Điều trị sức khỏe tâm thần nhờ mùi mồ hôi

GD&TĐ - Lo lắng xã hội là một tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến khi mọi người sợ hãi quá mức về việc tham gia vào các tình huống xã hội.

Những phụ nữ tiếp xúc với mồ hôi của người đã xem bộ phim hài hước hoặc đáng sợ, phản ứng tốt hơn với liệu pháp chánh niệm.
Những phụ nữ tiếp xúc với mồ hôi của người đã xem bộ phim hài hước hoặc đáng sợ, phản ứng tốt hơn với liệu pháp chánh niệm.

Các nhà nghiên cứu châu Âu đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc với mùi của con người, chiết xuất từ mồ hôi của người khác, có thể được sử dụng để tăng cường điều trị một số vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Trong một nghiên cứu sơ bộ, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, chứng lo âu xã hội giảm đi khi bệnh nhân trải qua liệu pháp chánh niệm trong khi tiếp xúc với “tín hiệu hóa học” của con người. “Tín hiệu hoá học” này thường được gọi là mùi cơ thể, thu được từ mồ hôi dưới cánh tay của các tình nguyện viên.

Tác giả chính của nghiên cứu - bà Elisa Vigna, thuộc Viện Karolinska ở Stockholm (Thuỵ Điển), cho biết: “Trạng thái tinh thần khiến chúng ta tạo ra các phân tử (hoặc tín hiệu hóa học) trong mồ hôi và mang lại phản ứng tương ứng ở người nhận.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ của chúng tôi cho thấy, việc kết hợp các tín hiệu hóa học này với liệu pháp chánh niệm dường như tạo ra kết quả tốt hơn trong điều trị chứng lo âu xã hội so với phương pháp chánh niệm đơn thuần”.

Lo lắng xã hội là một tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến khi mọi người sợ hãi quá mức về việc tham gia vào các tình huống xã hội. Điều này có thể ảnh hưởng đến các tương tác, như trong môi trường làm việc hoặc mối quan hệ, cũng như tình huống hằng ngày.

Nghiên cứu liên quan đến việc thu thập mồ hôi từ các tình nguyện viên. Sau đó, bệnh nhân được tiếp xúc với các tín hiệu hóa học chiết xuất từ những mẫu mồ hôi này. Những người này tiếp tục được điều trị chứng lo âu xã hội. Các mẫu mồ hôi được thu thập từ những tình nguyện viên đang xem các đoạn phim ngắn.

Những bộ phim này được chọn để gợi ra trạng thái cảm xúc cụ thể như sợ hãi hoặc hạnh phúc. Qua đó, các nhà nghiên cứu có thể xem liệu những cảm xúc cụ thể người bệnh trải qua khi đổ mồ hôi có ảnh hưởng khác nhau đến việc điều trị hay không.

Sau khi thu thập mồ hôi, các nhà nghiên cứu tuyển chọn 48 phụ nữ (tuổi từ 15 đến 35) mắc chứng lo âu xã hội. Những người này được chia thành 3 nhóm. Mỗi nhóm 16 người. Trong khoảng 2 ngày, tất cả đều trải qua liệu pháp chánh niệm đối với chứng lo âu xã hội.

Đồng thời, mỗi nhóm được tiếp xúc với một mùi khác nhau. Những mùi này được thu từ mẫu mồ hôi của người đã xem các loại video khác nhau. Trong khi đó, nhóm đối chứng được tiếp xúc với không khí sạch.

Nhà nghiên cứu Elisa Vigna cho biết: “Chúng tôi phát hiện, những phụ nữ trong nhóm tiếp xúc với mồ hôi của người đã xem bộ phim hài hước hoặc đáng sợ, phản ứng tốt hơn với liệu pháp chánh niệm so với người khác”.

Cụ thể, những cá nhân thực hiện một buổi điều trị bằng liệu pháp chánh niệm cùng việc tiếp xúc với mùi cơ thể con người cho thấy, điểm lo lắng giảm khoảng 39%. Các nhà khoa học hy vọng, phát hiện này có thể dẫn đến phương pháp mới để giúp đỡ những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội.

Theo Medical Xpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.