Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế ILO (năm 2016), đa số học sinh Việt Nam đều lựa chọn các ngành kinh doanh, thương mại và tài chính để học đại học, với 41,2% sinh viên nam và 60,6% sinh viên nữ. Trong khi các ngành STEM chỉ được 23% sinh viên nam và 9% sinh viên nữ lựa chọn. Hướng nghiệp sớm bằng cách đẩy mạnh giáo dục STEM trong các trường phổ thông sẽ giúp tạo nguồn nhân lực cho khối ngành này.
Truyền cảm hứng sáng tạo
Khởi động cho năm học mới, Câu lạc bộ (CLB) Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật, Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tổ chức buổi học STEM với những sản phẩm cơ bản như máy bắn đá, luồn dây khéo léo, tên lửa nước, máy đánh trứng. Các thành viên tham gia CLB, nhất là những học sinh vừa mới nhập học lớp 10 đã có buổi học đầy hứng khởi, nhen nhóm niềm yêu thích môn Vật lý với những sản phẩm thú vị.
Từ các buổi học STEM, CLB Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật của Trường THPT Nguyễn Trãi đã tận dụng những vật liệu dễ tìm kiếm, vận dụng các kiến thức liên môn để tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao như: Xà phòng thủ công chiết xuất từ các loại tinh dầu lá tía tô, tinh dầu tràm, tinh dầu sả. Từ dung dịch kalihydrophotphat, những học sinh yêu thích môn Hóa học còn tạo ra được tinh thể xinh đẹp để trang trí, làm quà tặng… Vận dụng kiến thức tổng hợp từ các môn học, học sinh còn thiết kế mô hình hệ thống cảm biến sóng âm, ánh sáng, mô hình hệ mặt trời, phục vụ hoạt động dạy, học.
Học sinh các trường THPT ở Đà Nẵng đang ở vòng thực hiện mẫu thử của cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo (U-Invent) với chủ đề Sáng tạo công nghệ vì một thành phố lành mạnh. Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật, vận dụng kiến thức học đường để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng) tổ chức. 15 đội chiến thắng ở vòng mẫu thử được chọn vào vòng bán kết đều có sự đầu tư tìm hiểu, phát triển ý tưởng, giải quyết những nhu cầu của cộng đồng liên quan đến nước sạch, an sinh xã hội, môi trường, nhà ở…
Đỗ Minh Huy - sinh viên ngành Digital System and Design tại Aalto University, Phần Lan từng có dự án lọt vào vòng dự thi quốc tế Intel ISEF 2019 tại Mỹ nhờ những trải nghiệm khi tham gia U-Invent mùa thứ 3 chia sẻ: “Thời điểm đó, cuộc thi U-Invent có mô tuýp rất lạ. U-Invent không chỉ là cuộc thi mà còn là quá trình đồng hành giúp em hoàn thiện ý tưởng sáng tạo và phát triển dự án công nghệ của bản thân nhờ vào đội ngũ hướng dẫn gồm các giảng viên, chuyên gia công nghệ và cả những doanh nhân thành đạt trong khởi nghiệp” – Huy nhận xét.
Với U-Invent, Huy và các thí sinh lần đầu tiên được hướng dẫn làm quen với mô hình Tư duy thiết kế để hiểu rõ hơn việc hình thành ý tưởng sáng tạo, đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Theo Huy, cuộc thi U-Invent 2019 là tiền đề cho sự ra đời của dự án đạt giải Nhất cấp quốc gia và được chọn đi thi quốc tế.
Một nhóm học sinh đang thuyết minh sản phẩm ở vòng thi mẫu thử cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo. |
Xây dựng hệ sinh thái giáo dục STEM
Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Hầu hết trường phổ thông ở Đà Nẵng đều triển khai hoạt động giáo dục STEM với mức độ đậm, nhạt khác nhau. Sở đã phối hợp với cơ sở giáo dục đại học như Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) để tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên về giáo dục STEM”.
Trước khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các trường học ở Đà Nẵng triển khai giáo dục STEM chủ yếu thông qua hoạt động ngoại khóa. Một số trường học đã tổ chức dạy học môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM theo tinh thần dạy học liên môn hoặc xây dựng và dạy học các chủ đề giáo dục STEM…
Tuy nhiên, theo ông Mai Tấn Linh, để triển khai có hiệu quả và nhân rộng giáo dục STEM trong trường học còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài rào cản về cơ sở vật chất, nhận thức, kinh nghiệm của cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục STEM còn hạn chế. Điều này, dẫn đến những lúng túng trong tiếp cận, thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục STEM.
Để giải quyết khó khăn về đội ngũ, các trường THPT ở Đà Nẵng đã chủ động kết nối với cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn triển khai hoạt động giáo dục STEM.
TS Nguyễn Thị Mỹ Hương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng gợi ý: “Tùy thuộc vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường phổ thông có thể áp dụng linh hoạt hình thức tổ chức giáo dục STEM như: Dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật”.
Một hướng khác trong triển khai giáo dục STEM là xem đây là môn học mới, trong đó không còn ranh giới truyền thống giữa các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Đây là cách mà Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã triển khai các khóa học về STEM tại Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Khóa học góp phần giúp học sinh có thể ứng dụng được những kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật cũng như kiến thức cơ bản về toán học, đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề, khám phá những năng lực của bản thân và dần hình thành được lộ trình nghề nghiệp trong tương lai.
Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, triển khai giáo dục STEM có sự phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học thông qua cuộc thi công nghệ, triển lãm… sẽ truyền cảm hứng cho học sinh niềm đam mê đối với khoa học, công nghệ, góp phần định hướng lĩnh vực phù hợp trong hướng nghiệp.