Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia SABC hôm 19/12/2023, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết, một kết quả đàm phán trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cần “phải có sự hiện diện của cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán”.
“Nam Phi đã tham gia bốn cuộc họp hội thảo hòa bình của Ukraine với các nước khác, nhưng đại diện của Nga chưa nhận được lời mời tham dự”, bà Pandor nói.
Trong cuộc họp gần đây nhất diễn ra vào đầu tháng 12/2023, Pretoria đã đưa ra đề xuất với Ukraine rằng, có thể đã đến lúc Nga được mời.
“Nếu Moscow tham gia, điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bước hướng tới một quy trình chính thức hơn để thảo luận về quá trình đàm phán và giải pháp được đề xuất”, bà Pandor nói thêm.
Ngoại trưởng Nam Phi đồng thời cho biết, Pretoria hài lòng vì “hiện có thêm nhiều quốc gia tham gia vào các cuộc thảo luận này”, và rằng, nhiều nước có quan điểm ngày càng tăng rằng, cả Nga và Ukraine cần phải ở cùng một phòng để các cuộc thảo luận thực sự có thể diễn ra.
Bà Pandor cũng lưu ý, cho đến nay Ukraine vẫn chưa phản hồi về đề xuất này.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky hôm 19/12 cho biết, vấn đề đàm phán là “không liên quan” vì Moscow chưa sẵn sàng chấp nhận “công thức hòa bình” của ông, bao gồm việc Nga rút quân khỏi các khu vực của Ukraine, trả lại biên giới năm 1991 và trả tiền bồi thường.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã gọi sáng kiến của Tổng thống Zelensky là “một tập hợp các tối hậu thư xa rời thực tế”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 20/12 cho biết, “công thức hòa bình” của Kiev với Nga, vốn đang được tìm kiếm mà không có sự tham gia của Moscow, là “một quá trình vô lý và không có tiềm năng mang lại kết quả”.
Moscow nhiều lần cho biết sẵn sàng đàm phán hòa bình với Kiev. Tuy nhiên, năm ngoái Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với Nga.
Vào tháng 10/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, nếu Kiev muốn đàm phán thực sự, điều đầu tiên họ nên làm là dỡ bỏ lệnh cấm đó.