Vượt qua các phân môn Ngữ văn

GD&TĐ - Bộ môn Ngữ văn gồm nhiều phân môn, mỗi phân môn có một vị trí quan trọng riêng không thay thế nhưng đồng thời cũng có mối quan hệ gắn kết bổ trợ cho nhau.

Vượt qua các phân môn Ngữ văn

NGƯT. Hồ Quang Diệu (Trường THPT Đông Đô) chia sẻ những kinh nghiệm để có thể dễ dàng vượt qua các phân môn này.

Phân môn Văn học sử

Ở những bài Văn học sử, về tác gia cần nắm vững những điểm chính về tiểu sử, con người, sự nghiệp.

Trong chương trình Ngữ văn từ lớp 10 đến lớp 12 có một số bài Văn học sử về các giai đoạn, thời kỳ; một số bài Văn học sử về tác gia văn học. Cần hiểu khái niệm về tác gia, tác giả và nên nhớ lịch sử Văn học Việt Nam có rất nhiều tác gia nhưng chương trình chỉ chọn một số tác gia tiêu biểu.

Ở những bài Văn học sử giai đoạn, thời kỳ - cần nắm thật chắc hoàn cảnh lịch sử, các bộ phận, thể loại văn học với những tác gia, tác giả và tác phẩm tiêu biểu trong quá trình phát triển của nó.

Đặc biệt chú ý phần đánh giá những thành tựu về phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật; cũng cần nắm được những hạn chế nhược điểm và nguyên nhân.

Cần ghi nhớ những nhận định quan trọng có ý nghĩa soi sáng cho việc tiếp nhận tri thức tác phẩm văn học cụ thể.

Chẳng hạn nhận định về đặc điểm nổi bật của giai đoạn văn học Việt Nam 1945 - 1975 là: đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn sẽ có ý nghĩa quan trọng khi đi vào những tác phẩm cụ thể và các thể loại ra đời trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Đặc biệt chú ý quan điểm nghệ thuật, phong cách nghệ thuật. Khi học bài Văn học sử về các tác gia: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Nam Cao... trong chương trình Ngữ văn lớp 12 thì cần chứng minh phong cách nghệ thuật của các tác gia đó đã đem lại giá trị cao cho tác phẩm như thế nào?

Phân môn Lý luận văn học

Trong tất cả các lớp 10, 11, 12 dung lượng tri thức phân môn này không nhiều nhưng những gì đã quy định trong chương trình đều có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở lý luận, khoa học để người học nhìn nhận đánh giá một hiện tượng, một vấn đề văn học, một sự nghiệp, một trào lưu, một tác gia, tác giả, một tác phẩm cụ thể bằng những tiêu chí hết sức cơ bản.

Từ đó khẳng định thành tựu cũng như mặt hạn chế, non yếu. Học phân môn này phải luôn có ý thức gắn với tác phẩm, trào lưu, tác giả để soi chiếu, đánh giá đưa đến sự cảm nhận chính xác, đúng đắn.

Phân môn Tiếng Việt và Làm văn

Trong chương trình Ngữ văn luôn đặt nó trong mối liên hệ khá chặt chẽ với lịch trình học các tác phẩm đọc hiểu.

Nó có tác dụng khắc sâu những thành tựu về nghệ thuật sử dụng thể loại, các thủ pháp nghệ thuật về kết cấu, hệ thống lập luận, cách lựa chọn chi tiết, hình ảnh, từ ngữ, các phương pháp đặt câu, phương pháp lập luận theo các thao tác nghị luận, hoặc phương pháp miêu tả, kể chuyện, trần thuật... làm cho người học nắm, hiểu sâu sắc giá trị của các tác phẩm đọc hiểu.

Mặt khác từ các tác phẩm đọc hiểu mà bài học về Tiếng Việt và làm văn trở nên sinh động, dễ hiểu và gần gũi, gắn kết, bổ sung kiến thức, bổ trợ cho nhau.

Khi học các phân môn này, các em cần sử dụng óc liên tưởng thường xuyên và phong phú để liên kết tri thức bài học ở các phân môn, đặc biệt chú ý các bài tập thực hành.

Phân môn Đọc hiểu

Yêu cầu chung của phân môn đọc hiểu với tất cả học sinh là phải soạn bài theo hệ thống câu hỏi.

Đây là phân môn chiếm nhiều thời lượng nhất của chương trình, nội dung môn Ngữ văn, vì vậy các em cần tập trung nhiều hơn về thời gian và tâm sức để học thật tốt phân môn này.

Đây cũng là phân môn liên quan rất nhiều đến việc thi tốt nghiệp, thi đại học, cao đẳng...cũng như trang bị vốn tri thức văn học để rút ra được nhiều bài học về lẽ sống, đạo lý,nhân cách làm người có tầm văn hoá cao.

Cần chuẩn bị thật chu đáo bài học trước khi đến lớp: đọc tiểu dẫn và văn bản để có thể nhận ra được những cái hay, nổi bật nhất về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.

Những em có năng lực và say mê học văn cần thực hiện thêm một số phương pháp sau:

Tóm tắt tác phẩm, ghi những chi tiết quan trọng liên quan tới nhân vật trung tâm, những chi tiết tiêu biểu của tác phẩm, nhận xét sơ bộ về giá trị tác phẩm (cái hay, ấn tượng về nội dung, tư tưởng về nghệ thuật).

Có thể ghi thành một vài đoạn hoàn chỉnh về cảm nhận của bản thân, suy nghĩ và đặt câu hỏi để các bạn trao đổi, tranh luận ở lớp, hoặc nêu với thầy để được nghe thầy giảng.

Với tác phẩm là kịch cần tóm tắt hồi kịch trích học, nêu được những xung đột, mâu thuẫn chính là thấy được sự phát triển kịch tính; ghi lại hoặc gạch chân những câu đối thoại, độc thoại hàm chứa ý nghĩa nổi bật của nhân vật trung tâm, nhân vật chính...

Điều sau cùng là tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm và đoạn trích, từ đó liên tưởng ý nghĩa đương đại của tư tưởng tác phẩm.

Với tác phẩm là thơ, cần đọc kỹ và cố gắng thuộc lòng (bài thơ ngắn) và một số đoạn, số câu ấn tượng về ý nghĩa và vẻ đẹp nghệ thuật (những bài thơ dài).

Điều cốt yếu là phải nắm được mạch tứ của tác phẩm, mạch cảm xúc và suy tư được biểu hiện qua từng câu thơ trong khổ thơ, đoạn thơ; những biện pháp nghệ thuật tiêu biểu thuộc đặc trưng nghệ thuật thơ ca như âm hưởng, giọng điệu, hình ảnh, từ ngữ...

Làm được như thế chính là đã bước đầu khám phá tác phẩm.

Một vài ví dụ cụ thể

Học Văn trước hết là để hiểu Văn: biết cảm thụ, phân tích Văn; sau đó là hiểu đời, rút ra được bài học sâu xa về cuộc sống để có cách sống đẹp.     

Chuẩn bị học bài nghị luận văn học ở lớp 12 Nguyễn Đình Chiểu - ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc của Phạm Văn Đồng, các em cần tìm hiểu kỹ thời điểm ra đời của tác phẩm: 

Nhân kỷ niệm ngày mất lần thứ 75 của nhà thơ yêu nước tiêu biểu trong thi văn yêu nước và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19 - Bài viết ra đời năm 1963 - lúc đế quốc Mỹ và tay sai đang thẳng tay chém giết đồng bào ta ở miền Nam hết sức dã man và cũng là lúc nhân dân miền Nam kiên cường đứng lên chống Mỹ.

Có thấy được điều đó mới hiểu được câu văn mở đầu bài viết có tầm quan trọng như thế nào: “ Ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ dân tộc, nhất là trong lúc này”.

Cũng từ đó các em mới đi sâu vào tác phẩm, cảm nhận sâu sắc được hai điều: cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu nhất là qua hai tác phẩm tiêu biểu cho hai thời kỳ sáng tác: 

Sau khi Pháp xâm lược (1858) là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và trước khi Pháp xâm lược là Lục Vân Tiên đề cao Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa đều in đậm tư tưởng yêu nước, tư tưởng nhân đạo xứng đáng là “ Ngôi sao sáng” trong văn nghệ dân tộc.

Điều thứ hai là tính thuyết phục ở bài viết của Phạm Văn Đồng: sự hài hoà lý lẽ và tình cảm trong một chỉnh thể nghị luận chặt chẽ mẫu mực.

Một ví dụ khác, trước khi học bài Nhận đường của Nguyễn Đình Thi, các em học sinh cần chú ý 2 điểm:

Thứ nhất tìm đọc truyện Đôi mắt của nhà văn Nam Cao sáng tác năm 1948 được Tô Hoài đánh giá như một tuyên ngôn nghệ thuật của lớp nghệ sĩ cùng thời với Nam Cao trong những năm đầu kháng chiến;

Thứ hai các em cần tìm hiểu hoàn cảnh đất nước đầu kháng chiến; nhất là tình hình giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ để từ đó hiểu sâu sắc ý nghĩa của “Nhận đường” và cũng rút ra được những hiểu biết kỹ lưỡng về cách viết văn nghị luận của Nguyễn Đình Thi.

Các em cần tự mình tạo được tâm thế để đi vào thế giới của một tác phẩm: bắt đầu từ việc tự mình đặt ra những câu hỏi hoặc tập trung suy nghĩ trước những câu hỏi của thầy cho trước và có sự chuẩn bị chu đáo để tham gia tích cực khi học trên lớp.

Chẳng hạn đến với tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, các em có thể suy nghĩ và trả lời câu hỏi sau:

+ Tại sao có thể nói Thị Nở xuất hiện trong truyện Chí Phèo với tư cách: ân nhân, tội nhân, nạn nhân?

+ Cho rằng Nam Cao còn nhiều hạn chế trong bút pháp tự nhiên chủ nghĩa khi miêu tả nhân vật Thị Nở, Chí Phèo, đúng không?

+ Có thể kết thúc tác phẩm Chí Phèo theo những cách khác được không?

Với bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có thể nêu vấn đề: “Một mà hai, hai mà một” trong hai hình tượng “Sóng” và “Em” như thế nào?

Tại sao Sóng có một khổ thơ 6 câu phá cách? Các khổ khác chỉ có 4 câu? Hoặc một ví dụ khác: Cái hay của các chi tiết: “Bốn bát bánh đúc”, “hai hào dầu”, “ nồi chè khoán”, “Lá cờ đỏ sao vàng” trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân?

Học văn trước hết là để hiểu văn: biết cảm thụ, phân tích văn; sau đó là hiểu đời, rút ra được bài học sâu xa về cuộc sống để có cách sống đẹp. 

Vì vậy dưới sự dẫn dắt của thầy, các em phải tham gia phân tích tác phẩm một cách chủ động, tích cực, tự giác với niềm hăng say thật sự qua hệ thống câu hỏi thầy đưa ra hoặc có thể tự mình nêu vấn đề và trình bày ý kiến cảm nhận vào một chi tiết, một hình ảnh, một câu thơ, một phần tác phẩm hay toàn bộ tác phẩm.

Các ý kiến đó có thể đánh giá cái hay cái đẹp và cả những hạn chế nữa. Các em hết sức chú ý lắng nghe và ghi chép những lời diễn giảng chuẩn mực của thầy về tri thức cũng như về lời văn, giọng điệu; bởi ở đó thể hiện rõ nhất những hiểu biết sâu sắc, những rung động sâu lắng về những điều thầy tâm đắc nhất.

Với các em học sinh khá, giỏi cần tự thấy mình là bạn tri âm của tác giả, để vừa trân trọng những giá trị của tác phẩm, những đóng góp của tác giả, lại vừa thấy sở đoản, những hạn chế mà tác giả không thể vượt qua do thế giới quan, do thời đại (những tác phẩm thuộc trào lưu văn học lãng mạn, trào lưu văn học hiện thực phê phán và cả một số tác phẩm của nền văn học hiện đại sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975).

Từ đó, có ước vọng vượt qua những hạn chế của tác phẩm, có những đóng góp mới vào nền văn học dân tộc.

Học để hiểu bài, thuộc bài ngay tại lớp

Học để hiểu bài, thuộc bài ngay tại lớp là điều rất cần với các em vì như thế các em sẽ nắm được kiến thức chắc chắn, về nhà xem lại là khắc sâu, khi cần vận dụng sẽ hết sức thuận lợi.

Tuy nhiên học xong bài học trên lớp không phải là hoàn tất về tác phẩm đó. Các em cần có sự trăn trở về tác phẩm vừa học để suy nghĩ và tìm lời giải đáp cho bản thân mình, cho cả cuộc đời trên cơ sở sự tiếp nhận vẻ đẹp lý tưởng thẩm mỹ của tác phẩm văn chương.

Chẳng hạn học xong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy, các em có thể tự đặt câu hỏi và tự giải đáp “ chữ hiếu” ngày nay được biểu hiện như thế nào?

Với vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, nên hiểu hình tượng nhân vật Trương Ba như thế nào, quan niệm thế nào là sống đẹp trong thời buổi kinh tế thị trường còn nhiều xô bồ trước khi đi đến ổn định này?

Mối quan hệ giữa linh hồn và xác thịt trong vở kịch có thể cho em nhiều ý nghĩa mở rộng khác như thế nào?...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ