Định hướng nghề nghiệp cho Học sinh: Chú trọng cung cấp thông tin

GD&TĐ - Còn khoảng 3 tháng nữa là Kỳ thi THPT quốc gia 2017 chính thức diễn ra. Bên cạnh việc tập trung ôn tập, trang bị kiến thức các môn thi thì đây là thời điểm quan trọng để HS lớp 12 tìm hiểu, cân nhắc để đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề cho mình. 

Định hướng nghề nghiệp cho Học sinh: Chú trọng cung cấp thông tin

Bên cạnh sự chủ động của HS, những tư vấn của gia đình, nhà trường và định hướng xã hội là hết sức cần thiết để cung cấp thông tin nghề nghiệp cho các em.

Chủ động lựa chọn ngành học

Năm nay là năm thứ 3 Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi 2 trong 1, vì vậy HS không còn nhiều băn khoăn, bỡ ngỡ về cách thức thi mới. Các em cũng đã làm quen quy chế thi THPT quốc gia, cũng như được chia sẻ kinh nghiệm đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ từ những mùa thi trước.

Thời điểm này, một trong những điều HS lớp 12 quan tâm nhất là kế hoạch tuyển sinh cụ thể của từng trường ĐH, CĐ và các trường nghề. Em Nguyễn Huy Hoàng (HS Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc) cho biết: Hiện tại Bộ GD&ĐT mới công bố quy chế thi THPT quốc gia 2017, chứ chưa công bố quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Vì thế, em cũng như nhiều bạn khác có tâm lý mong chờ quyết định của Bộ để có cơ sở lựa chọn, đăng ký xét tuyển ngành nghề cho mình.

Hiện một số trường ĐH, CĐ đã thành lập bộ phận tuyển sinh và giới thiệu, thông tin về chương trình đào tạo các ngành học hiện có đến HS phổ thông cho HS có nhu cầu tìm hiểu. Trong đó, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh, khu vực tuyển sinh của từng trường là vấn đề được HS đặc biệt quan tâm.

Điều dễ nhận thấy là hiện nay, HS đã có sự xác định, lựa chọn từng ngành học cụ thể tại trường ĐH, chủ động trong việc tìm kiếm cho mình con đường nghề nghiệp phù hợp sau THPT. “Hiện em đang quan tâm đến ngành Kinh doanh quốc tế mô hình tiên tiến Nhật Bản. Đây là ngành mới của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội nên thông tin chưa nhiều. Được biết, nếu trúng tuyển, HS sẽ vừa học chuyên môn vừa học tiếng Nhật song song với nhau. Điểm thi vào ngành dự kiến khá cao nhưng em rất thích ngành này và tương lai có khả năng sang Nhật để thực tập và làm việc”, em Nguyễn Trung Hiếu, HS lớp 12A2, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho biết.

Còn em Nguyễn Thị Hiền, HS Trường THPT Nghi Lộc 4 chia sẻ dự định sẽ đăng ký xét tuyển vào khoa Sư phạm, Trường ĐH Vinh. “Những năm gần đây, Nghệ An đang thừa nhiều giáo viên, sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường cũng rất khó xin việc làm. Nhưng làm cô giáo là ước mơ từ nhỏ của em, em cũng thấy tính cách của mình phù hợp với làm nghề dạy học, vì vậy em vẫn quyết tâm học sư phạm. Có thể, sau 4 năm, nhu cầu về giáo viên sẽ khác bây giờ”.

Học ngành gì phải vững ngành đó

Cân nhắc đến khả năng bản thân có “đủ sức” cạnh tranh với các thí sinh khác trong khắp cả nước để giành “suất” vào ngành và trường học yêu thích, nhiều HS còn lo lắng về cơ hội việc làm sau này. Có năng khiếu về các môn khoa học xã hội và thích trở thành MC, em Hoàng Quỳnh Anh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) - chia sẻ: Em muốn học báo chí và sau này trở thành MC của đài truyền hình, nhưng em thấy nhiều người nói muốn xin được vào đó rất khó, nên em đang rất băn khoăn…

Chia sẻ về điều này, TS Vũ Thị Kim Hoa (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nói: Với các bạn HS lớp 12, ngay tại thời điểm này rất khó để khẳng định được ngành nào dễ hoặc khó xin việc. Lời khuyên đối với các bạn là nếu xác định theo đuổi ngành nào thì hãy học giỏi, vững chuyên môn ở ngành đó. Xã hội luôn cần những người giỏi thực sự, lao động có chất lượng, và khi đó các bạn sẽ không lo thiếu việc làm.

Tại Nghệ An, HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số ba huyện nghèo Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn tốt nghiệp THPT có thể được tuyển thẳng vào một số trường đại học. Nhưng dù được ưu tiên như thế nhưng trong quá trình triển khai, HS không mấy hứng thú với chính sách này.

Tại Trường THPT Kỳ Sơn, dự kiến tỷ lệ HS đăng ký để xét tốt nghiệp trong năm học này xấp xỉ 80%. Gặp em Xà Bá Trừ (lớp 12 K), em cho biết: Em chỉ muốn tốt nghiệp xong, học nghề rồi đi làm có lương ngay. Đây cũng là tư tưởng chung của rất nhiều HS khác và được nhiều phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Thay vì vào đại học, nhiều HS đã nghĩ tới việc vào Nam hoặc đi sang Trung Quốc, Lào để dễ dàng tìm kiếm việc làm.

Được biết, năm 2017, các trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có những nét mới trong tuyển sinh, đó là tuyển sinh quanh năm, tuyển sinh từ bậc THCS. Việc dự tuyển vào các trường giáo dục chuyên nghiệp với nhiều hình thức: Xét tuyển, thi tuyển, xét tuyển kết hợp với thi tuyển.

Có thể nói “cửa vào” cho HS đang được mở ra với nhiều lĩnh vực, cấp bậc, trình độ. Điều quan trọng là lựa chọn đúng trường, đúng ngành, đúng nghề, đúng sở trường. Là người nhiều lần trao đổi, trả lời các câu hỏi của HS về vấn đề “chọn ngành gì để có nghề tốt”, Tiến sỹ Phạm Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Công tác Thanh niên Học viện Thanh thiếu niên cũng nói: “Nếu muốn làm người bình thường thì chọn cái gì cũng được. Nhưng nếu muốn trở thành chuyên gia, sáng tạo với nghề thì hãy chọn nghề theo đam mê, sáng tạo trên ngành nghề đang theo đuổi”.

Thực tế, những định hướng này cũng chính là mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đang thực hiện trong tiến trình đổi mới. Đó là, thay vì đào tạo theo năng lực của các nhà trường thì hiện tại đang đào tạo theo hướng tiếp cận nguồn lực cho sự phát triển đất nước.

Bên cạnh đích đến vào các trường ĐH, CĐ, nhiều HS ở Nghệ An hiện nay đã chuyển hướng mục tiêu vào các trường nghề, vừa phù hợp với học lực và tài chính của gia đình; đặc biệt là những HS ở khu vực nông thôn, miền núi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ