Định hướng nghề nghiệp sau tốt nghiệp THCS: Tìm nghề yêu thích, hợp năng lực

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022 đã đi qua được 3/4 chặng đường. Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS cũng đang được nhiều trường triển khai mạnh mẽ.

Học sinh tham gia trải nghiệm với ngành nghề mình yêu thích tại Trường THCS thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định).
Học sinh tham gia trải nghiệm với ngành nghề mình yêu thích tại Trường THCS thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định).

Điều này góp phần giúp các em có sự lựa chọn đúng đắn về tương lai, nghề nghiệp cho mình.

Không đợi đến cuối năm mới làm

Với 170 học sinh khối 9 cũng đang bước vào giai đoạn ôn tập để chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT năm 2022, cô Nguyễn Thị Tươi – Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam) - cho biết: Kế hoạch giáo dục hướng nghiệp được nhà trường xây dựng ngay từ đầu năm học. Nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền tới học sinh và phụ huynh về vấn đề này. Đồng thời phân công giáo viên dạy hướng nghiệp theo chương trình và cử cán bộ quản lý phụ trách. Phát huy vai trò của thầy cô chủ nhiệm lớp trong việc tuyên truyền, huy động giáo viên bộ môn lồng ghép vào các nội dung dạy học có liên quan.

Đơn vị này cũng phối hợp và mời các trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) về trường gặp gỡ, giới thiệu, tư vấn nghề nghiệp cho các em thông qua giờ sinh hoạt dưới cờ hay trong buổi họp phụ huynh. Tùy trường hợp, giáo viên có thể cung cấp số điện thoại, địa chỉ của gia đình học sinh để trường nghề gặp gỡ trực tiếp. Công tác giáo dục hướng nghiệp được thực hiện liên tục chứ không phải đợi đến cuối năm mới triển khai.

Tại Trường THCS Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội), vấn đề tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, nhất là lớp 9 được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh: Nhà trường thường xuyên triển khai các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm hướng nghiệp hàng kỳ, hàng năm; tổ chức nhiều hội thảo định hướng phát triển nghề nghiệp cho học trò nhằm khuyến khích các em học tập, rèn luyện, xây dựng và nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp trong tương lai theo năng lực, sở thích và nhu cầu phát triển của xã hội.

Những năm gần đây, trường có hơn 80% học sinh lớp 9 đỗ và học các trường THPT công lập, còn lại các em theo học các trường ngoài công lập, trường nghề và trung tâm GDTX. Trong đó, nhà trường đẩy mạnh khâu tuyên truyền và không để xảy ra tình trạng “ép” các em học kém đi học nghề mà không được thi vào lớp 10. Sự lựa chọn là ở học sinh và phụ huynh, thầy cô chỉ là người định hướng.

“Giáo dục nâng cao năng lực hướng nghiệp này không chỉ dành riêng cho các em có định hướng đi học trường nghề sau khi tốt nghiệp THCS, mà còn dành cho cả học sinh khá, giỏi. Điều này sẽ giúp các em nuôi dưỡng được ước mơ nghề nghiệp của mình trong tương lai. Sau các chương trình hướng nghiệp được tham gia, các em đều chăm học hơn và học có mục tiêu, kế hoạch rõ ràng và nhiều em học tiến bộ hơn hẳn” - cô Bình cho hay.

Cô trò Trường THCS Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) tại Hội thảo “Nâng cao năng lực giáo dục hướng nghiệp cho học sinh” tổ chức tháng 4/2021.
Cô trò Trường THCS Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) tại Hội thảo “Nâng cao năng lực giáo dục hướng nghiệp cho học sinh” tổ chức tháng 4/2021.

Đa dạng hình thức định hướng nghề nghiệp

Là đơn vị đi đầu của huyện Trực Ninh (Nam Định) trong những năm qua, Trường THCS thị trấn Cổ Lễ đã làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Cô Lương Thị Huyền – Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nên ban giám hiệu đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ tư vấn hướng nghiệp, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn, Trung tâm học tập cộng đồng, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Nam Định, trung tâm GDNN - GDTX huyện, các doanh nghiệp… triển khai tư vấn hướng nghiệp cho học sinh toàn trường, nhất là học sinh lớp 9. Mục đích nhằm giúp các em có những định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu thị trường lao động hiện nay.

Nhà trường đã và đang tăng cường công tác truyền thông với nhiều đối tượng và bằng các hình thức phong phú, đa dạng như tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên; tuyên truyền tới phụ huynh hay trong các dòng họ bằng hình thức nêu gương; lập fanpage “Cùng bạn chọn nghề - Sáng tương lai”; đăng tải những bài phỏng vấn của các em về tìm hiểu các nghề truyền thống và nghề mới trong thời đại 4.0 trên website của trường.

Ngoài ra, thông qua các buổi tọa đàm hướng nghiệp, học sinh được trực tiếp lắng nghe những chia sẻ của giáo viên trường nghề, lãnh đạo trung tâm GDNN - GDTX để trao đổi thông tin về các loại hình đào tạo nghề đang được quan tâm hiện nay. Đồng thời, nghe tâm sự của các doanh nhân thành đạt ở địa phương về ngành nghề đang phát triển có thu nhập cao và đang cần nguồn nhân lực qua đào tạo; giải đáp những thắc mắc, băn khoăn về nghề nghiệp và hướng đi trong tương lai.

Từ đó, các em có những định hướng nghề nghiệp cho bản thân sau này, tạo động lực và hứng thú với nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Không chỉ vậy, việc trải nghiệm thực tế “Một ngày với ngành nghề mình yêu thích” đã tạo điều kiện cho học sinh hiểu và được chạm tay vào những ngành nghề mình yêu thích, từ đó phát hiện được những ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của mình.

Là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong nhiều năm qua, TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội - chia sẻ: Đơn vị đang tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp với một số trường THCS để hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 sau khi tốt nghiệp.

Do điều kiện dịch bệnh nên năm 2022, hoạt động tư vấn hướng nghiệp cũng như tiếp cận, chia sẻ nguồn thông tin cho thí sinh được nhà trường thực hiện linh hoạt. Đơn vị nào đủ điều kiện về an toàn phòng dịch trường sẽ cử cán bộ, nhân viên tới tư vấn trực tiếp. Từ đầu năm học đến nay, trung tâm tuyển sinh của trường đã tới nhiều trường THCS tại các quận/huyện như Thanh Trì, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm để tuyên truyền. Với những em tốt nghiệp THCS khi vào trường sẽ gọi là hệ THPT - cao đẳng.

Các em sẽ được học chương trình văn hóa GDTX bậc THPT, học nghề liên thông lên trung cấp và cao đẳng. Sau 3 năm học văn hóa bậc THPT, học viên có thể thi tốt nghiệp lấy bằng trung cấp và đi làm luôn. Nếu tốt nghiệp trung cấp bằng khá trở lên và có nhu cầu, các em sẽ học thêm một năm nữa để liên thông lên bậc cao đẳng ở tất cả ngành đào tạo của trường.

“Mỗi người có những năng lực, thế mạnh riêng. Nếu bố mẹ mong chờ con trở thành học sinh giỏi tất cả môn bậc phổ thông như Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… thực sự không khả thi. Phụ huynh nên động viên, khích lệ con lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực của mình. Ví dụ, nấu ăn cũng là một nghề và thích hợp với em có khiếu về nấu nướng. Theo quan sát từ thực tiễn, những người có cách tiếp cận nghề nghiệp tốt và phát huy được hết sở trường, năng lực của mình mới là người trưởng thành, kinh tế ổn định. Như vậy, đại học cũng là một con đường nhưng không phải là duy nhất. Học sinh, phụ huynh cần hiểu rõ để có sự lựa chọn đúng đắn” – TS Đồng Văn Ngọc bày tỏ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ