Đỉnh lũ tại Nam bộ và ĐBSCL có thể đạt mức kỷ lục

Đỉnh lũ tại Nam bộ và ĐBSCL có thể đạt mức kỷ lục

(GD&TĐ)-Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, dự báo trong 48h tới, bão số 4 sẽ di chuyển và đi vào vùng bờ biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh với cấp 8, cấp 9, và sẽ gây mưa to đến rất to ở khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và Bắc Tây Nguyên.

Nhiều nơi tại An Giang nước đang lên nhanh
Nhiều nơi tại An Giang nước đang lên nhanh

Lũ các sông miền Trung đang xuống, nhưng 2 ngày tới sẽ tăng lại, có thể đạt đỉnh vào ngày 27/9 và trong vòng 15 ngày tới là cao điểm của đợt lũ năm nay.

Do ảnh hưởng của bão vùng biển phía Tây của khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Từ ngày mai (26/9), vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và Bắc Tây Nguyên từ ngày mai (26/9) có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và đặc biệt là các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên khẩn trương có các biện pháp thông tin cho tàu thuyền trên biển, tàu thuyền đang hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa về cơn bão này, cũng như sớm có các biện pháp phòng chống từ xa cho khu vực ven bờ và đất liền.

Các địa phương tích cực thông báo, kêu gọi và sẵn sàng các lực lượng cứu hộ. Bộ Ngoại giao làm việc với các nước để giúp ngư dân có thể tránh, trú bão an toàn.

Các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa chỉ đạo chuẩn bị tốt cho công tác phòng chống bão và đặc biệt là mưa lũ. Trước mắt sơ tán dân ở vùng sạt lở, vùng trũng và gia cố các vùng bờ bao, đê chống tràn. Các địa phương bố trí trực, chuẩn bị các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản người dân.

Theo báo cáo nhanh về tình hình tàu thuyền, hiện các địa phương đã thông báo bão cho tổng số 6.158 tàu, thuyền/36.883 người, trong đó có 36 tàu đang hoạt động ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

7 h sáng mai (26/9), Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục giao ban để cập nhật, đánh giá tình hình và có biện pháp chỉ đạo kịp thời  ứng phó với bão số 4.

Mấy ngày nay, lũ trên các sông ở Nam Bộ và ĐBSCL lên nhanh, có nơi vượt mức báo động 3. Điều đáng nói là mực nước cao nhất ở Tân Châu lên tới 4,7 mét, cao hơn các bờ bao ở nhiều nơi.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, ở thượng nguồn của sông Mekong, trên lãnh thổ của Thái Lan, Lào và phía Đông Bắc Campuchia tiếp tục có mưa do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, và tác động của cơn bão số 4 nên lũ khu vực Nam bộ và ĐBSCL có thể lên cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Do tác động của triều cường nên nước lũ tại các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long lên rất nhanh. Đặc biệt đỉnh lũ ở Tân Châu có thể lên tới 4,7 - 4,8 m - cao hơn các bờ bao ở ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện nay, các tỉnh ở ĐBSCL mới sẵn sàng cho phương án đối phó khi nước lũ ở mức 4,5 đến 4,7 m. Dự báo, nếu bão số 4 gây mưa ở miền Trung thì đỉnh lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ dừng lại ở 4,7 m mà sẽ lên cao lên nữa.

Điều này đồng nghĩa với việc ngập lụt sẽ diễn ra trên diện rộng và có thể kéo dài hơn 1 tháng, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày và sản xuất của người dân. Do vậy, người dân và chính quyền các địa phương cần chủ động các biện pháp đối phó với lũ lớn. Đặc biệt, tránh xảy ra tình trạng đuối nước cho trẻ em khi đến trường. Đồng thời, có biện pháp giảm thấp nhất thiệt hại cho cây trồng bị ngập lụt và bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh để dịch bệnh bùng phát sau lũ.

Ngọc Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ