Điều trị Covid-19: Âm tính chỉ sau vài ngày uống thuốc

GD&TĐ - Một số loại thuốc viên mới điều trị Covid-19 ngay khi mới phát bệnh với liều lượng 1 viên mỗi ngày đã tạo ra hy vọng tràn trề để bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường.

Điều trị Covid-19: Âm tính chỉ sau vài ngày uống thuốc

Cuộc thử nghiệm thuốc thành công có thể giúp nhân loại “sống chung với Covid-19”.

Cuộc thử nghiệm của Kelly

Trong vòng một ngày sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào tháng 6, bệnh tình của Miranda Kelly (sống ở Seattle, bang Washington, Mỹ) tiến triển nhanh vì chị quá sợ hãi! Ở tuổi 44, có bệnh nền tiểu đường và huyết áp cao, trợ lý điều dưỡng có giấy phép hành nghề này rơi vào tình trạng khó thở kèm những biến chứng buộc phải vào phòng cấp cứu.

Khi người chồng, Joe, 46 tuổi, cũng bị nhiễm virus và cũng phải nhập viện, nỗi sợ được đẩy lên cao trào. Kelly thực sự lo lắng cho 5 đứa con ở nhà. Chị kể lại: “Hy vọng chúng tôi không phải dùng máy thở. Nếu vợ chồng tôi có mệnh hệ gì, ai sẽ nuôi bọn trẻ?”.

Nhưng, hy vọng được mở ra. Vợ chồng Kelly đồng ý ngay sau khi chẩn đoán: Tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng một loại thuốc kháng virus mới tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutch gần đó.

Cuộc thử nghiệm là một phần của nỗ lực quốc tế nhằm tìm ra các phương pháp điều trị kháng virus (antiviral treatment) có thể ngăn chặn sự phát tác ngay từ lúc vừa nhiễm.

Đến ngày hôm sau nhập viện, hai vợ chồng đã uống bốn viên thuốc, chia làm hai lần một ngày. Mặc dù bệnh viện không cho họ biết thuốc họ uống là thật hay “giả dược”, nhưng trong vòng một tuần các triệu chứng biến mất dần.

Sau hai tuần, hai vợ chồng bình phục hoàn toàn. “Cuộc thử nghiệm giữ bí mật về loại thuốc bệnh nhân uống, nhưng mục tiêu đã thành công, virus không còn nữa. Đối với tôi, đây mới là điều quan trọng - Miranda Kelly nói - Sự hồi phục nhanh đến không ngờ!”.

Vợ chồng Kelly đã đóng góp vào việc phát triển một loại thuốc được đánh giá là “cơ hội mới” của thế giới để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Họ được điều trị theo một chế độ uống thuốc viên hàng ngày trong ngắn hạn ngay sau khi chẩn đoán nhiễm virus có thể ngăn chặn các triệu chứng.

Timothy Sheahan, nhà virus học tại Đại học North Carolina - Chapel Hill (Mỹ) tham gia vào cuộc thử nghiệm, nhận định: “Thuốc kháng virus đường uống không chỉ có khả năng làm giảm thời gian nhiễm bệnh mà giảm mức lây truyền cho gia đình và bạn bè đồng nghiệp”.

Ba ứng viên hàng đầu

Điều trị Covid-19: Âm tính chỉ sau vài ngày uống thuốc ảnh 1

Thuốc kháng virus là phương pháp điều trị cần thiết cho các bệnh nhiễm virus, gồm cả viêm gan C và HIV. Một trong những loại thuốc thông dụng là Tamiflu được kê đơn rộng rãi để rút ngắn thời gian nhiễm cúm và giảm nguy cơ nhập viện nếu uống sớm. Nhưng thuốc chưa đủ mạnh để chống Covid-19.

Các loại thuốc điều trị và ngừa nhiễm virus ở người và động vật, hoạt động khác nhau tùy loại. Nhưng chúng có thể được thiết kế làm sao để tăng cường hệ miễn dịch và block các thụ thể để virus không thể xâm nhập các tế bào khỏe mạnh hoặc giảm lượng virus hoạt động trong cơ thể.

Carl Dieffenbach, Giám đốc Khoa AIDS tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc   gia Mỹ (National Institute of Allergy and Infectious Diseases), phụ trách giám sát phát triển thuốc kháng virus nói: “Có ít nhất 3 loại thuốc viên kháng virus đầy hứa hẹn đang được thử nghiệm lâm sàng. Tôi tin chúng ta sẽ có câu trả lời về khả năng của các loại thuốc triển vọng này trong vài tháng nữa”.

Ứng cử viên hàng đầu là molnupiravir do hai công ty Merck & Co. và Ridgeback Biotherapeutics phát triển. Đây là sản phẩm được dùng trong cuộc thử nghiệm của vợ chồng Kelly.

Hai ứng cử viên khác là PF-07321332 của hãng Pfizer, và AT-527, một loại thuốc kháng virus do Roche và Atea Pharmaceuticals hợp tác sản xuất. Cả ba loại thuốc đều hoạt động bằng cách “làm đứt gẫy” khả năng tái tạo của Coronavirus trong tế bào người.

Với molnupiravir, enzyme sao chép vật liệu di truyền của Coronavirus bị “ép” tạo ra nhiều lỗi khiến chúng không thể sinh sản, làm giảm lượng virus trong bệnh nhân, rút ​​ngắn thời gian lây lan và ngăn chặn phản ứng miễn dịch quá mức dẫn đến bệnh nặng và tử vong.

Cho đến nay, chỉ mới có remdesivir được chấp thuận dùng điều trị Covid. Nhưng đây là thuốc tiêm tĩnh mạch chỉ dùng cho những bệnh nhân nặng phải nhập viện, và chưa được phép sử dụng rộng rãi cho người mới nhiễm. Ba ứng viên trên đều là dạng viên uống.

Sheahan, người từng tham gia thử nghiệm trước lâm sàng remdesivir nói: “Thử nghiệm trên chuột cho thấy molnupiravir có thể ngăn chặn sớm bệnh do SARS-CoV-2 (virus gây ra đại dịch Covid-19)”.

Công thức này được Đại học Emory tìm ra và sau đó được Ridgeback và Merck mua lại. Các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện vào mùa xuân năm ngoái với 202 người tham gia cho thấy molnupiravir giúp giảm nhanh chóng độ lây nhiễm.

Giám đốc điều hành Robert Davis của Merck cho biết công ty đang chờ dữ liệu tích cực từ thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ có trong vài tuần tới để xin phép Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho sử dụng khẩn cấp trước cuối năm nay.

Còn Pfizer đang thử nghiệm lâm sàng PF-07321332 kết hợp giai đoạn 2 và 3 từ ngày 1/9 và sẽ có kết quả vào cuối năm nay. “Nếu kết quả các cuộc thử nghiệm sáng sủa và được phép sử dụng khẩn cấp sớm, ba loại thuốc viên có thể được sản xuất ngay lập tức” - Dieffenbach nói.

Điều đó có nghĩa là hàng triệu người Mỹ sẽ sớm được tiếp cận với thuốc kháng virus dạng uống hàng ngày, lý tưởng nhất là một viên duy nhất mỗi ngày và có thể uống từ 5 - 10 ngày sau khi bị phơi nhiễm Covid.

Tiến sĩ Daniel Griffin, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và miễn dịch tại Đại học Columbia nhận định: “Chúng tôi mong muốn thuốc viên sẽ sớm có sẵn cho mọi người trên khắp nước Mỹ và sẽ được uống ngay ngay trong ngày phát hiện dương tính”.

Hồi sinh một nghiên cứu bị bỏ quên

Từng bị gạt ra ngoài vì “mơ hồ” và “không khả thi”, thuốc kháng virus đường uống đang là chiến trường cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều công ty dược và nhận được sự tài trợ hào phóng.

Tháng 6 qua, chính quyền của Tổng thống Biden thông báo đã ký thoả thuận mua khoảng 1,7 triệu liệu trình molnupiravir của Merck, với giá 1,2 tỷ USD (nếu thuốc được FDA cấp phép dùng khẩn cấp hoặc phê duyệt đầy đủ). Cùng lúc, chính quyền sẽ đầu tư 3,2 tỷ USD cho Chương trình Chống virus trong đại dịch (Antiviral Program for Pandemics), để phát triển thuốc chống Covid.

Theo Sheahan, Covid-19 đã giúp hồi sinh hoạt động nghiên cứu và phát triển thuốc kháng virus dạng viên nhưng mạnh hơn Tamiflu và các loại thuốc thông dụng khác. Bất chấp dịch SARS năm 2003 đáng sợ và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2012, hoạt động nghiên cứu thuốc kháng virus dạng viên vẫn bị chậm do dịch kết thúc sớm. “Dịch hết sớm có nghĩa là động lực thương mại không còn để nghiên cứu phát triển thuốc viên kháng virus” - Sheahan nhận định.

Các loại thuốc viên kháng virus mới khi được sử dụng rộng rãi sẽ bổ sung cho liệu pháp kháng thể đơn dòng đang được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa bệnh nhân Covid trở nặng và nhập viện. Là sản phẩm của phòng thí nghiệm, kháng thể đơn dòng (bắt chước phản ứng tự nhiên của cơ thể khi bị phơi nhiễm) dễ sản xuất hơn nhưng phải truyền tĩnh mạch nên bất tiện.

Hiện chính phủ liên bang Mỹ vẫn gánh hết chi phí của hầu hết thuốc kháng thể đơn dòng với giá 2.000 USD một liều (dose). Vẫn còn quá sớm để biết giá thuốc viên kháng virus rẻ hơn bao nhiêu. “Giống như kháng thể đơn dòng, thuốc viên kháng virus sẽ không thể thay thế tiêm chủng mà chỉ là một công cụ chống Covid khác.

Nhưng chỉ chừng đó thôi đã quá tốt - Tiến sĩ Elizabeth Duke, một cộng sự nghiên cứu của Fred Hutch trong cương vị giám sát thử nghiệm molnupiravir, nói – Nhưng một thách thức chúng tôi gặp phải là khó tìm đủ người (thường là hàng trăm người) chưa được tiêm chủng tham gia thử nghiệm lâm sàng trong 1 năm.

Những người tham gia phải chưa được tiêm chủng và đăng ký tham gia thử nghiệm trong vòng 5 ngày từ ngày xét nghiệm dương tính Covid. Nhưng đa số 100 người được gọi điện mỗi ngày tại Seattle đều từ chối, thậm chí quát mắng người gọi! Nói rõ hơn là vẫn có sự nghi ngờ về quy trình khoa học của thuốc viên”.

Theo The Atlantic 9.2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.