Đề xuất hướng dẫn chấm đề thi môn Ngữ văn theo hướng mở

GD&TĐ - Để đề thi theo hướng mở của môn Ngữ văn có giá trị, có thể được vận dụng hiệu quả thì việc đề ra hướng dẫn chấm, thực hiện hướng dẫn chấm cũng cần phải mở. Dưới đây là những đề xuất cho hướng dẫn chấm mở.

Giám khảo chấm thi môn Văn tốt nghiệp THPT năm 2013 tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giám khảo chấm thi môn Văn tốt nghiệp THPT năm 2013 tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

1. Hướng dẫn chấm cần bảo đảm kiến thức, năng lực và phẩm chất cần thiết theo chuẩn: Đề thi mở thì hướng dẫn và cách chấm bài, đánh giá HS cũng phải mở. Nhưng, dù mở thế nào thì cũng phải bám vào một điểm chung đó là chuẩn. 

Dựa trên chuẩn đã xây dựng để định hướng cho những yêu cầu về kiến thức, năng lực, phẩm chất của người học. Vấn đề cần đặt ra là phải hài hòa được các yêu cầu này theo chuẩn. Người giáo viên phải là người nắm rõ các chuẩn của chương trình để xác định rõ phần cứng và phần mở.

2. Đảm bảo yêu cầu cao về năng lực và phẩm chất của người học, hài hòa yêu cầu về kiến thức: Như đã nói ở trên, đề mở là mở cả về kiến thức, năng lực và phẩm chất, tư tưởng của người học. 

Tuy vậy, không nên cực đoan, quá xem trọng năng lực và phẩm chất trong yêu cầu của hướng dẫn chấm, đánh giá mà quên mất việc đánh giá tri thức, hiểu biết của học sinh. 

Bất kỳ sự đổi mới nào cũng không thể bỏ qua yêu cầu trau dồi tri thức. Phải hài hòa được các yêu cầu này. Đây cùng là xu hướng mà việc đổi mới đang hướng đến.

3. Tạo những khoảng mở cho người chấm đánh giá sự sáng tạo của học sinh: Khi vận dụng việc ra đề mở, giáo viên thường vấp phải một rào cản đó là tâm lý khó chấp nhận tư duy mở khi chấm bài cho học sinh. 

Giáo viên quen nghe những điều học sinh nói theo mình, nói theo sách, không dễ chấp nhận những cái riêng của học sinh. Đó là chưa kể việc nhiều giáo viên chưa đủ khả năng đánh giá những sự sáng tạo của học sinh. 

Chính vì thế, để đảm bảo an toàn, giáo viên thường lựa chọn phương án nêu yêu cầu chấm bài đóng. Điều này là cho việc chấm bài theo hướng mở không thể đúng như mong muốn. 

Vậy, đưa ra yêu cầu cho việc đánh giá bài kiểm tra (hướng dẫn chấm) thì nhất thiết phải có những khoảng mở rộng rãi để chính người chấm được mở. Phải có niềm tin vào giáo viên, phải thay đổi được tư duy và cả năng lực của họ để có thể chấm bài mở.

Thực tế những năm gần đây, nhiều đề thi của nhiều địa phương, nhiều giáo viên đã là rất tốt điều này. Đề thi và hướng dẫn chấm đã thực sự mở. Nó tạo được sự đồng thuận rộng rãi của cả giáo viên, học sinh và dư luận xã hội. Tiếc là xu hướng này chưa trở thành phổ biến!

4. Chú trọng đặc trưng môn học công cụ và nghệ thuật của bộ môn để hướng dẫn chấm thực sự có ý nghĩa khi mở.

Với đặc thù là môn học công cụ, môn Ngữ văn cung cấp công cụ giao tiếp, tư duy và nhiều công cụ khác cho con người tồn tại và phát triển. 

Yêu cầu của một hướng dẫn chấm cần phải chú ý tới điều này. Cần cho phép người làm bài vận dụng những công cụ đó tốt nhất, sáng tạo nhất để biểu đạt tư tưởng. Không gò bó sự vận dụng công cụ giao tiếp, tư duy trong một khuôn khổ quá chật hẹp.

Mặt khác, Ngữ văn là môn học nghệ thuật, mà nghệ thuật thì cần sự sáng tạo không ngừng để tồn tại. HS học cách đọc - hiểu văn bản chính là học cách tiếp nhận tác phẩm văn chương, học cách làm một người đọc thông minh và có học. 

Vì thế, hướng dẫn chấm cho một đề mở phải tạo một khoảng mở thật rộng để người học thể hiện khả năng nghệ thuật của mình. 

Điều đó còn tạo cơ hội cho người chấm có thể nghe, thấu hiểu và trân trọng cảm thụ riêng của người học. Làm được điều này không dễ, nhưng không quá khó. Và khi làm được thì hứng thú của người học sẽ thay đổi hoàn toàn.

Đổi mới hướng ra đề và cách chấm bài như vậy ngoài ý nghĩa to lớn là đánh giá quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của người học, còn là một giải pháp quan trọng để tác động ngược lại việc đổi mới phương pháp dạy học. 

Hơn nữa, đây là một trong những yếu tố chính để khắc phục tình trạng nhàm chán, nặng nề, không còn hấp hẫn và hứng thú học tập đối với môn Ngữ văn của nhiều học sinh hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ