Định hướng nghề từ sớm
Mới đây, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) đã tổ chức chương trình tọa đàm trao đổi về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Chia sẻ tại đây, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Trưởng Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - Chủ biên chương trình môn Toán 2018 đã giới thiệu những nét cơ bản nhất về định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong đó có môn Toán để học sinh, phụ huynh nắm được. Từ đó, các em sẽ có cách thức lựa chọn tổ hợp môn học trước khi vào lớp 10 THPT.
Một trong những nội dung được vị chuyên gia nhấn mạnh nhiều lần, đó là phụ huynh nên chọn nghề, chọn trường cho con khi các em mới vào lớp 10. Đây là sự chuyển đổi mang tính căn bản trong Chương trình GDPT 2018 về công tác hướng nghiệp. Nếu như trước đây, việc hướng nghiệp gần như chỉ dồn lên vai các thầy cô dạy lớp 11, 12 thì từ nay, nhiệm vụ này sẽ dành cho cả giáo viên ngay từ lớp 8, 9.
Khối ngành nghề đào tạo đi liền với khối tuyển sinh. Do đó, nhà trường nên tổ chức để phụ huynh nên chọn cho con 5 môn tự chọn theo khối ngành tuyển sinh. Các trường thuộc khối ngành Khoa học công nghệ thường tuyển sinh theo các môn Vật lý, Hóa học. Khối ngành Y dược, sức khỏe tuyển sinh theo tổ hợp môn Hóa học, Sinh học. Thực tế cho thấy, mỗi em chỉ cần theo một khối và học chuyên sâu là đủ, hiếm thấy em nào theo được cả khối A (Toán, Vật lý, Hóa học) và khối B (Toán, Hóa học, Sinh học) vì sẽ rất áp lực.
Tổ hợp Lịch sử, Địa lý thì liên quan trực tiếp đến các khối ngành Khoa học xã hội nhân văn. Đặc biệt, nhiều trường Luật rất ưu tiên tổ hợp có các môn Lịch sử, Giáo dục công dân. Hệ thống các trường Kinh tế thường tuyển sinh theo tổ hợp Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; hoặc Toán, Vật lý, Hóa học. Ngoài ra, học sinh nên chọn học môn Tin học. Hiện nay, công nghệ 4.0 đã làm xã hội thay đổi rất nhanh. Trong vòng từ 10 - 15 năm nữa, sự xâm nhập của công nghệ thông tin vào đời sống con người còn mạnh mẽ hơn nhiều. Nếu không nắm bắt được kiến thức về Tin học thì sẽ bị tụt lùi.
"Thông qua trao đổi với phụ huynh tôi nhận thấy, cuộc đời chúng ta có rất nhiều ước vọng. Có những điều không làm được thành thất vọng. Điều quan trọng nhất là không nên bắt con mình thực hiện ước vọng mà cuộc đời mình không làm được. Đây là một thực tế ở không ít gia đình. Ngoài ra, chúng ta đừng nên coi thành tích học tập của con là niềm tự hào của gia đình và khoe lên mạng xã hội. Đừng tự gây ra áp lực cho con từ chính thành tích học tập của các em", GS Thái nhấn mạnh.
Giúp học sinh hiểu đúng về nghề
GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho hay, theo dự báo của UNESCO và Tổ chức Lao động thế giới, trong vòng 10 năm tới đến 2030, những ngành nghề lao động giản đơn cơ bắp sẽ ngày càng ít đi bởi các quy trình lao động hợp lý lên. Thứ hai, do sự xâm nhập của robot, trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, ngành May mặc có thể mất 30% số công ăn việc làm trong 10 năm tới bởi quá trình "robot hóa". Tuy nhiên, không thể dự báo ngành nghề mới xuất hiện vì sự xâm nhập của Công nghệ 4.0 là không lường được.
Trong khung trình độ quốc gia Việt Nam kèm theo văn bản số 1982 năm 2016 của Chính phủ thì nước ta có 8 nhóm ngành nghề. Đây là khung định hướng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Ví dụ, khối ngành liên quan đến khoa học; Công nghệ, trong đó có công nghệ truyền thống nền tảng và công nghệ mới; xã hội nhân văn; Dịch vụ như du lịch, hàng không, logistic; Y dược, chăm sóc sức khỏe; An ninh quốc phòng.
Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục có nhiệm vụ xây dựng mã ngành và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho từng trường và hệ thống đại học. Từ ý kiến của phụ huynh cho rằng, nhà trường nên làm công tác hướng nghiệp, giới thiệu các ngành nghề hiện hữu và trong tương lai gần của Việt Nam cho học sinh lớp 7 trở lên là rất xác đáng và hợp lý. Các em phải biết ở nước ta có nghề nào và phải hiểu về nói thì mới biết được mình có thực sự thích nghề đó hay không.
"Nhà trường sau khi làm xong bước đó thì có thể mời một số chuyên gia tới trường nói chuyện với học sinh ở một lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, mời một chuyên gia trong ngành dịch vụ tới trao đổi với học sinh xem trong ngành dịch vụ có những thuận lợi, khó khăn gì. Bởi bất kỳ ngành nghề nào cũng đòi hỏi phẩm chất của con người trong ngành nghề đấy.
Để làm giáo viên thì rất cần phải có lòng thương người, chỉ có yêu trẻ thì mới dạy được trẻ. Bác sĩ phải có tình thương với người bệnh... Nói về công tác nghề nghiệp, có lẽ hiếm nước nào làm tốt và sớm như Singapore. Họ làm từ lúc học sinh mới 4 tuổi. Trẻ được xem các video clip giới thiệu các ngành nghề trong xã hội bằng những hình ảnh vô cùng sinh động" - GS Đỗ Đức Thái dẫn giải.