Hôi miệng
Trong cuộc sống đời thường, nhiều người cố gắng tạo cho cơ thể mình một mùi hương thơm tho qua việc tắm gội, xông hơi, phun, xịt... thì ít ai chịu khen cho một tiếng. Nhưng ngộ nhỡ cơ thể bốc mùi vì một lý do nào đó thì lắm cặp mắt săm soi.
Đột nhiên, tại nơi có nhiều hơn hai người, ai đó khịt mũi, chau mày không mấy thân thiện “Chà, hôi ơi là… hôi!”. Hôi miệng biểu hiện thường gặp. Có thể nói, đó là những sự cố về sức khỏe mà nhiều khi chủ nhân có muốn cũng không kiểm soát nổi. Nguyên nhân gây ra không phải do… lười vệ sinh.
Hôi miệng là hiện tượng miệng bốc mùi gây cảm giác khó chịu cho những người xung quanh khi nói hoặc khi thở. Người bị hôi miệng lâu ngày thường tự ti, mặc cảm. Họ gần như hạn chế sự tiếp xúc, thường lảng tránh các cuộc gặp mặt và các hoạt động mang tính tập thể.
Bản chất của mùi hôi bốc ra này là đặc tính của một chất có gốc hóa học từ sulfur. Nhiều loại thực phẩm như nước ép trái cây, cà phê hoặc sữa... chứa các loại axit có khả năng biến đổi thành các hợp chất có gốc sulfur tạo mùi khó chịu. Do vậy cần phải chú ý vệ sinh răng miệng tốt sau khi dùng các loại thức uống nói trên.
Hôi miệng còn là biểu hiện gợi ý khá thú vị của nhiều bệnh lý mà các nhà chuyên môn cần thăm khám kỹ để xác định. Các bệnh đó có thể ở ngay trong khoang miệng, nhưng cũng có thể là ở ngoài khoang miệng. Các nguyên nhân ngay trong khoang miệng có thể là nhiễm trùng răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, viêm lợi… Nguyên nhân ngoài khoang miệng gặp ở những người có bệnh lý về gan, người có urê máu cao, người mắc bệnh đái tháo đường…
Người bị hôi miệng cần chú ý tăng cường vệ sinh răng miệng hàng ngày, nhất là sau khi ăn uống. Nếu nghi ngờ mắc các bệnh lý nêu trên cần phải đi khám chuyên khoa để tìm nguyên nhân và điều trị một cách có hiệu quả, nhằm kết thúc sự khốn khổ về mùi không mời mà đến này.
Trên thị trường hiện có một số loại nước súc miệng tạo mùi thơm có thể hỏi mua tự do tại các quầy thuốc. Nhưng nhớ là “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”! Nếu không, việc lạm dụng có khi lại làm cho miệng càng... hôi hơn.
Lý do là vì dung môi cồn trong nước súc miệng ức chế sự bài tiết nước bọt có chứa các thành phần hạn chế sự phát triển của vi khuẩn bất lợi cho cơ thể. Nhân cơ hội đó, các phần tử không mấy thân thiện này nổi lên làm loạn. Do vậy, trước đã… hôi, nay lại càng hôi… hơn! Chà, xem ra việc này cũng cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa… họng cho chắc!
Hôi nách
Ảnh minh họa. |
Hôi nách chưa bao giờ là điều dễ chịu đối với những người xung quanh. Hôi nách là biểu hiện khá quen thuộc và thường gặp ở độ tuổi thanh, thiếu niên, nhất là ở lứa tuổi dậy thì (tuổi teen), vì lúc này các tuyến mồ hôi lớn ở nách đang bắt đầu phát triển mạnh. Cả teenboy và teengirl đều có thể bị hôi nách. Nhưng không biết trời “ghét” gì mà tỉ lệ teengirl bị hôi nách lại nhiều hơn teenboy.
Mồ hôi nách thì ít nhiều ai cũng có. Nhưng hiện tượng “hôi tiêu biểu” xảy ra là sự trục trặc trong quá trình chế tạo mùi mồ hôi của khổ chủ. Quá nhiều chất tạo mùi như amoniac (còn gọi là nước đái quỷ) và axit béo xuất hiện trong thành phần mồ hôi được sản xuất ra từ các tuyến mồ hôi của nách.
Bên cạnh đó, các vị khách không mong đợi như nấm và vi khuẩn tấn công gây phân hủy các tổ chức ngấm mồ hôi ở khu vực nách tạo nên “biến khúc mùi” làm nhức mũi và phiền lòng thiên hạ. Và vào mùa nóng thì cường độ hoạt động của các tuyến mồ hôi càng gia tăng, nấm mốc và vi khuẩn càng dễ phát triển nên càng làm cho sự bốc mùi trở nên “tưng bừng” hơn.
Một số thuốc chữa hôi nách có thể sử dụng được như sau: Chlorophyl viên 50 mg, uống 1 - 2 viên x 3 lần/ngày. Dùng đợt 30 ngày, nghỉ một tuần để “nghe ngóng tình hình”, nếu cần thì tấn công tiếp. Các thuốc đặc trị tại chỗ như Deodoral, Dr. Paul dạng phun hơi hoặc sáp bôi được dùng khá phổ biến. Bôi hoặc xịt ngày từ 2 - 3 lần là tình hình môi trường sẽ được cải thiện ngay.
Phương pháp dân gian cổ truyền dễ thực hiện, lại ít tốn kém như sau: Sau khi tắm rửa sạch sẽ, xát phèn chua đã phi và tán thành bột vào nách 3 - 4 lần/tuần. Hoặc là dùng cục phèn chua to mua ở chợ xát vào nách để khử mùi.
Những ai không may bị hôi… nách muốn biết việc “chữa chạy” có đạt hiệu quả hay không thì phải nhờ người khác… ngửi giúp. Vì mình tự ngửi là… thua, bởi vì “lão” mũi thân yêu của riêng mình ngửi mãi lâu ngày đã “trơ” cảm xúc với cái mùi ấy rồi!