệt là phương pháp trải nghiệm
thực tiễn.
Theo ông Dũng, khó có thể khẳng định phương pháp nào hiệu quả hơn. Bởi hướng nghiệp cho học sinh phải là một quá trình thường xuyên, liên tục theo đúng với cơ sở khoa học và thực tiễn.
Về mặt khoa học hướng nghiệp hiểu theo nghĩa rộng chính là định hướng “con đường sự nghiệp” tương lai cho đứa trẻ. Như vậy, hướng nghiệp ở đây bao gồm cả “hướng học” và “hướng nghề”.
Với hướng học, những đứa trẻ bộc lộ năng lực cao ở một lĩnh vực cụ thể nào đó như Toán học nếu được phát hiện sớm ngay từ cấp tiểu học sẽ được tạo điều kiện để bồi dưỡng, học thêm các chương trình tăng cường, chương trình nâng cao để tối ưu hóa tiềm năng.
Còn với những trẻ có khó khăn về học tập nhưng không phải do thiếu năng lực nhận thức thì hoạt động hướng học sẽ giúp điều chỉnh các chiến lược học tập cho phù hợp. Và việc này phải bắt đầu từ sớm.
Mặt khác, việc hướng học sẽ giúp các em sớm thay đổi cách tiếp cận kiến thức từ bị động sang chủ động. Các em sẽ được định hướng việc học vào đúng trọng tâm của vấn đề.
Với “hướng nghề” cho học sinh hiện nay hầu hết các quốc gia phát triển đều sử dụng phương pháp xoáy trôn ốc ở các cấp học. Cụ thể ở cấp tiểu học là quan sát. Cấp THCS là thử nghiệm. Cấp THPT là thực hành và kết luận. Còn bậc đại học là phát triển nghề nghiệp.
Nếu không có giai đoạn quan sát và thực nghiệm, trải nghiệm thì lên cấp THCS, THPT học sinh sẽ rất bỡ ngỡ khi tiếp xúc môi trường mới là môi trường công việc. Trên thực tế, hiện nay chúng ta đang bỏ qua các giai đoạn quan sát và thử nghiệm.
Không chỉ là chọn nghề phù hợp
Chính vì không có những phương pháp hướng nghiệp cụ thể, nhiều học sinh đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời vẫn băn khoăn xem nên chọn học đại học hay học nghề.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Tiến Dũng cho rằng, để có ngay một lời khuyên là rất khó. Bởi học đại học, hay học nghề là để phục vụ cho yêu cầu của công việc ở từng cấp độ khác nhau. Chúng ta không thể phủ nhận đại học là con đường dẫn đến với thành công và việc học đại học là rất cần thiết. Tuy nhiên, học vào thời điểm nào và phục vụ mục đích gì rất quan trọng.
Do đó, để xác định việc học đại học hay học nghề, người học cần xác định các yếu tố bảo đảm tính phù hợp và tối ưu nhất. Đó là các yếu tố như năng lực bản thân; sở thích và bối cảnh, nhu cầu xã hội. Để xác định được sự phù hợp với các yếu tố này rất cần đến quá trình định hướng nghề nghiệp.
Bên cạnh đó là các công cụ để hỗ trợ người học đánh giá năng lực, sở trường, sở thích của bản thân. Phải có đầy đủ các yêu cầu nêu trên mới nhận được tư vấn phù hợp và phần này ứng với giai đoạn THPT đó là: Thực hành và kết luận về nghề nghiệp.
Về việc nhiều sinh viên ra trường làm trái ngành nghề đã được đào tạo, ông Bùi Tiến Dũng cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Thực tế trong đó có nguyên nhân là do kết quả của công tác tư vấn hướng nghiệp chưa sâu đối với học sinh trước khi vào đại học, cao đẳng.
Bên cạnh đó còn có một số lý do khác như vấn đề dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực chưa được tốt. Hiện, nhiều doanh nghiệp chú trọng đến kỹ năng và chọn người làm được việc phù hợp với nhu cầu, không chú trọng đến bằng cấp, chuyên ngành đào tạo.
Theo xu thế, nghề nghiệp trong xã hội ngày càng tăng về số lượng và có sự biến đổi nhanh chóng. Tính sơ bộ, số nghề hiện nay trong xã hội có khoảng 900 nghề. Tuy nhiên số ngành đào tạo hiện tại là ít hơn so với số nghề hiện có. Điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Ở đây không chỉ định hướng xem phù hợp với nghề nào mà còn cung cấp thông tin về nhu cầu ngành nghề của xã hội, mong muốn của nhà tuyển dụng…
Hiện thế giới có một số quốc gia đã triển khai một số mô hình hướng nghiệp cho học sinh từ rất sớm. Nhiều trường đại học có trung tâm hướng nghiệp dịch vụ hỗ trợ sinh viên; trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay trung tâm hỗ trợ sáng tạo xã hội, phát triển cộng đồng…
Tất cả những trung tâm này đều có mục đích hỗ trợ sinh viên được thực hành, trải nghiệm, gắn lý thuyết với thực hành. Nó còn giúp sinh viên sớm được làm quen với môi trường xã hội, doanh nghiệp. Đồng thời rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp và hướng đến mục đích là phát triển năng lực nghề nghiệp.
Tại Việt Nam, mô hình trung tâm hỗ trợ việc làm sinh viên cũng đã được các trường thành lập từ năm 2008. Tuy nhiên, hiệu quả còn chưa được như mong muốn bởi thiếu nguồn lực và cơ chế hoạt động.
Vì vậy, để công tác này thời gian tới đạt hiệu quả hơn các cơ sở giáo dục cần cụ thể hóa nội dung, hình thức, biện pháp, nguồn lực triển khai công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường phối hợp, hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, nhằm thúc đẩy sự quan tâm vào cuộc và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp.
Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của HSSV đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.