Định hướng đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2014

GD&TĐ - Trước vấn đề đặt ra với đề thi môn Ngữ văn: Đề mở, đáp án mở như thế nào? PGS Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) - đã có những phân tích cụ thể.

Định hướng đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2014

Ông bày tỏ quan điểm: Mở tức là không buộc học sinh, kể cả trong nội dung, hình thức, cách thức biểu đạt; nhưng cũng không mở đến mức không thể chấm nổi. 

Đề mở phải có đáp án mở, theo đó, trong đáp án phải có ý thật căn cốt, ngoài ra khuyến khích thêm những ý sáng tạo, mới mẻ, cách tiếp cận, cách cảm phong phú, đa dạng của học sinh…

2 lĩnh vực phải kiểm tra

Từ đây, nói đến định hướng đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay, tại Hội thảo Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông (10/4), ông Đỗ Ngọc Thống cho rằng dứt khoát phải có định hướng đổi mới, vấn đề là đổi mới đến đâu. 

Tuy nhiên, theo PGS Thống, có 2 lĩnh vực phải kiểm tra, đó là đọc hiểu văn bản và năng lực viết - tạo lập văn bản. Phần đọc hiểu không nhất thiết phải ra lại tác phẩm đã học mà có thể trên những dữ liệu phong phú, đa dạng, tuy nhiên không vượt quá nhận thức của học sinh phổ thông.

Về kỹ năng viết, trước mắt cũng sẽ vẫn có hai câu, nhưng có thể không nhất thiết phải viết cả bài mà làm dàn ý và yêu cầu học sinh chỉ phát triển một luận điểm, làm thế nào để vừa sức học sinh và phù hợp với khung thời gian 120 phút.

“Với chương trình sắp tới, đề nghị các thầy cô bớt các tính chất kiên cố của khái niệm môn học mà tư duy sang phát triển các lĩnh vực. Với phổ thông, các lĩnh vực đan xen nhau rất chặt chẽ, không tách rời Văn hay Lịch sử” – ông Đỗ Ngọc Thống đề nghị.

Mềm dẻo, đa dạng trong kiểm tra, đánh giá

Tuy nhiên, việc đặt ra mục tiêu về năng lực Ngữ văn dường như còn bị xem nhẹ. 

Trước vấn đề này, nhận định của Bộ GD&ĐT, đánh giá năng lực Ngữ văn là một việc không dễ, bởi thông qua đánh giá, làm sao giúp cho mỗi cá nhân học sinh thêm tự tin thể hiện một cách hiểu, sự suy nghĩ, vận dụng theo cách của riêng mình trước một vấn đề do thực tiễn cuộc sống hay tác phẩm văn học đặt ra.

Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nêu rõ: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc.

Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, cần tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học”.

Việc đánh giá chất lượng học tập của học sinh trong môn Ngữ văn theo hướng “phát triển năng lực” cần có những đổi mới mang tính đột phá. Điều này đã được định hướng trong Dự thảo đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015.

Theo đó, đánh giá kết quả giáo dục phải phản ánh mức độ đạt chuẩn chương trình (cấp học, môn học); phải cung cấp thông tin đúng, khách quan, kịp thời cho việc điều chỉnh hoạt động dạy, hướng dẫn hoạt động học nhằm nâng cao dần năng lực học sinh.

Thực hiện đa dạng phương pháp đánh giá như quan sát, vấn đáp, kiểm tra trên giấy, trình bày báo cáo, dự án học tập,… Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kì, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của học sinh; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội”.

Như vậy, từ định hướng trên, Bộ GD&ĐT nhận định: Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh trong thời gian tới sẽ tránh được sự đơn điệu, hình thức, phiến diện; mà được thực hiện theo những cách thức mềm dẻo, đa dạng; kết quả đánh giá chất lượng học tập được phản ánh và tiến hành từ nhiều bình diện nhằm phát huy tối đa tiềm năng, sở trường và những bộc lộ sáng tạo riêng của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ